Cầu trơ trụ sắt ở Phú Thọ, khách liên tỉnh lễ mễ vác đồ cuốc bộ
Cầu Đoan Hùng bắc qua sông Lô đã gần 40 tuổi, xuống cấp nghiêm trọng. Người dân đi các tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang - Hà Nội phải đi bộ qua cầu.
XEM CLIP:
Gần 1 tháng qua, người dân các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang khi đi trên quốc lộ 2 phải cuốc bộ qua cầu Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ). Do cầu yếu, lực lượng chức năng phong tỏa không cho các phương tiện qua lại.
Thông báo phân luồng, giảm tải không cho các phương tiện xe tải, xe chở khách từ 7 chỗ trở lên đi qua cầu Đoan Hùng được ban hành từ cuối tháng 2.
Biện pháp này nhằm đảm an toàn cho người dân đồng thời đảm bảo tuổi thọ cho cây cầu gần 40 năm tuổi.
Được xây dựng từ năm 1982, hoàn thành đi vào hoạt động năm 1984, cầu Đoan Hùng bắc qua sông Lô là công trình giao thông trọng yếu. Gần nửa thế kỷ qua, nó là huyết mạch đảm bảo lưu thông liên tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc theo quốc lộ 2.
Hiện tại, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Bờ sông Lô hai bên sói lở do các hoạt động khai thác, nạo vét cát. Xe tải trọng lớn qua lại nhiều năm với mật độ cao đã khiến cầu yếu.
Chân móng của trụ cầu chịu lực chính bị sói lở, trơ hết toàn bộ khung sắt phần tiếp xúc với lòng sông.
Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã yêu cầu phân luồng trước cầu Đoan Hùng. Các phương tiện đến Km109 quốc lộ 2 (ngã ba giao giữa quốc lộ 2 và quốc lộ 70) rẽ trái theo quốc lộ 70 đến Km15+900 (ngã ba Cát Lem, Yên Bình) rẽ phải theo quốc lộ 37 gặp quốc lộ 2 tại Km132+800 (TP TuyênQuang), rẽ trái đi theo quốc lộ 2 đi Hà Giang.
Phân luồng từ xa hướng Hà Nội đi theo quốc lộ 2 đến Vĩnh Yên, ngã ba Tam Dương - TP Vĩnh Yên rẽ phải đi theo quốc lộ 2C đến Sơn Dương, quốc lộ 37 rẽ trái đi Tuyên Quang, Hà Giang.
Hà Nội đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Yên Bái theo quốc lộ 70 đến ngã ba Cát Lem, Yên Bình rẽ phải vào quốc lộ 37 gặp quốc lộ 2 tại Km132+800 (TP Tuyên Quang) rẽ trái đi theo quốc lộ 2. Thời gian tổ chức thực hiện từ ngày 3/3.
Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 Trần Hưng Hà cho biết, các đơn vị đang triển khai phương án thi công nên thời gian cấm cầu Đoan Hùng sẽ kéo dài khoảng hơn 3 tháng.
Ngày 11/3, Cục đã có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ trình phương án sửa chữa, nâng cấp cầu Đoan Hùng. Hai phương án đưa ra gồm: Tháo dỡ toàn bộ hệ dầm chủ để tận dụng cho công trình khác; thi công trụ mới giữa lòng sông (thay cho 2 trụ cầu đã bị nghiêng); gia cường trụ T1 - T4; sửa chữa đường đầu cầu. Kinh phí dự kiến hơn 25 tỷ đồng.
Phương án thứ 2 là thi công tăng cường các trụ cầu, sửa chữa các bộ phận hư hại của cầu. Kinh phí đề xuất gần 13,5 tỷ đồng.
Đề xuất lắp cầu phao
Phương án phân luồng các phương tiện vận tải, hành khách không được phép lưu thông qua cầu Đoan Hùng, tạm thời lưu thông qua các tuyến đường tránh trong thời gian cầu sửa chữa khiến chiều dài lưu thông tăng thêm 50-60km.
Để giảm chi phí vận hành, các nhà xe đường dài Hà Giang, Tuyên Quang đi Hà Nội và chiều ngược lại đã đón - trả khách tại 2 đầu cầu. Khách đi bộ qua cầu, nhà xe bố trí phương tiện đón 2 đầu để tiếp tục hành trình.
Ngoài việc phân luồng, không có các phương tiện tải trọng lớn qua cầu, đơn vị quản lý cầu đã lắp đặt barie lối vào 2 đầu cầu để hạn chế chiều cao của phương tiện. Xe cứu thương y tế dù không thuộc nhóm phương tiện cấm lưu thông cũng không thể qua cầu, vì chiều cao thùng xe vượt quá chiều cao barie hạn chế.
Phó chủ tịch huyện Đoan Hùng Lê Trung Kiên cho hay, việc cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Đoan Hùng ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Phương án cho khách tăng bo qua cầu chỉ là tạm thời, trong thời gian cầu chưa thi công, sửa chữa. Việc các phương tiện đón - trả khách cũng gây ùn ứ, ách tắc cục bộ, không thể là giải pháp kéo dài.
“Khi có phương án thi công, sửa chữa, cầu Đoan Hùng sẽ là công trường được quây kín, 100% các phương tiện không được phép lưu thông. Việc cho khách đi bộ qua cầu cũng không được phép”, ông Kiên cho biết.
Nằm ở vị trí huyết mạch, thời gian thi công, sửa chữa cầu sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Phó chủ tịch huyện Đoan Hùng cho biết, huyện đang kiến nghị lắp đặt cầu phao qua sông Lô để các phương tiện lưu thông qua lại trong thời gian sửa chữa cầu Đoan Hùng.
“Theo hướng phân luồng mới, các phương tiện phải đi đường vòng xa thêm hàng chục km. Trong các tình huống khẩn cấp, xe cứu thương, cấp cứu, xe lực lượng cứu hỏa… phải đi đường vòng sẽ ảnh hưởng đến việc cứu chữa, xử lý sự cố”, ông Kiên cho hay.