Cây ba kích tím trên đồng đất Thái Hòa

Với đặc tính dễ trồng, ít công chăm sóc, đến nay, sau gần 6 năm trồng và phát triển trên đồng đất xã Thái Hòa (Lập Thạch), cây ba kích tím không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn mở ra hướng đi mới trong sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn.

Sau nhiều chuyến tham quan, tìm hiểu thực tế tại một số mô hình trong và ngoài tỉnh, chị Trần Thị Hiền, Trưởng thôn Tây Sơn, xã Thái Hòa nhận thấy cây ba kích tím rất phù hợp trên đất lâm nghiệp của địa phương.

Năm 2019, chị Hiền cùng gia đình mạnh dạn chuyển đổi gần 1 ha đất rừng đang trồng bạch đàn sang trồng cây ba kích tím. Đây là một loại thảo dược quý, dây leo bằng thân quấn, thân non có màu tím.

Trong Đông y, ba kích được sử dụng như một thành phần quen thuộc trong các bài thuốc chữa bệnh, giúp trừ phong thấp, bổ thận, tráng dương, cường gân cốt. Ngoài ra, ba kích còn giúp hỗ trợ giảm các triệu chứng đau khớp.

Gia đình chị Phan Thị Châm, xã Thái Hòa (Lập Thạch) trồng gần 1 ha cây ba kích tím cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng keo, bạch đàn.

Gia đình chị Phan Thị Châm, xã Thái Hòa (Lập Thạch) trồng gần 1 ha cây ba kích tím cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng keo, bạch đàn.

Chị Hiền chia sẻ: Dù mới trồng thử nghiệm nhưng cây ba kích rất phù hợp với đất rừng xã Thái Hòa. Đặc biệt, tốn ít công chăm sóc, thức ăn cho cây trồng chủ yếu là phân vi sinh, phân hữu cơ và rơm rạ hoai mục.

Sau gần 4 năm trồng, tháng 7/2023, vườn ba kích tím của gia đình đã cho thu hoạch với doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 700 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng bạch đàn và sắn.

Xác định ba kích tím là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn, gia đình chị Hiền tiếp tục thu gom thêm đất rừng của một số hộ gia đình trong thôn, mở rộng diện tích trồng ba kích lên hơn 2 ha.

Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân trên địa bàn cùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Để thuận lợi hơn trong sản xuất, chế biến thành phẩm từ cây ba kích, năm 2024, các hộ dân trồng ba kích trên địa bàn xã đã liên kết, thành lập Tổ hợp tác trồng cây dược liệu ba kích xã Thái Hòa với 6 thành viên để hỗ trợ nhau kỹ thuật, giống và nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn xã có gần 10 hộ trồng cây ba kích trên đất lâm nghiệp của gia đình với tổng diện tích hơn 7 ha.

Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của tổ hợp tác, năm 2023, gia đình chị Phan Thị Châm trồng hơn 2.000 m2 cây ba kích tím. Quá trình trồng, chăm sóc, bước đầu đã mang lại tín hiệu tích cực bởi cây phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương, phát triển tốt, ít chi phí. Năm 2025, gia đình chị Châm tiếp tục nhân rộng mô hình lên hơn 1 ha.

Chị Châm chia sẻ: Cây ba kích tím không khó trồng nhưng để đạt tỷ lệ sống cao và cây sinh trưởng tốt đòi hỏi người trồng phải làm tốt từ khâu chọn giống, làm đất cho tới chăm sóc cây, như lắp đặt hệ thống nước tưới tự động, sử dụng màng phủ nilon để hạn chế cỏ dại. Từ nay đến cuối năm, gia đình tôi sẽ thu hoạch hơn 2.000 m2 diện tích ba kích, hiệu quả kinh tế dự kiến cao gấp nhiều lần so với trồng bạch đàn, keo.

Thái Hòa có gần 100 ha đất lâm nghiệp, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Đồng thời, quan tâm phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển diện tích rừng tái sinh, thực hiện trồng rừng, trồng cây phân tán, trồng cây gỗ lớn. Từ năm 2021 đến nay, địa phương đã trồng mới, bổ sung thay thế hơn 30 ha rừng tập trung và hơn 30 nghìn cây phân tán.

Thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Tích cực tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng và bảo vệ rừng. Phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng trang trại; duy trì chăm sóc diện tích cây ăn quả; phát triển mô hình trồng cây dược liệu ba kích cho hiệu quả kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa Hà Văn Quyết cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, địa phương tiếp tục khuyến khích người dân nhận rộng mô hình sản xuất ba kích tím, chế biến các sản phẩm từ củ ba kích. Vận động người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, phát triển thêm các loại cây lâm nghiệp mới, phù hợp với điều kiện và thổ nhưỡng của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/127841//cay-ba-kich-tim-tren-dong-dat-thai-hoa