Cầu về vàng miếng lên cao nhất trong vòng 10 năm

Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014.

Báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng quý II/2024 do Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa công bố cho thấy, tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.258 tấn, đánh dấu quý II tăng mạnh nhất theo dữ liệu của tổ chức này.

Tổng nhu cầu vàng gia tăng do các giao dịch phi tập trung (OTC ) sôi động, tăng 53% lên 329 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu từ thị trường OTC tăng, hoạt động mua vào liên tục từ các ngân hàng trung ương và dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) chậm lại đã thúc đẩy giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong quý II.

Nhu cầu vàng tại Việt Nam tăng 30% trong quý II/2024.

Nhu cầu vàng tại Việt Nam tăng 30% trong quý II/2024.

Giá vàng trung bình đạt 2.338 USD/ounce (hơn 59,5 triệu đồng), cao hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt kỷ lục ở mức 2.427 USD/ounce (hơn 61,8 triệu đồng) trong quý II.

Ông Shaokai Fan, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC, cho biết đầu tư vàng toàn cầu vẫn ổn định, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, lên 254 tấn.

"Nhu cầu vàng của các quốc gia ASEAN mà chúng tôi theo dõi riêng trong xu hướng vẫn tích cực: tất cả đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, một phần là do tiền mất giá ", ông Shaokai Fan nói.

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó với sự gia tăng của lạm phát, đồng nội tệ sụt giảm, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước. Kết quả là nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý II tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014.

Tuy nhiên, theo WGC, giá vàng cao kỷ lục đã kìm hãm khối lượng vàng trang sức trên thế giới, nhu cầu vàng trang sức toàn cầu trong quý II giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam và Indonesia ghi nhận nhu cầu vàng trang sức yếu hơn trong quý II, trong khi Thái Lan đi ngược lại xu hướng mặc dù giá vàng cao kỷ lục.

Cụ thể, nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý II giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 3 tấn. Tính chung, trong nửa đầu năm 2024, nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam giảm xuống chỉ còn hơn 7 tấn, mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2020.

Nguyên nhân sụt giảm được WGC đánh giá là do giá vàng chi phối, mặc dù tăng trưởng GDP chậm lại cũng tác động đến tâm lý người mua.

Mặc dù vậy, tổng nguồn cung vàng tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, với sản lượng khai thác tăng lên 929 tấn. Khối lượng vàng tái chế tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, đánh dấu quý II tăng cao nhất kể từ năm 2012.

Trước đó, WGC cho biết sản lượng khai thác mỏ vàng toàn cầu ngày càng giảm. Điển hình, năm 2023 chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022, mức tăng trưởng là 1,35%, và mức tăng của năm 2021 là 2,7%. Năm 2020, sản lượng vàng toàn cầu giảm lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, với mức giảm 1%.

Đến nay, thế giới đã khai thác tổng cộng khoảng 187.000 tấn vàng, phần lớn từ Trung Quốc, Nam Phi và Australia. Trữ lượng vàng còn có thể được khai thác trên thế giới ước tính ở mức khoảng 57.000 tấn, theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS).

Sau khi lập kỷ lục mọi thời đại ở vùng 2.450 USD/oz vào tháng 5, giá vàng thế giới đã quay đầu giảm, hiện giao dịch ở ngưỡng dưới 2.300 USD/oz.

Tại Việt Nam, giá vàng miếng SJC đang được các đơn vị kinh doanh vàng trong nước giao dịch ở ngưỡng 77-79 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Hiện tại, việc mua vàng miếng tại các cửa hàng ở Hà Nội rất khó khăn. Đa số các cửa hàng đều thông báo không có vàng miếng SJC trong gần 2 tháng nay.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/cau-ve-vang-mieng-len-cao-nhat-trong-vong-10-nam-1101383.html