Cầu nối vốn từ tín dụng chính sách xã hội

Tín dụng chính sách xã hội không chỉ giúp doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh, còn góp phần giúp hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó...

Chiều 6-9, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH) - Chỉ thị 40.

Hiệu quả từ dòng vốn chính sách

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn TP HCM, ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh TP HCM, cho biết tính đến ngày 30-6-2024, tổng nguồn vốn CSXH trên địa bàn đạt hơn 12.100 tỉ đồng, tăng gần 10.000 tỉ đồng (gấp 4,5 lần) so với thời điểm 10 năm trước.

Trong 10 năm qua, tổng doanh số cho vay đạt hơn 24.400 tỉ đồng với trên 573.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 15.114 tỉ đồng. Tính đến ngày 30-6, tổng dư nợ các chương trình tín dụng CSXH đạt 11.470 tỉ đồng, với 194.283 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Bình quân một hộ dư nợ đạt 59 triệu đồng.

Theo ông Trần Văn Tiên, cùng với các chính sách an sinh xã hội của thành phố, nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần giúp trên 120.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo các giai đoạn; thu hút, tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm cho gần 379.000 lượt lao động, giúp gần 500 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 23.380 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo hơn 212.700 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn 5 huyện ngoại thành…

"Các chương trình cũng giúp cho 197 lượt doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương cho hơn 67.200 lượt người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19; giúp 141 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch được vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị" - ông Tiên nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ đã vay 100 triệu đồng kinh doanh tiệm sửa xe nhỏ giúp gia đình có đồng dư trang trải. Ông Lại Văn Phong (ngụ quận 12) vay 100 triệu đồng đầu tư công nghệ, mua sắm máy trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Từ hộ nghèo, gia đình ông nay đã ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Mô hình trồng rau sạch VietGap từ vốn vay chính sách xã hội

Mô hình trồng rau sạch VietGap từ vốn vay chính sách xã hội

Nâng cao chất lượng dòng vốn

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, đánh giá tín dụng CSXH là một giải pháp có tính sáng tạo, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội. Chỉ thị 40 và Kết luận số 06-Kl/TW tháng 6-2021 về tiếp tục thực hiện chỉ thị này, là chủ trương đúng đắn của nhà nước, góp phần đặt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.

Thời gian qua, TP HCM là địa phương luôn tiên phong thực hiện thí điểm và đề xuất với trung ương nhiều cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước. Đặc biệt, thành phố cũng là địa phương đầu tiên trên toàn quốc ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 40 ngay sau khi ra đời. Tín dụng CSXH đã góp phần hỗ trợ người dân giảm nghèo, góp phần giúp TP HCM hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đến năm 2023 không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia...

"Đánh giá cao kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM đã đạt được trong Chỉ thị 40 và Kết luận 06. Thời gian tới, TP HCM cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về CSXH nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, trong bối cảnh thành phố bước sang giai đoạn mới khác biệt về chất. Tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các ban ngành, năng lực của chi nhánh ngân hàng CSXH trong điều kiện bối cảnh mới" - ông Nguyễn Hồng Sơn nói.

Để dòng vốn tín dụng CSXH phát huy hiệu quả hơn nữa, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu điểm quan trọng là cần nhận thức rõ, dòng vốn tín dụng dù là chính sách nhưng vẫn theo tiêu chí "vay phải trả". Quan điểm này sẽ giúp dòng vốn không dễ dãi, dù là đối tượng CSXH nhưng nếu không đủ điều kiện phải tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ khác. Khi đó, chương trình sẽ đúng trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

"Quan trọng là nâng cao trách nhiệm, quyết tâm của người vay để từ đó chính người vay nỗ lực vươn lên, làm cho chương trình hiệu quả hơn. Tự lực, tự cường ngay cả trong đối tượng xã hội, chứ không phải tâm lý chờ đợi sự giúp đỡ và không nỗ lực hết mình để đạt hiệu quả" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Mở rộng chương trình tín dụng sinh viên

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị ngân hàng CSXH TP HCM chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai chương trình tín dụng sinh viên theo hướng mở rộng hơn.

Làm sao mọi sinh viên ở mọi miền đất nước về TP HCM học tập, có nhu cầu vay vốn là được tiếp cận. Tín dụng hỗ trợ sinh viên là việc cần làm, đối tượng tham gia kể cả các ngân hàng thương mại trên địa bàn, có thể giảm tới mức tối thiểu về lãi suất.

"Chênh lệch lãi suất giữa ngân hàng CSXH và ngân hàng thương mại có thể dùng quỹ để hỗ trợ, gọi là Quỹ bảo lãnh tín dụng sinh viên và hỗ trợ một phần lãi suất. Quỹ này có thể vận động xã hội hóa và ngân sách thành phố. Không lo nợ quá hạn nếu tuyên truyền rõ ý thức vay và trả nợ đúng hạn, nhất là khi chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" - Chủ tịch UBND TP nói.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cau-noi-von-tu-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-196240906212445342.htm