Cây ba kích tím sinh trưởng tốt ở Mường Khương

Sau hơn 2 năm đưa vào trồng thử nghiệm, đến nay cây ba kích tím đang sinh trưởng, phát triển tốt, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế cho người dân Mường Khương.

Năm 2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp) đưa cây ba kích tím vào trồng thử nghiệm tại huyện Mường Khương. Mô hình được triển khai tại xã Nậm Chảy, với hơn 1 ha (khoảng 2.000 cây giống), có 3 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón trong năm đầu và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cơ bản như làm cỏ, trồng cây dâu làm cọc leo và tạo bóng mát cho cây, bón phân, vun gốc bảo vệ củ…

Kiểm tra mô hình trồng cây ba kích tím tại xã Nậm Chảy (ảnh chụp tháng 3/2020).

Kiểm tra mô hình trồng cây ba kích tím tại xã Nậm Chảy (ảnh chụp tháng 3/2020).

Theo đánh giá của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương, sau hơn 2 năm trồng, cây ba kích tím sinh trưởng, phát triển tốt và có khả năng thích ứng cao với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Hiện chiều dài thân bình quân đạt 3 - 5 m, các cây đã hình thành củ, bình quân 2 - 3 củ/cây, trọng lượng khoảng 2 - 3 g/củ.

Còn theo tính toán của các ngành chuyên môn, cây ba kích sẽ cho thu hoạch từ năm thứ 3 trở đi với năng suất bình quân 2 - 3 kg củ/cây, giá bán khoảng 120 - 200 nghìn đồng/kg củ tươi. Với mật độ trồng khoảng 2.000 cây/ha, người trồng sẽ có nguồn thu hơn 500 triệu đồng/ha. Cây để càng lâu (khoảng 5 - 7 năm) thì củ càng to, doanh thu sẽ cao hơn.

Gia đình chị Đào Thị Hoa, ở thôn Cụm Dé, xã Nậm Chảy là một trong những hộ đưa cây ba kích tím về trồng trên đất đồi của gia đình. Chị Hoa cho biết đã đăng ký tham gia mô hình trồng cây ba kích tím theo tuyên truyền của chính quyền từ năm 2017. Đây là cây trồng mới nên chị có nhiều băn khoăn, lo lắng. Thời gian đầu, gia đình chị trồng xen canh cây lạc và đậu tương vào diện tích trồng cây ba kích, vừa có thu nhập lại tiện chăm sóc. Đến nay, cây phát triển tốt, đã cho củ đều nên gia đình chị yên tâm và mong muốn mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Theo ông Lục Thượng Đại, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương, với đặc tính là cây dây leo và sống trong điều kiện có độ ẩm cao, cây ba kích tím phù hợp với đất đồi bãi, đất rừng có tầng đất xốp nên có thể trồng xen với các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp và một số cây ngắn ngày như lạc, đậu để tăng thu nhập. Qua trồng thí điểm tại xã Nậm Chảy cho thấy, cây phù hợp trồng tại địa phương, ra củ đều và đạt tiêu chuẩn mô hình đặt ra. Thời gian tới, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện tiếp tục phối hợp với các hộ dân theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây ba kích và nghiên cứu phương pháp lai tạo giống làm cơ sở để tuyên truyền, nhân rộng mô hình.

Việc thí điểm thành công mô hình trồng cây ba kích tím tại xã Nậm Chảy không chỉ góp phần bảo tồn một loài lâm sản quý ngoài ngỗ mà còn thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện ở địa phương, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Mường Khương.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/cay-ba-kich-tim-sinh-truong-tot-o-muong-khuong-z3n20200423090739523.htm