Cấu trúc tài chính và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Nghệ An
Phân tích, đánh giá cấu trúc tài chính và hiệu quả tài chính sẽ giúp các đối tượng quan tâm đánh giá được những đặc trưng cơ bản về tình hình tài chính cũng như kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bài viết sử dụng dữ liệu từ báo cáo tài chính của 90 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Nghệ An để tập trung phân tích và đánh giá thực trạng cấu trúc tài chính và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó đưa ra một số gợi ý cho các doanh nghiệp về việc duy trì một cấu trúc tài chính hợp lý nhằm đạt được hiệu quả tài chính cao nhất.
Cấu trúc tài chính và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp?
Một cấu trúc tài chính phù hợp là quyết định quan trọng với mọi doanh nghiệp (DN) không chỉ bởi nhu cầu tối đa lợi ích thu được từ các cá nhân và tổ chức liên quan tới DN và hoạt động của DN mà còn bởi tác động của quyết định này tới năng lực kinh doanh của DN trong môi trường cạnh tranh.
Cấu trúc tài chính của DN đứng trên góc độ quản lý nguồn vốn là mối tương quan tỷ lệ giữa Nợ và Vốn chủ sở hữu. Một cấu trúc tài chính được coi là tối ưu khi chi phí sử dụng vốn trung bình (WACC) thấp nhất, đồng thời khi đó giá trị DN đạt được là lớn nhất.
Khái niệm về cấu trúc tài chính của DN có nhiều quan điểm khác nhau. Theo Stephen A.Ross W. Westerfield và Bradford D. Jordan (2003), cấu trúc tài chính của một DN là sự kết hợp giữa việc sử dụng vốn nợ và vốn chủ sở hữu theo một tỷ lệ nhất định để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Trong khi đó, Macguigan và cộng sự (2006) lại cho rằng “cấu trúc tài chính là sự kết hợp giữa nợ ngắn hạn thường xuyên, nợ dài hạn, vốn cổ phần ưu đãi và vốn cổ phần thường được sử dụng để tài trợ cho hoạt động của DN”.
Để đánh giá được cấu trúc tài chính của DN đã tối ưu hay chưa, có mang lại giá trị tối đa về hiệu quả tài chính hay không thì cần có chỉ tiêu để đo lường, đánh giá chỉ tiêu tài chính và hiệu quả tài chính một cách hợp lý. Theo nghiên cứu của Trương Bá Thanh và Trần Đình Khôi Nguyên (2001), hiệu quả tài chính DN là hiệu quả của việc huy động, sử dụng và quản lý vốn trong DN. Trên quan điểm của chủ sở hữu DN, hiệu quả tài chính là hiệu quả của việc giữ gìn và phát triển nguồn vốn chủ sở hữu.
Đánh giá cấu trúc tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nghệ An
Theo số liệu thống kê, hiện tại, Nghệ An có trên 98% DN nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động. Kết quả hoạt động của những DN này đóng góp lớn vào sự phát triển và ổn định kinh tế Nghệ An. Bài viết dựa trên những phân tích đánh giá dựa trên số liệu báo cáo tài chính do 90 DNNVV trên địa bàn tỉnh Nghệ An công bố năm 2014 và 2015.
Trong đó, cấu trúc tài chính được đo lường bởi 4 chỉ tiêu cơ bản là Hệ số nợ (D/A), hệ số nợ ngắn hạn (SD/A), hệ số nợ dài hạn (LD/A) và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E); hiệu quả tài chính được đo lường bởi hai chỉ tiêu là tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu (ROE).
Trên địa bàn Nghệ An, quy mô của các DNNVV có sự chênh lệch khá lớn, trong số 93 DN được khảo sát thì DN có tổng giá trị tài sản lớn nhất là gần 767 tỷ đồng, trong khi DN có tổng giá trị tài sản nhỏ nhất là hơn 1,2 tỷ đồng, giá trị tài sản bình quân của các DN được khảo sát là hơn 45 tỷ đồng.
Dựa vào số liệu của 93 DN được khảo sát thông tin báo cáo tài chính năm 2014 và 2015 cho thấy, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản, tỷ trọng tài sản ngắn hạn trung bình năm 2014 là 67% trong khi số liệu này của năm 2015 là 68%. Cá biệt có một số DN tỷ trọng tài sản ngắn hạn chiếm 98% trong cơ cấu tài sản.
Trong tài sản ngắn hạn của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Nghệ An, khoản phải thu chiếm tỷ trọng khá lớn. Một số DN hoạt động trong lĩnh vực xây lắp có giá trị hàng tồn kho lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản ngắn hạn.
Do đặc thù của các DNNVV là hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực thương mại, xây lắp, do đó lượng hàng tồn kho cao, tổng giá trị tài sản ngắn hạn lớn. Bên cạnh đó, qua số liệu tác giả tổng hợp cho thấy, hầu hết các DNNVV hiện nay đang bị chiếm dụng vốn lớn từ phía bạn hàng, thể hiện ở chỉ tiêu các khoản phải thu ở tất cả các DN được khảo sát là rất cao.
Trong tài sản dài hạn, hầu hết là tài sản cố định vì các DNNVV không tập trung đầu tư tài chính dài hạn hay xây dựng cơ bản mà chỉ mua sắm tài sản cố định hữu hình phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ. Đa số DN được khảo sát có giá trị tài sản cố định hữu hình chiếm tỷ trọng 100% trong tổng tài sản dài hạn.
Phân tích cấu trúc nguồn vốn
Các DNNVV trên địa bàn Nghệ An có đặc điểm về cấu trúc nguồn vốn chịu ảnh hưởng từ đặc điểm cấu trúc tài sản. Trong 93 DN được khảo sát, có 60 DN không có vay dài hạn mà chỉ có nợ phải trả ngắn hạn. Trong đó, nợ phả trả lớn nhất năm 2015 là hơn 511 tỷ đồng, con số này của năm 2014 là 440 tỷ đồng.
Mức nợ phải trả trung bình của mẫu nghiên cứu năm 2015 là 33 tỷ đồng và năm 2014 là 32,5 tỷ đồng.
Khảo sát cũng cho thấy, tất cả các khoản nợ phải trả ngắn hạn này đều chủ yếu đầu tư cho tài sản ngắn hạn, như đầu tư vào hàng tồn kho, bị khách hàng chiếm dụng với giá trị tài sản ngắn hạn trung bình của mẫu nghiên cứu năm 2015 là 27,9 tỷ đồng và năm 2014 là 26 tỷ đồng.
Việc sử dụng nợ ngắn hạn để đầu tư cho các hoạt động ngắn hạn giúp các DNNVV duy trì được hệ số nợ ở mức chấp nhận được. Hệ số nợ (được tính bằng tỷ số giữa và tổng tài sản và tổng nợ phải trả) trung bình của 93 DN được nghiên cứu là 0,76 với hệ số nợ cao nhất là 7,67. Hệ số nợ ngắn hạn (được tính bằng tỷ số giữa tài sản ngắn hạn và nợ phải trả ngắn hạn) trung bình của mẫu nghiên cứu là 1, trong đó hệ số nợ ngắn hạn cao nhất là 3,53.
Các chỉ số nợ này cho thấy, các DNNVV trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngắn hạn, có một số DN hoàn toàn dựa vào vốn vay. Tỷ trọng giữa nợ và vốn chủ sở hữu luôn ở mức cao, với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu trung bình là 7,34 và chỉ số này cao nhất là 177,28. Con số này cho thấy, phần vốn tự có của các DNNVV là rất nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh phần lớn dựa vào phần vốn đi vay.
Thực tế từ mẫu nghiên cứu đã cho thấy, trong số các DN được khảo sát, có 3 DN có vốn chủ sở hữu âm (<0). Lý thuyết giải thích cho vấn đề này chính là do các DN vay để kinh doanh, nhưng hoạt động không hiệu quả, trong khi đó tài sản đảm bảo không có giá trị hoặc không có tài sản đảm bảo các khoản vay, do đó dẫn đến doanh nghiệp không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ vay. Đây chính là các khoản nợ xấu, là hậu quả của việc hoạt động kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào các khoản vốn vay.
Đánh giá hiệu quả tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nghệ An
Trong hai năm 2014 và 2015, các DNNVV trên địa bàn tỉnh Nghệ An xét trung bình (bình quân) có sự tăng trưởng về doanh thu thuần và lợi nhuận gộp, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại có sự sụt giảm đáng kể.
Đặc biệt, qua mẫu 93 DN mà nhóm tác giả nghiên cứu, có sự thay đổi lợi nhuận sau thuế từ năm này sang năm khác một cách đột ngột, có những năm lãi hàng tỷ đồng nhưng ngay sau đó có thể lỗ hàng trăm triệu đồng. Đáng chú ý là có một số DN kinh doanh thua lỗ và tài sản giảm đã khiến cho vốn chủ sở hữu âm.
Chẳng hạn doanh thu thuần năm 2015 của các DNNVV trên địa bàn Tỉnh trong mẫu nghiên cứu có biến động giảm khá lớn, trong đó có 62% DN có sự sụt giảm so với năm 2014. Trong đó, có sự tăng trưởng đột biến về doanh thu của một DN với sự gia tăng doanh thu thuần năm 2015 so với năm 2014 là hơn 128 tỷ đồng, trong khi đó sự sụt giảm lớn nhất trong nội dung này là hơn 64 tỷ đồng.
Về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, có 47% DN được khảo sát có sự gia tăng so với năm 2014. Mức tăng lợi nhuận sau thuế năm 2015 so với năm 2014 cao nhất là hơn 6 tỷ đồng, trong khi mức giảm cao nhất của chỉ tiêu này là hơn 9 tỷ đồng. Xét trung bình mẫu nghiên cứu, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2015 giảm so với năm 2014 là hơn 334 triệu đồng.
Hiệu quả tài chính của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn được đánh giá dựa trên hai hệ số: Tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE). ROA là tỷ suất quan trọng mà nhà quản trị thường quan tâm, phản ánh một đồng tài sản đưa vào sản xuất kinh doanh trong một kỳ tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận (sau thuế).
Trong khi đó, ROE là tỷ suất quan trọng đối với các cổ đông - chủ sở hữu công ty, tỷ suất này đo lường khả năng sinh lời trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường. Chỉ số này là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy tạo ra bao nhiêu đồng lời. Tỷ lệ ROE càng cao càng chứng tỏ công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, có nghĩa là công ty đã cân đối một cách hài hòa giữa vốn cổ đông với vốn đi vay để khai thác lợi thế cạnh tranh của mình trong quá trình huy động vốn, mở rộng quy mô.
Tài liệu tham khảo:
1. ACCA (2010), P3, Business analysis, BBP Learning Media;
2. CFA (2008), Financial Reporting ananlyis, Kaplan Schweser;
3. Báo cáo kết quả kinh doanh của các DNNVV tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 - 2015.