Cầu nối từ nông thôn lên đô thị
Theo lộ trình đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 5 huyện phát triển thành quận. Với những địa phương này, xây dựng nông thôn mới phù hợp với tiêu chuẩn đô thị và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống là hai vấn đề cốt lõi. Để quá trình phát triển thành quận bảo đảm theo tiến độ đề ra, tránh lãng phí, Hà Nội đang chỉ đạo các địa phương tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, nhằm tạo ra một cầu nối bền vững giữa xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa...
Đường thôn Đông Khê, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) khang trang hơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Quang
Thách thức từ đô thị hóa
Là xã ở vùng ven đô thị, An Khánh (huyện Hoài Đức) những năm qua có nhiều thay đổi. Chủ tịch UBND xã An Khánh Bùi Quang Ất cho biết: An Khánh hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2013 với hạ tầng khang trang. Tuy nhiên, do đô thị hóa nhanh, dân số hiện nay của xã đã cao gấp nhiều lần so với cách đây 7 năm, song do hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn tới quá tải về giáo dục, giao thông...
Tương tự, xã Đông Hội (huyện Đông Anh) đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2014. Hiện xã đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao (đã đạt 15/19 tiêu chí) đồng thời xây dựng tiêu chí phường (đã đạt 11/15 tiêu chí); các tiêu chí còn lại chưa thực hiện được chủ yếu là nhóm hạ tầng và liên quan đến nguồn vốn đầu tư.
Không chỉ với hạ tầng, dưới góc nhìn văn hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng băn khoăn: Thanh Trì là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với 56 cụm di tích và di tích cùng nhiều làng nghề như: Dệt quai thao Triều Khúc, bánh chưng Tranh Khúc, rượu hoa cúc Yên Ngưu gắn với nét văn hóa nông thôn đặc sắc... Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh và xây dựng nông thôn mới song hành với xây dựng xã thành phường, huyện thành quận, giữ được nét văn hóa truyền thống là điều không đơn giản.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, nhiều xã ven đô có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nên phải tính toán bước đi, cách làm khoa học và bài bản để khớp nối nông thôn và thành thị, tranh thủ lợi thế, giảm thiểu những bất cập trong quá trình đô thị hóa.
Khớp nối hạ tầng, bảo tồn văn hóa
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng gợi mở: Quá trình đô thị hóa, người dân các nơi nhập cư về Hà Nội sẽ ngày một nhiều. Do vậy, ngay từ bây giờ, các địa phương phải tìm giải pháp để gìn giữ và phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Nhờ làm tốt công tác quy hoạch nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) đã đáp ứng các tiêu chí để trở thành phường. Ảnh: Đỗ Tâm
Cùng cách nhìn nhận, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cũng cho rằng: Quy hoạch phải đi trước một bước làm cơ sở xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, khi xây dựng các công trình hạ tầng, địa phương cần có tầm nhìn xa để khi xã lên phường, huyện lên quận có hạ tầng chuẩn đô thị, không phải làm lại để tránh lãng phí.
Trước những vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên thông tin: Là địa phương vừa tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, vừa đáp ứng các tiêu chí phát triển thành quận, huyện Đông Anh đã đầu tư đồng bộ hệ thống chiếu sáng nông thôn, trồng cây xanh, cải tạo ao hồ để tạo cảnh quan... Đặc biệt, huyện rất chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng văn hóa - xã hội như: Triển khai 185 dự án xây dựng, cải tạo trường học; hiện tại 8 xã đã đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa, 22 xã có sân thể thao, 145/155 thôn có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn.
Còn về việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết: Bên cạnh việc duy trì các nét văn hóa dân gian như múa rồng, múa sư tử..., năm 2019, huyện có cơ chế hỗ trợ 60% kinh phí cho các di tích đã được xếp hạng đủ điều kiện để tu bổ. Đến nay, một số di tích đang được thẩm định để trình các cấp phê duyệt như: Đình Thượng Phúc (xã Hữu Hòa); đình Đông Phù (xã Đông Mỹ)...
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ lệ đô thị lên 60%, 5 huyện sẽ phát triển thành quận. Để đạt mục tiêu này, phải thực hiện nhiều nội dung, nhiều tiêu chí vừa xây dựng nông thôn mới nâng cao, vừa thực hiện phát triển đô thị. Hà Nội sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho các huyện hoàn thành bộ tiêu chí.
Như vậy, ngoài nguồn lực đầu tư của thành phố, 5 huyện đang trên đà trở thành quận của Hà Nội cần tìm giải pháp phù hợp hơn nữa để quá trình xây dựng hạ tầng được đồng bộ cũng như việc bảo tồn văn hóa sẽ đạt hiệu quả cao.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/975829/cau-noi-tu-nong-thon-len-do-thi