Cầu truyền hình trực tiếp 'Hồ Chí Minh – Sáng ngời ý chí Việt Nam'
ĐTO - Tối ngày 18/5, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và 5 Tỉnh ủy, Thành ủy gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nghệ An, Tuyên Quang và Đồng Tháp tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “Hồ Chí Minh – Sáng ngời ý chí Việt Nam”.
Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Vĩnh Trọng – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phan Đình Trạc – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Vũ Đức Đam – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tham dự.
“Hồ Chí Minh – Sáng ngời Ý chí Việt Nam” là chương trình trọng điểm trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020). Thông qua chương trình nhằm giáo dục truyền thống, ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rút ra những bài học sâu sắc, ý nghĩa trong thời đại hôm nay, cho lớp trẻ trong tương lai.
Nội dung chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Hồ Chí Minh – Sáng ngời ý chí Việt Nam” gồm 5 chương: Chương 1- Người trai chí lớn; Chương 2 - Đi tìm mùa xuân độc lập; Chương 3 - Một nhà thống nhất; Chương 4 - Âm thanh ngày mới; Chương 5 - Rạng rỡ Việt Nam, được thực hiện thông qua các tiết mục nghệ thuật, phim tư liệu, phóng sự, giao lưu trực tiếp với các học giả, nhân chứng trong và ngoài nước.
“Hồ Chí Minh – Sáng ngời ý chí Việt Nam” - Ý chí của một anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới. Ý chí Hồ Chí Minh, ý chí người Cộng sản Việt Nam là một ngọn lửa bất diệt, được cả thế giới công nhận, tôn vinh và trở thành biểu tượng cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử cho đến ngày hôm nay. Mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam từ khi có Bác Hồ cho đến ngày nay đều chung một ý chí, ý chí Hồ Chí Minh - ý chí toàn dân tộc.
Đặc biệt, tại vùng Đất Sen hồng này còn mang đậm dấu ấn về cuộc đời, sự nghiệp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Vốn là người có lòng yêu nước thương dân, ghét cường hào ác bá, Cụ từ quan (nhà Khoa bảng đầu thế kỷ XX được Triều đình Nhà Nguyễn cử làm quan Tri huyện Bình Khê) đi vào vùng đất mới phương Nam gieo mầm cách mạng.
Cả cuộc đời của Cụ đã mang hết tài năng, đức độ cứu nước, cứu dân. Được nhân dân kính mến, yêu thương, đùm bọc như người thân ruột thịt. Cụ chọn Hòa An -Cao Lãnh làm nơi yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, mỗi người dân Đất Sen hồng là một chiến sĩ trung kiên đấu tranh trực diện với kẻ thù không kể ngày đêm để bảo vệ ngôi mộ Cụ cho đến ngày thống nhất đất nước.
Ngày nay, khu mộ Cụ Phó bảng như đài sen trắng vươn lên trên Đất Sen hồng, được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp thay mặt nhân dân cả nước và dòng họ Nguyễn Sinh chăm lo xây dựng trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang, trở thành Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, điểm du lịch ấn tượng nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.