'Cậu Vàng' và câu chuyện: Với điện ảnh, quan trọng nhất là phù hợp

Cậu Vàng - một bộ phim được làm lại từ tác phẩm văn học 'Lão Hạc' của nhà văn Nam cao bỗng chốc trở thành đề tài tranh cãi lớn trên các diễn đàn. Nguyên nhân là bởi vì, 'diễn viên chính' cho phim Việt là nhân vật 'ngoại quốc'. Điều đáng nói là ở chỗ, diễn viên chính không phải là người đảm nhiệm mà cũng tạo nên làn sóng phản đối dữ dội. Vậy mới nói, với điện ảnh, quan trọng nhất và hàng đầu vẫn là… sự phù hợp.

Nhà sản xuất bộ phim “Cậu Vàng” vừa thông báo tìm được diễn viên chính sau vòng casting rầm rộ. Chú chó được chọn cũng tên là Vàng, vừa tròn 2 tuổi. Nhưng gần như ngay lập tức, các ý kiến đã “ném đá” rất dữ dội kết quả này. Bởi vì “diễn viên” trúng tuyển là một chú chó Shiba Inu - giống chó có nguồn gốc từ Nhật Bản. Đa phần các ý kiến cho rằng, bối cảnh phim ở xã hội Việt Nam trước năm 1945, khi cái ăn, cái mặc còn không đủ, khi con người phải vật lộn với miếng ăn để sống, thì tại sao, con chó của Lão Hạc lại có thể là một chú chó “no đủ và giống nước ngoài” được? Chưa kể, theo như giới thiệu của nhà sản xuất thì do chuyển thể từ truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao, nên kịch bản phim giữ được hồn văn học của Nam Cao nhưng có góc nhìn và ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ hơn.

Bộ phim “Cậu Vàng” do đạo diễn Trần Vũ Thủy thực hiện, cố NSND Bùi Cường biên kịch (Nghệ sĩ Bùi Cường chính là diễn viên đóng Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy, còn đạo diễn Trần Vũ Thủy là con rể của ông). Dự kiến, phim “Cậu Vàng” sẽ bấm máy vào cuối tháng 9 và ra rạp vào giữa năm 2020.

Nhà sản xuất phim “Cậu Vàng” phải casting lại vì chọn diễn viên lần một không thực sự phù hợp. Ảnh: Khánh Huy

Nhà sản xuất phim “Cậu Vàng” phải casting lại vì chọn diễn viên lần một không thực sự phù hợp. Ảnh: Khánh Huy

Vòng tuyển chọn vai chính trong “Cậu Vàng” được tổ chức vào tuần trước, quy tụ hàng trăm ứng viên. Có rất nhiều chú chó từ nhiều vùng miền và đủ các chủng loại chó từ Việt Nam đến nước ngoài. Đạo diễn Trần Vũ Thủy từng nhận xét về chú chó được chọn rằng: "Có rất nhiều chú chó thông minh ở buổi casting, nhưng bé Vàng luôn thể hiện phong độ ổn định xuất sắc qua mỗi bài kiểm tra khiến tôi phải bật dậy phấn khích”.

Tuy nhiên trước sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng động những người mê phim ảnh và yêu thích truyên ngắn của Nam Cao, nhà sản xuất của bộ phim đã phải mở thêm một cuộc tuyển chọn diễn viên lần thứ hai cho gương mặt đảm nhiệm vai “Cậu Vàng”. Rút kinh nghiệm từ lần trước, đoàn phim đã mời 100% các ứng viên là cún thuần Việt để đến thử vai cho dự án lần này.

Thế mới nói, với điện ảnh, trước tiên và quan trọng nhất là sự phù hợp. Dù vai diễn do người, hay những thực thể khác đảm nhiệm, thì vẫn phải phù hợp với bối cảnh phim và với nội dung phim. Sự phù hợp đó không chỉ ở những vai diễn chính, có thoại, mà đôi khi nó cần cả sự phù hợp về tiểu tiết nhất định. Ví dụ, “Cô Ba Sài Gòn” trước khi ra mắt đã chọn một kíp diễn viên được cho là phù hợp về mọi mặt. Trang phục cũng được đầu tư tỉ mỉ đến từng chi tiết cho phù hợp với bối cảnh Sài Gòn những năm 70, 80 của thế kỷ 20. Nhưng chỉ một tấm poster đề cao vai trò nữ quyền có hơi hướng giống phim Mỹ, khán giả đã phản ứng cho rằng… không hợp. Không hợp vì nhiều điểm: Một là có tính “nhái” lại hàng ngoại, hai là nó không phù hợp với nội dung phim xây dựng – bối cảnh và câu chuyện văn hóa rất Việt.

Hay như “Mỹ nhân kế” từng tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí, về việc không hiểu bối cảnh phim dựng vào thời gian nào, không gian cổ xưa nào, nhưng các ngọc nữ trong phim, ăn mặc cổ trang nhưng gợi cảm lại có tham gia một phân cảnh đang chơi… “đá cầu mây”.

Phim ảnh, cần sự phù hợp và lô-gic trong cả mạch phim, chứ không đơn giản ở chỗ chỉ làm cho có rồi để đấy. Với diễn viên, sự phù hợp càng quan trọng hơn nữa. Ví dụ như Chương Tử Di – hoa đán của điện ảnh Trung Quốc từng nhận một vai kỹ nữ Nhật Bản trong “Memoirs of a Geisha” (Hồi ức của một Geisha). Với vai diễn này, Chương Tử Di, nhận được đề cử Quả cầu vàng 2006 dành cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất, song, tại Trung Quốc, “Hồi ức của một Geisha” và bản thân Chương Tử Di lại bị chỉ trích nặng nề, đơn giản vì công chúng Trung Quốc cho rằng, điều này không phù hợp, vai diễn ấy không phù hợp.

Tất nhiên sự không phù hợp sẽ dẫn đến chuyện không còn hứng thú theo dõi phim và mạnh mẽ hơn nữa là tẩy chay. Với nhà sản xuất “Cậu Vàng”, nếu cương quyết không thay chú chó đóng chính, có thể họ sẽ bị chính khán giả trong nước quay lưng, không ít ý kiến cho rằng: Nếu vẫn kiên quyết chọn “diễn viên chính” là chú chó ngoại, khán giả sẽ vận động nhau không đến rạp.

Câu chuyện của “Cậu Vàng” cho thấy rằng để thực sự có một tác phẩm điện ảnh chất lượng, kịch bản đóng vai trò quan trọng nhưng mọi yếu tố liên quan đến phải phù hợp với kịch bản ấy, cần sự đầu tư nghiêm túc, kỹ lưỡng. Điện ảnh càng ngày càng không có chỗ cho sự dễ dãi, hơn nữa, khán giả xem phim cũng bớt dần sự dễ dãi. Làm phim từ các nguyên tác nổi tiếng có nhiều lợi thế về kịch bản, nhưng sẽ có những khắt khe hơn về sự đánh giá của công chúng. Dù quảng cáo rầm rộ, hay công phu bao nhiêu, nhưng các chi tiết trong phim, diễn viên không phù hợp, thì mọi sự cố gắng đều đổ sông đổ bể chỉ trong giây lát.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cau-vang-va-cau-chuyen-voi-dien-anh-quan-trong-nhat-la-phu-hop-160590.html