Câu rê - làm chơi, ăn thiệt!

Câu rê - cách dùng mồi giả kéo rê trên mặt nước dụ cá cắn câu, luôn tạo cảm giác hồi hộp cho cần thủ. Tuy vậy, để có cá mang về đòi hỏi cần thủ có sự kiên nhẫn nhất định.

Mồi giả nhiều màu sắc được làm từ cao su, gọn nhẹ dễ sử dụng.

Mồi giả nhiều màu sắc được làm từ cao su, gọn nhẹ dễ sử dụng.

Anh Trần Văn Thảo, ngụ ấp Hai Trong, xã Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) rất thích loại hình câu cá này. Anh Thảo bảo trước đây, khi chưa có cần câu máy, anh dùng cây tre, trúc dài khoảng 4 mét làm cần, bắt nhái làm mồi câu.

"Hiện nhái giả và cần câu máy có bán sẵn trên thị trường, gọn nhẹ, có thể tháo lắp dễ dàng nên cũng tiện cho việc đi câu xa”, anh Thảo chia sẻ.

Khi quăng câu, cần thủ điều khiển mồi giả chạy trên mặt nước để dụ cá săn mồi. Bằng phương pháp này, cần thủ có thể bắt được nhiều loại cá như cá lóc, cá chẽm, cá chét…

Chỉ với cần câu máy và mồi nhái giả đủ để cần thủ mang cá về.

Anh Nguyễn Văn Khánh, ngụ ấp Thứ Nhất, xã Tây Yên, huyện An Biên (Kiên Giang), cho biết việc lựa chọn mồi câu cá phụ thuộc vào đặc điểm từng địa hình. Những địa hình nhiều lau sậy hoặc ao sen, nhiều cỏ hoặc vật cản thì lựa chọn thích hợp nhất là các con mồi nổi có chống vướng như nhái hơi, nhái nhảy. Địa hình nước sâu từ 1-3 mét, ít vật cản thì các con mồi sắt câu rê đáy là lựa chọn phù hợp nhất.

Theo kinh nghiệm của mình, anh Khánh cho rằng nên chọn nơi có nhiều cỏ cây, lau sậy là nơi cá thường kiếm mồi và tránh nắng. Đây cũng là địa điểm ít người qua lại, tránh đánh động lúc cá cắn câu.

Hiện trên thị trường có nhiều loại cần câu máy, chất liệu được làm từ cacbon cao cấp, loại bình dân hơn làm từ nhựa hoặc phíp.

Anh Trần Văn Thảo (bìa phải) và những người bạn khoe "chiến lợi phẩm" là cá chẽm nặng hơn 7 ký.

Kết quả sau hai giờ quăng câu của anh Trần Văn Thảo.

Anh Lê Thanh Mộng, ngụ ấp Rọc Năng, xã Hưng Yên, huyện An Biên (Kiên Giang), người có kinh nghiệm đi câu chia sẻ: “Vào những ngày tiết trời ấm áp, cá bơi nhiều ở tầng nước trên để kiếm ăn, thuận lợi để quăng câu. Ngoài ra, sau những cơn mưa rào hay lúc trời tờ mờ sáng cũng là lúc cá kiếm ăn đông nhất, là thời điểm lý tưởng để mình đi câu".

Thời gian đầu, anh Mộng câu cá để giải trí khi rảnh rỗi, nhưng về sau câu được nhiều cá, ăn không hết, anh bán cho bà con trong xóm, từ đó có thêm thu nhập. “Nghề này mới phát triển gần đây, nhưng chịu khó làm thì lúc nào cũng có cá ăn, tôi còn có thêm thu nhập từ 200-400.000 đồng/ngày”, anh Mộng nói.

Bài và ảnh: THÍCH TRẦN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/cau-re-lam-choi-an-thiet!-13611.html