Cầu thủ nhập tịch - 'Cuộc chơi' buộc phải tham gia với Đội tuyển Việt Nam

Những đội bóng mạnh trong khu vực Đông Nam Á đều đang rất tích cực trong việc nâng cao chất lượng nhân sự bằng các cầu thủ nhập tịch. Từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines cho đến Singapore đều đã có thêm những cái tên chất lượng từ 'nguồn lực' này. Trong bối cảnh chung đó, nếu Đội tuyển Việt Nam không đi theo 'trào lưu', nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ cùng khu vực có thể thấy rõ.

Nếu được triệu tập, Rafaelson sẽ mở ra kỷ nguyên mới ở Đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Goal

Nếu được triệu tập, Rafaelson sẽ mở ra kỷ nguyên mới ở Đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Goal

Chất lượng được nâng cấp

Không khó để nhận ra các đội tuyển Đông Nam Á đã tiến bộ ra sao sau làn sóng đưa cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển quốc gia. Indonesia chính là minh chứng tiêu biểu nhất. Đội bóng xứ vạn đảo là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 của châu Á. Trong đội hình mà huấn luyện viên Shin Tae-yong triệu tập cho các trận đấu sắp tới, có tới hơn 10 cầu thủ là những người nhập tịch. Chiếm phần lớn trong số những cầu thủ nhập tịch của Indonesia là những người sinh ra ở Hà Lan, có một phần dòng máu Indonesia do bối cảnh lịch sử và mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia.

Từ nhiều năm qua, Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) đã vạch ra kế hoạch bài bản, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cầu thủ gốc Indonesia thi đấu tại châu Âu trở về để cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Hiệu quả của chiến lược này được thấy rõ qua thành tích của Đội tuyển Indonesia thời gian gần đây. Thậm chí đội bóng xứ vạn đảo hiện tại còn có phần lấn lướt hai “ông lớn” trong khu vực là Đội tuyển Thái Lan và Đội tuyển Việt Nam.

Nhận thức về cầu thủ nhập tịch ở các đội bóng Đông Nam Á đã biến chuyển rõ rệt. Không chỉ Indonesia, các đội tuyển khác cũng tập trung khai thác mạnh mẽ “nguồn lực” này, bởi họ hiểu rằng chất lượng từ các cầu thủ được ăn tập tại châu Âu - nơi mặt bằng chung bóng đá phát triển, sẽ trực tiếp nâng tầm đội bóng một cách nhanh nhất.

Ngay ở giải đấu giao hữu LPBank Cup 2024 tổ chức ở Việt Nam sắp tới, trong thành phần Đội tuyển Thái Lan cũng sẽ xuất hiện nhiều cầu thủ nhập tịch. Đó là Elias Doah, William Weidersjo, Patrik Gustavsson (đều sinh ra tại Thụy Điển), Jonathan Khemdee (sinh ra ở Thái Lan nhưng lớn lên tại Đan Mạch), Nicholas Mickelson (cha người Na Uy, mẹ người Thái Lan)... Đây đều là những cầu thủ còn rất trẻ và ít nhiều thể hiện tiềm năng chơi bóng tại châu Âu. Huấn luyện viên Alexandre Polking sẽ xem giải đấu giao hữu tại Việt Nam là cơ hội để thử sức các cầu thủ này.

Mới nhất, trang chủ Liên đoàn Bóng đá Singapore (FAS) xác nhận, hai cầu thủ cùng sinh năm 1996: Perry Tian Hee Ng (đang chơi cho Cardiff City ở giải Championship của Anh) và Kyoga Nakamura (đang chơi cho BG Tampines Rovers) đã tham gia tập luyện cùng Đội tuyển Singapore trong đợt tập trung FIFA Days. Perry Ng, người chơi được ở tất cả các vị trí trong hàng phòng ngự, từng được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất năm của Cardiff trong hai mùa giải liên tiếp 2022-2023 và 2023-2024. Cầu thủ có ông nội là người Singapore hiện đang được định giá 3,8 triệu euro và sẽ trở thành cầu thủ đắt giá nhất Đông Nam Á nếu chính thức khoác áo Đội tuyển Singapore. Trong khi đó, Kyoga Nakamura vốn là người Nhật Bản, dù không có dòng máu Singapore nhưng đã chơi bóng ở quốc gia này 5 năm và 4 lần lọt vào đội hình tiêu biểu của Singapore Premier League.

Bóng đá Việt Nam cần có người “tiên phong”

Khi các đối thủ cùng khu vực đang có những sự bổ sung mạnh mẽ nhờ lực lượng cầu thủ nhập tịch, Đội tuyển Việt Nam rõ ràng không thể đứng ngoài trào lưu nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh. Mặc dù vậy, việc lựa chọn cầu thủ đủ khả năng đáp ứng tất cả những tiêu chí để triệu tập lên tuyển quốc gia không phải là điều dễ dàng.

Lịch sử bóng đá Việt Nam từng chứng kiến những cầu thủ nhập tịch trong lực lượng “Những chiến binh sao vàng” như Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max hay nổi tiếng nhất là Phan Văn Santos. Song những cầu thủ này hoặc không đáp ứng được kỳ vọng chuyên môn, hoặc gặp rắc rối về chuyện hậu trường. Phan Văn Santos từng gây ra tranh cãi lớn khi hát quốc ca Brazil trong trận giao hữu giữa Đội tuyển Việt Nam và Olympic Brazil, dù khi đó anh đang khoác trên mình chiếc áo đấu có lá cờ đỏ sao vàng trên ngực.

Trong thời gian dài sau đó, rất nhiều ngoại binh chơi ở V.League đã có quốc tịch Việt Nam, thậm chí lấy vợ Việt Nam. Song vì nhiều nguyên nhân, việc gọi họ lên tuyển quốc gia chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Trên thực tế, VFF vẫn tìm kiếm những cầu thủ mang trong mình dòng máu Việt Nam trên khắp thế giới và mời họ về cống hiến cho đất nước. Nhờ đó, đội tuyển có được sự cống hiến của Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm và Filip Nguyễn... Họ là những cầu thủ mang dòng máu Việt nhưng sinh ra, lớn lên và được đào tạo trong những học viện trẻ nổi tiếng tại châu Âu.

Nhưng những trường hợp như thế không nhiều. Những cầu thủ có gốc gác Việt Nam thực sự xuất sắc thường sẽ lựa chọn quốc gia có nền bóng đá mạnh để cống hiến thay vì đến Việt Nam. Thực tế cho thấy, đa số các cầu thủ mang dòng máu Việt từ các quốc gia châu Âu trở về V.League chơi bóng đều có chất lượng trung bình, không quá vượt trội với các cầu thủ nội. Việc nhập tịch và đưa các cầu thủ này vào đội tuyển rõ ràng không giúp nâng tầm cho “Những chiến binh sao vàng”, thậm chí còn làm giảm cơ hội của những cầu thủ nội xứng đáng.

Trong bối cảnh đó, cuộc tranh luận về việc có nên nhập tịch cho các cầu thủ ngoại binh đã thi đấu nhiều năm ở Việt Nam đang trở nên nóng bỏng. Rafaelson chính là trường hợp nổi bật nhất. Sau nhiều năm chơi bóng tại V.League, chân sút sinh năm 1997 gốc Brazil rất khát khao cống hiến cho Đội tuyển Việt Nam. Tài năng của Rafaelson đã được khẳng định, nhất là sau màn trình diễn chói sáng đưa Nam Định đến ngôi vô địch V.League mùa trước. Một vài người lo ngại việc Rafaelson chưa đủ “thấm nhuần văn hóa Việt Nam” để khoác áo tuyển quốc gia, song đại đa số người hâm mộ rất hứng khởi trước việc “Những chiến binh sao vàng” được bổ sung thêm một tiền đạo xuất sắc. Có thể, Rafaelson sẽ là người tiên phong mở ra một kỷ nguyên mới ở Đội tuyển Việt Nam, nơi những cầu thủ nhập tịch sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn rất nhiều.

Các tuyển thủ quốc gia hiện tại đều nghiêng về xu hướng ủng hộ cầu thủ nhập tịch. Theo tiền đạo Nguyễn Tiến Linh, người có khả năng mất vị trí chính thức trên hàng công đội tuyển, nếu Rafaelson nhập tịch và được triệu tập cho biết: “Các cầu thủ nhập tịch được triệu tập là một điều tốt cho Đội tuyển Việt Nam, bởi khi ấy sẽ có sự cạnh tranh lớn trong đội. Các cầu thủ nhập tịch sẽ mang đến động lực phấn đấu cho tất cả các tuyển thủ, đồng thời nâng cao trình độ và sức mạnh cho tuyển Việt Nam”.

Hoàng Hải

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cau-thu-nhap-tich-cuoc-choi-buoc-phai-tham-gia-voi-doi-tuyen-viet-nam-post480414.html