Cầu nối trao gửi yêu thương với bệnh nhân nghèo Gia Lai
Với mục tiêu 'Không để bệnh nhân nghèo bỏ điều trị bệnh vì không có tiền', Tổ Công tác xã hội tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trở thành cầu nối trao gửi yêu thương, qua đó giúp bệnh nhân nghèo, khó khăn an tâm điều trị bệnh.
Tất cả vì người bệnh
Đầu tháng 7-2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Lương Văn Khanh ở làng Anh, xã Ia Bang, huyện Chư Prông trong tình trạng hôn mê, liệt tứ chi, tình trạng hết sức nguy kịch do bị viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính. Bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân, không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và không có tiền để điều trị bệnh.
Với quyết tâm phải cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch không vì không có tiền điều trị, Tổ Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã kịp thời liên hệ các Mạnh Thường Quân hỗ trợ được hơn 30 triệu đồng tạm ứng viện phí, đồng thời mua thẻ BHYT để bệnh nhân có điều kiện điều trị bệnh lâu dài. Nhờ đó bệnh nhân Lương Văn Khanh được điều trị kịp thời và đến nay đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe chuyển biến tốt.
Rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng được Tổ Công tác xã hội kết nối với các Mạnh Thường Quân hỗ trợ giúp đỡ. Chị Nguyễn Thị Nga- Tổ Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Tổ hoạt động chủ yếu kết nối qua hệ thống điều dưỡng trưởng ở các khoa. Khi các khoa có bệnh nhân cần hỗ trợ thì thông tin lên tổ tìm cách giúp đỡ.
“Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện công và là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh nên bệnh nhân nghèo rất nhiều; trường hợp rất nặng, khẩn cấp. Khi nhận thông tin, Tổ Công tác xã hội lập tức kết nối với các Mạnh Thường Quân hỗ trợ trực tiếp. Bên cạnh đó, trong trường hợp bệnh nhân khó khăn, Ban Giám đốc vẫn tập trung ưu tiên cứu chữa. Nhờ sự quan tâm từ nhiều phía, nhiều bệnh nhân nghèo, khó khăn, bệnh nhân nặng… đã được điều trị, vượt qua bệnh tật”- chị Nga nhấn mạnh.
Ngoài trợ giúp viện phí, Tổ Công tác xã hội còn kết nối, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ suất ăn, xe chuyển viện… “6 tháng đầu năm 2024, tổ đã kết nối và phối hợp cùng các tổ chức từ thiện thực hiện phát cơm, cháo gửi đến người bệnh với 67.000 suất ăn miễn phí. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị gần 150 triệu đồng. Từ tháng 5-2024, Tổ Công tác xã hội đã triển khai thêm hình thức hỗ trợ thẻ BHYT. Theo đó, tổ kết nối với chính quyền địa phương, các Mạnh Thường Quân, trong 2 tháng qua, đã hỗ trợ 13 thẻ BHYT cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện”- chị Nga thông tin thêm.
Lan tỏa yêu thương
Chị Kpuih Típ (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) xúc động chia sẻ: “Mình nhập viện điều trị nhưng không có tiền, không có thẻ BHYT. Tổ Công tác xã hội đã vận động ân nhân hỗ trợ mình kinh phí điều trị bệnh. Ơn này mình không biết trả như thế nào”.
Những người làm công tác xã hội, các y, bác sĩ xuất phát từ lương tâm người thầy thuốc mà tự nguyện đồng hành, san sẻ với bệnh nhân nghèo. Bác sĩ Bùi Quốc Long- Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) cho hay: Nhiều bệnh nhi nằm điều trị bệnh lâu ngày, gia đình vốn đã khó khăn càng thêm kiệt quệ. Có trường hợp bệnh chưa ổn định nhưng gia đình xin về. Những lúc như vậy, các y, bác sĩ lại động viên người nhà và liên hệ Tổ Công tác xã hội vận động nhà hảo tâm giúp đỡ.
Chị Siu Bếp (làng O Grưng, xã Ia ko, huyện Chư Sê) là một trong những trường hợp được hỗ trợ tại Bệnh viện Nhi Gia Lai. Là hộ nghèo, con chị Bếp từ lúc sinh ra lại phải nằm viện điều trị suốt 5 tháng qua. Nhiều khi khó quá, chị lại xin các bác sĩ cho con về nhà. “Những lúc ấy, y- bác sĩ lại động viên tôi và tìm nguồn hỗ trợ. Nhờ đó mà con tôi được điều trị đến hôm nay. Gia đình tôi biết ơn nhiều lắm”- chị Bếp xúc động chia sẻ.
Chị Trần Thị Kim Chung- Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) bộc bạch đã công tác tại bệnh viện 28 năm qua. Trong quá trình đó, chị chứng kiến rất nhiều bệnh nhân nghèo, khó khăn, bệnh nhân không có thẻ BHYT cần được trợ giúp. Không đành lòng nhìn họ bế tắc, chị liên kết với Tổ Công tác xã hội xin giúp đỡ, lúc thì hỗ trợ mua thẻ BHYT, lúc thì xin kinh phí điều trị bệnh hoặc nếu bệnh quá nặng thì xin tiền chuyển viện. “Thương nhất là những bệnh nhân chạy thận chu kỳ, nhiều bệnh nhân ở xa, không có tiền đi xe, chúng tôi tìm cách nhờ hỗ trợ đi lại và ăn ở qua đêm. Giúp được gì cho bệnh nhân chúng tôi luôn sẵn lòng và mong họ có thêm niềm tin và nghị lực vượt qua bệnh tật…"- điều dưỡng Chung tâm sự.