Cầu xây 20 năm không xong, Chủ tịch HĐND TP. HCM đặt câu hỏi
Chiều 10/7, kỳ họp thứ 20 của HĐND TP.HCM khóa IX bước vào phiên thảo luận chuyên đề về giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm của địa phương. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng trở thành vấn đề được thảo luận sôi nổi.
Theo các đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh, việc đề xuất danh mục các dự án trọng điểm cũng như thứ tự ưu tiên triển khai còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
“Số lượng dự án đề ra nhiều nhưng so với tình hình thực hiện khó khả thi, nhiều dự án được khởi công mới trong khi còn nhiều dự án đã triển khai kéo dài chưa được tập trung giải quyết dứt điểm”, đại biểu Nguyễn Minh Nhật đóng góp.
Một số dự án quan trọng như kết nối Vành đai 2, Vành đai 3, cao tốc liên vùng phía nam Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, nâng cấp mở rộng các Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, v.v... đến nay chưa được khởi công xây dựng.
Do đó, hiệu quả kết nối mạng lưới giao thông chính của TP.HCM và với các tỉnh thành lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa cao.
Một số dự án đã khởi công nhưng tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch, kéo dài nhiều năm. Cụ thể, dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Bưng (quận Tân Phú), bờ kè chống sạt lở cầu Xóm Củi (huyện Bình Chánh) không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình giao thông, phát sinh ô nhiễm môi trường mà còn tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Số lượng dự án có nguồn vốn ngân sách thành phố nhiều nhưng tổng mức đầu tư chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, các dự án có nguồn vốn khác như hình thức đối tác công tư PPP chiếm tỷ trọng tổng mức đầu tư lớn nhưng khả năng huy động còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Quan trọng nhất, nghị trường dành có nhiều ý kiến trao đổi về tình trạng công tác bàn giao mặt bằng chậm, khiến các dự án vừa thi công vừa chờ mặt bằng, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án.
Đại diện UBND quận Tân Phú trình bày: “Dự án cầu Bưng gặp khó khăn khi xác định giá trị bồi thường, vị trí nằm trong khu công nghiệp Tân Bình có liên quan đến 2 doanh nghiệp đã thuê đất 50 năm. Hồ sơ hỏi sở Tài nguyên – Môi trường TP đã chuyển lên bộ Tài nguyên – Môi trường vẫn chưa có hướng dẫn”.
Đối với cầu Long Kiểng được một Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, dự án này có 113 trường hợp bồi thường giải phóng mặt bằng. Địa phương đang làm thủ tục để mua 56 nền tái định cư để giải quyết cho người dân, chuẩn bị trình UBND TP phê duyệt.
Chất vấn lại, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố tường thuật: “Đoàn giám sát đã gặp người dân dưới chân cầu, một cụ bà năm nay 80 tuổi nói là dự án khởi công từ lúc cụ 60 tuổi. Suốt 20 năm người ta chờ đợi, chỉ mong sống được đến ngày cây cầu hoàn thành. Cử tri rất bức xúc mà các cơ quan cứ đẩy qua đẩy lại là không được”.
Trả lời nội dung này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, dự án cầu Bưng gặp khó khăn vì thay đổi trình tự thủ tục.
“Về cầu Bưng, hai doanh nghiệp thuê đất trong khu công nghiệp có thời gian thuê có thể là 10 hay 20 năm, nhưng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chắc chắn trả theo hằng năm. Nói cho rõ, chúng ta không thể bồi thường về đất cho doanh nghiệp, vì đất là đất của chúng ta.
Nhưng khi chúng ta thu hồi đất, tài sản trên đất có bị ảnh hưởng hay không. Nếu có sẽ bồi thường tài sản cho doanh nghiệp. Trường hợp này, anh thuê đất, tôi thu hồi là đất nhà nước, không thể bồi thường đất nhà nước cho doanh nghiệp”, ông Hoan phân tích.
Còn về cầu Long Kiểng, ông Hoan khẳng định, mỗi dự án có phương án riêng, cơ bản là bồi thường và cung cấp nhà tái định cư cho người dân.
“Dự án này có phương án, nhưng sử dụng nguồn quỹ nhà đất tái định cư của dự án khác. Nên cần thiết phải đánh giá lại để tương thích với đơn giá bồi thường. Nếu chênh lệch dương thì người dân phải đóng góp thêm, cần có chia sẻ. Còn chênh lệch âm thì người dân hưởng lợi”, ông Hoan kết luận.
Đoàn công tác giám sát của HĐND TP.HCM từ 20/5 đến 17/6/2020 đã làm việc với 8 sở ban ngành, 9 quận huyện và khảo sát thực địa tại 6 dự án.
Qua đó, HĐND TP ghi nhận có 338km/272km đường bộ được làm mới và đưa vào sử dụng (đạt 124%). Xây dựng mới 68/76 cây cầu (đạt 89,5%), ước cuối năm 2020 xây dựng mới 80/76 (đạt 105%).
Đối với các dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt giai đoạn 2016 - 2020, các cơ quan và địa phương đã hoàn thành 37/172 dự án nhưng còn tới 70 dự án chưa thực hiện.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông được giao quản lý 252 dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó làm chủ Đầu tư 75 dự án giao thông trọng điểm.
Tình hình đến nay có 18/75 dự án đang thực hiện, còn lại là thi công cầm chừng hay ngừng thi công, chiếm hơn 50% tổng số.