Cầu tõm dày đặc trên tuyến kênh Rạch Giá- Hà Tiên
Người dân sống 2 bên tuyến kênh Rạch Giá- Hà Tiên cứ vô tư xây dựng cầu tõm, bất chấp nguy cơ dịch bệnh và mất vẻ mỹ quan.
Quốc lộ 80 là tuyến đường huyết mạch nối TP Rạch Giá với thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Hàng ngày, có khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đi qua tuyến đường này để tham quan các danh lam, thắng cảnh ở thị xã Hà Tiên, sau đó ra huyện đảo Phú Quốc. Thế nhưng, một trong những hình ảnh không đẹp đập vào mắt du khách đó là trên con kênh Rạch Giá- Hà Tiên nằm cặp Quốc lộ 80 (đoạn từ huyện Hòn Đất đến thị trấn Kiên Lương) xuất hiện dày đặc cầu tõm do các hộ dân sống ở 2 bên con kênh này dựng lên. Trong khi đó, thường ngày, người dân ở ven 2 bên bờ kênh vẫn dùng nguồn nước này để tắm rửa, giặt giũ…
Theo ghi nhận của chúng tôi, có những cầu tõm được dựng tạm bợ bằng cây tạm, ván gỗ, xung quanh bao bọc bằng bao ny lông hoặc bằng lá dừa. Tuy nhiên, cũng có những cây cầu tõm được đóng bằng cọc bê tông, xung quanh che bằng vách tôn.
Anh Đông, một người dân sống ở huyện Hòn Đất, tỏ ra bất bình trước hình ảnh không đẹp này. “Tình trạng cầu tõm dày đặc đã diễn ra ở tuyến kênh này từ rất lâu rồi. Do chẳng thấy ai nhắc nhở nên mạnh hộ dân nào cũng tự dựng cầu tõm phía sau nhà (đối với những hộ sống ven Quốc lộ 80) và phía trước cửa nhà mình (đối với những hộ sống ở bờ bên kia kênh), bất chấp nguy cơ dịch bệnh và mất vẻ mỹ quan của tuyến kênh này”.
Trong khi đó, anh Trần Thanh Triều, một hộ dân sống ở thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho biết không ít người dân đã bày tỏ bức xúc với các ngành chức năng trước việc cầu tõm trên tuyến kênh này ngày càng gia tăng nhưng chuyện đâu vẫn vào đấy.
Tại cuộc hội thảo tham vấn nghiên cứu và thúc đẩy vệ sinh nông thôn khu vực ĐBSCL do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tại TP Cần Thơ vào tháng 9- 2014, số liệu cho thấy gần 34 triệu người dân nông thôn ĐBSCL sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, chiếm 60% dân số toàn vùng; 4 triệu người còn có hành vi phóng uế trực tiếp ra môi trường; hàng triệu trẻ em bị thấp còi, kém trí tuệ do sống trong điều kiện vệ sinh kém...
Ngoài ra, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, khoảng 50% người dân nông thôn ĐBSCL sử dụng cầu tiêu ao cá, tận dụng nguồn này để nuôi cá tra; 48% hộ gia đình nghèo dùng chung nhà vệ sinh, đặc biệt là nhà vệ sinh trên sông, ao, hồ…