Cầu tín dụng chưa cải thiện nhiều khi mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao

Mặc dù tính đến cuối tháng 4, tín dụng có tăng 3,24% so với cuối năm 2022, tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu tín dụng vẫn chưa có nhiều sự cải thiện, với bối cảnh mặt bằng lãi suất dù giảm nhưng vẫn đang ở mức cao.

Lãi suất cho vay chung cả hệ thống ngân hàng chỉ giảm khoảng 0,5 - 0,65%

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua của SSI Research, trong phiên họp thường kỳ tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng ước tính vào khoảng 3,24% so với cuối năm 2022, tương đương mức tăng 11% so với cùng kỳ. NHNN duy trì kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cho năm 2023 vào khoảng 14,5%, tạo dư địa cho việc khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, “trên thực tế, nhu cầu tín dụng vẫn chưa có nhiều sự cải thiện, với bối cảnh mặt bằng lãi suất dù giảm nhưng vẫn đang ở mức cao” - các chuyên gia của SSI Research cho biết.

Theo thống kê thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước Covid-19, dao động ở mức 10 - 10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11 - 12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho doanh nghiệp sản xuất thông thường, trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 13,5% - 14%/năm.

Theo ước tính từ NHNN, lãi suất huy động trung bình của tất cả các tổ chức tín dụng giảm khoảng từ 1 - 1,2% so với cuối năm 2022, còn giảm lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống khoảng 0,5 - 0,65%.

Báo cáo của SSI Research cho biết, theo thống kê thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước Covid-19, dao động ở mức 10 - 10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11 - 12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho doanh nghiệp sản xuất thông thường, trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 13,5% - 14%/năm.

Báo cáo của MBS cũng cho biết, trong nửa cuối tháng 4, NHNN tiếp tục bơm 31.206,7 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 - 28 ngày với lãi suất 5%/năm. Tổng lượng đáo hạn trong tháng này đạt 36.411,21 tỷ đồng và đưa lượng OMO đang lưu hành là 5.091,63 tỷ đồng. Như vậy, toàn bộ lượng tiền này sẽ quay trở lại NHNN trước khi tháng 5 kết thúc.

Các chuyên gia MBS thông tin, sau thời điểm tăng nóng trong nửa đầu tháng 4, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt. Khảo sát của Bloomberg cho thấy lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang giao dịch ở mức 4,4%/năm, giảm mạnh từ mức 5,2% cao điểm giữa tháng. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng ở quanh mức 4,41% - 5%/năm, giảm nhẹ so với giữa tháng 4.

“Từ đầu năm đến nay, NHNN có 2 lần giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng giảm lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng đang chậm lại, đến ngày 20/4, tín dụng mới chỉ tăng 2,57% so cuối năm 2022 và chỉ bằng 1/3 so mức 6,46% của cùng kỳ 2022. Hầu hết ngân hàng có mức độ tăng trưởng tín dụng còn thấp, chỉ quanh 2%, thậm chí 1%” - Báo cáo của MBS cho hay.

Tỷ giá VND/USD dao động trái chiều

Báo cáo của MBS cho biết, giá trị đồng USD với một số đồng tiền trong khu vực cũng như VND đều có xu hướng tăng mạnh trong nửa cuối tháng 4. So với cuối tháng 3, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do giảm 30 đồng và hiện giao dịch ở mức 23.505 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng lần lượt giao dịch ở mức 23.639 đồng/USD, tăng 39 đồng và 23.549 đồng/USD, tăng 14 đồng.

Báo cáo mới nhất của SSI Research cập nhật thêm, trong tuần qua, trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do không có nhiều sự thay đổi, hiện đang dao động quanh mức giá mua trên Sở Giao dịch NHNN là 23.450 VND/USD), tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ lên mức 23.490 VND/USD.

“Nhìn chung, nguồn cung ngoại tệ khá tích cực trong thời gian qua, đến từ dòng vốn FDI giải ngân, thặng dư cán cân thương mại hay dòng tiền gián tiếp từ các thương vụ bán vốn hoặc giải ngân các khoản vay ngoại tệ. NHNN đã quay lại mua USD bổ sung dự trữ ngoại hối trong tuần, tuy nhiên khối lượng còn khá hạn chế” - chuyên gia của SSI Research cho hay.

Trên thị trường ngoại hối toàn cầu, chỉ số DXY hầu như không có nhiều thay đổi trong 2 tuần qua, dao động trong biên độ hẹp 101-102 trong khi lợi suất TPCP Mỹ tiếp tục xu hướng giảm. Biến động của các đồng tiền chủ chốt trái chiều, như GBP (+1,6%) hay EUR (+0,3%) tăng trong khi JPY tiếp tục giảm 0,5%.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cau-tin-dung-chua-cai-thien-nhieu-khi-mat-bang-lai-suat-van-o-muc-cao-127542.html