Cầu thang trong văn hóa truyền thống của người Tày - Nùng

Nhà sàn là loại hình kiến trúc độc đáo và chủ yếu của người Tày - Nùng. Trong ngôi nhà sàn thì cầu thang giữ vị trí đặc biệt quan trọng.

Nhà ở truyền thống của người Tày - Nùng là nhà sàn ba gian, hai chái, cột tròn hoặc vuông. Nhà được chia làm ba tầng. Tầng dưới (gầm sàn) thường nuôi nhốt gia súc gia cầm và nông cụ. Tuy nhiên hiện nay đồng bào Tày, Nùng không nuôi nhốt gia súc, gia cầm ở gầm sàn nữa mà dùng làm nơi sinh hoạt chung và để các vật dụng cần thiết). Tầng giữa là nơi ăn, ở, tiếp khách, sinh hoạt chính của chủ nhà. Tầng trên (gác xép) là nơi để và bảo quản lương thực. Ba tầng trong ngôi nhà được nối với nhau bởi cầu thang. Do đó, cầu thang được cấu tạo và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần người Tày - Nùng.

Cầu thang giữ vị trí quan trong trong ngôi nhà sàn

Cầu thang giữ vị trí quan trong trong ngôi nhà sàn

Thực tế khi làm cầu thang, người Tày - Nùng thường chọn loại gỗ tốt như gỗ lim, gỗ nghiến, gỗ đinh trên núi đá để đóng. Hai thanh cây vịn cầu thang được bào nhẵn đầu gác lên sàn nhà có trạm khắc hình đầu rồng hoặc cá chép. Cầu thang từ tầng hai lên gác xép cũng như cầu thang tầng một nhưng thường là bảy bậc và đơn giản hơn.

Trong đời sống tâm linh của người Tày - Nùng, 7 hay 9 bậc cầu thang là sự thể hiện số lượng con vía. Vía chính là sợi dây nối sự sống và cái chết của con người. Bởi vậy, bậc cầu thang chính là cầu nối giữa hai thế giới bên trong và bên ngoài của ngôi nhà. Số lượng bậc thang có thể khác nhau; vị trí cầu thang cũng có thể ở bên phải hoặc bên trái ngôi nhà (tùy theo thế đất, vị trí dựng nhà) nhưng số bậc cầu thang nhất định phải là số lẻ.

Người Tày - Nùng quan niệm: con người có phần xác và phần hồn vía gọi là “khoăn”. Phần xác và phần khoăn luôn tồn tại song song, nhưng có thể một số phần khoăn rời cơ thể đi chơi hoặc siêu tán không về tập trung trong thì cơ thể người sẽ ăn uống kém, sinh ra ốm đau. Muốn gọi khoăn về phải mời thầy về nhà làm lễ cầu yên giải hạn, nối số… Trong các lễ này bao giờ cũng có chiếc thang đón “khoăn” (Đuây khoăn - Thang vía). Tùy từng lễ mà người ta dùng chiếc thang 7 bậc, 9 bậc, 12 bậc. Ba loại thang này được làm bằng cọng lá chuối, bậc thang được làm bằng nan tre tượng trưng là thang đón vía con người đi về trong cõi âm. Trên các bậc thang có gắn tiền âm, trên hai thanh dọc cầu thang cắm hình nhân và cờ cắt bằng giấy màu. Ý nghĩa các vật này là tiền cho binh quân bên cõi âm trông coi thang vía.

Chiếc thang đã đi vào dân ca, ca dao tộc người Tày - Nùng. Chẳng thế mà khi muốn mời khách đến chơi, người Tày - Nùng có câu nói vần thể hiện sự mến khách của chủ nhân, như: Dá hử tin đuây tứn tầu gầy/Dá hử phác đuây tứn chóp thếp (Chớ để chân thang mọc rêu dày/Chớ để tay thang mọc nấm mốc).

Từ đời sống sinh hoạt hằng ngày đến đời sống tâm linh, chiếc cầu thang gắn bó với người Tày - Nùng như biểu tượng về văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày - Nùng ở Tuyên Quang.

Hoàng Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/dan-toc-mien-nui/phong-tuc-tap-quan/cau-thang-trong-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-tay-nung-133635.html