Cầu thủ chia tay CLB Quảng Ninh vẫn có thể kiện đội bóng
Một điều khoản trong biên bản thanh lý hợp đồng của Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh đang gây nhiều khó khăn cho các cầu thủ trong việc nỗ lực đòi lại quyền lợi.
Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh (đơn vị quản lý CLB Quảng Ninh) dừng hoạt động từ ngày 25/8 và tiến hành thanh lý hợp đồng với các cầu thủ. Theo tìm hiểu của Zing, biên bản đề cập đến mốc công ty ngừng trả lương và các chế độ liên quan, và mức % phí hợp đồng cầu thủ được nhận theo thời gian thi đấu, nhưng không nói rõ thời hạn thanh toán các khoản tiền nêu trên là trong bao lâu.
Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ một số trường hợp có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Nhiều cầu thủ CLB Quảng Ninh đã bị nợ lương, thưởng, phí lót tay từ năm 2019, tổng cộng khoảng hơn 70 tỷ đồng tính đến tháng 8 năm nay. Nhưng để lấy giấy thanh lý hợp đồng và đến bến đỗ mới, các cầu thủ phải chấp nhận điều khoản không được kiện đội bóng, khi chưa được thanh toán số tiền bị nợ.
“Hai bên cam kết mọi điều khoản khiếu kiện sẽ không có giá trị pháp lý sau khi thống nhất ký vào biên bản này”, biên bản thanh lý hợp đồng của Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh có đoạn.
Đội trưởng Nguyễn Hải Huy, các tiền vệ Nghiêm Xuân Tú, Phạm Nguyên Sa, hậu vệ Dương Văn Khoa, Nguyễn Tiến Duy hay trước đó là Dương Thanh Hào đều chấp nhận điều này và để có thể đến những bến đỗ mới nhưng họ vẫn chưa rõ bao giờ có thể nhận lại số tiền mồ hôi công sức bị nợ (từ 1 đến gần 3 tỷ đồng mỗi người).
Câu hỏi lớn được đặt ra, nếu không được giải quyết, họ có thể kiện đội bóng hay không?
“Cam kết không khiếu kiện chỉ được thực thi khi hai bên đã ký vào thỏa thuận và phía Công ty phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo cam kết. Khi đó, người lao động (là cầu thủ), đồng ý không khiếu kiện về sau. Tuy nhiên trong biên bản chỉ nói công ty sẽ thanh toán lương và các chế độ đến hết ngày 24/8/2021 mà không nói thời hạn thanh toán là bao giờ? Thanh toán đầy đủ một lần hay nhiều lần? …”, luật sư Lê Thị Thu (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nói với Zing.
Theo luật sư này, kể cả khi cầu thủ đã chấp nhận cam kết giữ im lặng, trong trường hợp công ty quản lý CLB Quảng Ninh không thực hiện đúng thỏa thuận, người lao động (là cầu thủ) vẫn có quyền được kiện, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
“Đây là thỏa thuận thanh lý hợp đồng không đầy đủ, rõ ràng nên rất dễ xảy ra tranh chấp. Phía cầu thủ lẽ ra phải ràng buộc thêm điều kiện là nếu bên công ty không thực hiện đúng nghĩa vụ trong thời gian cụ thể thì sẽ phải bồi thường thiệt hại, hoặc cầu thủ sẽ khởi kiện theo quy định của pháp luật”, luật sư Thu cho biết.
Luật sư thể thao Phạm Văn Huỳnh, người bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ CLB Quảng Ninh, đưa ra quan điểm tương tự.
“Cầu thủ đã kết thúc nghĩa vụ hợp đồng với công ty, nhưng phía công ty đã hoàn thành nghĩa vụ với cầu thủ chưa? Việc phát sinh thỏa thuận để ngăn cầu thủ kiện lại công ty là vô nghĩa. Kể cả khi đồng ý với yêu cầu đó, nếu không được đảm bảo quyền lợi, các cầu thủ vẫn hoàn toàn có thể khởi kiện”, ông Huỳnh nói với Zing.
Điều 4, Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định quyền khởi kiện là một trong những quyền cơ bản của công dân: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình".
Tuy nhiên đối với các cầu thủ, đây là chuyện không hề đơn giản. Nhiều người tỏ ra ái ngại trước mối quan hệ lâu năm với đội bóng, có người không biết phải kiện ai, nên thuê luật sư hay tìm người đại diện để ủy quyền tranh tụng dân sự.
Theo tìm hiểu của Zing, bên cạnh việc xin tư vấn của các luật sư, một số cầu thủ đã “cầu cứu” Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bằng việc gửi đơn khiếu nại lên Phòng Pháp lý và Tư cách Cầu thủ (PL&TCCT).
Trong công văn phúc đáp, VFF cho biết yêu cầu khiếu nại của các cầu thủ chưa thực sự rõ ràng và yêu cầu họ bổ sung chi tiết những tài liệu liên quan tới quá trình trả lương của CLB. Các cầu thủ cần phải cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết nhằm giải thích rõ việc “CLB chưa chi trả lương như hợp đồng đã ký” thì VFF mới có cơ sở giải quyết.
Với động thái xin dừng hoạt động, Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh đã hoàn thành bước đầu trong lộ trình tuyên bố phá sản. Khi công ty không còn tài sản, chủ nợ (là cầu thủ, nhân viên đội bóng) có nguy cơ mất hết số tiền thưởng, lót tay. Trong trường hợp này, chủ nợ không thể kiện.
CLB Quảng Ninh cũng có nguy cơ không được dự V.League 2022 do công ty quản lý đội bóng chưa thanh toán khoản nợ thuế hơn 22 tỷ đồng từ đầu năm. Theo xác nhận của đại diện Chi cục Thuế TP. Cẩm Phả với Zing, Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh tới thời điểm này cũng chưa có văn bản xin gia hạn thời gian hoàn thành nghĩa vụ thuế.