Cây bút chính luận làm thơ
Cây bút chính luận Nguyễn Hồng Vinh càng say chín với lĩnh vực thi ca- quả là sự 'chung nhà' của tư duy logic và tư duy hình tượng tạo sự lan tỏa nhanh của cây bút chính luận song hành với thi ca được đào luyện và trưởng thành từ tờ Nhật báo hàng đầu trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam!
Sự trùng hợp ngẫu nhiên mà lý thú. Nhà báo, PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh sinh ngày 25/6 /1945, vào thời điểm cả nước sục sôi khí thế chuẩn bị Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân – chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2 tháng 9 bước qua tuổi 78, Nguyễn Hồng Vinh hướng tới tuổi bát thập. Cây bút chính luận Nguyễn Hồng Vinh càng say chín với lĩnh vực thi ca – quả là sự “chung nhà” của tư duy logic và tư duy hình tượng tạo sự lan tỏa nhanh của cây bút chính luận song hành với thi ca được đào luyện và trưởng thành từ tờ Nhật báo hàng đầu trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam!
Thơ - đích thị là tiếng lòng, là sự lắng sâu từ cảm xúc của con tim. Giáo sư Hà Minh Đức ví von thơ là dòng chảy chậm, giàu hình tượng, đọc nhâm nhi mới thưởng thức hết cái hay, cái đẹp, khác hẳn với dòng chảy của tư duy chính luận. Với Nguyễn Hồng Vinh, chính luận và thi ca hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, tác động và thúc đẩy nhau như thuyền và nước. Tạm coi mặt nước như là chính luận, nâng đỡ cho thuyền vượt sóng to gió cả. Thuyền được ví như là thi ca lướt nhẹ trên mặt sóng, được chính mặt sóng cứu rỗi, nâng đỡ cho thuyền lao về phía trước.
Là cây bút chính luận, ông vừa cho ra mắt bạn đọc “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập” dày 560 trang khổ rộng (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật - 2023), một tập hợp các bài viết chính luận trong 5 năm qua của cây bút chính luận gạo cội. Điều tôi muốn bàn trong bài viết này: Thơ Nguyễn Hồng Vinh giàu chất lãng mạn, trữ tình nhưng có nhiều bài đan xen chất chính luận khi ông viết về quê hương, đất nước, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu đôi lứa, sự rung động của con tim trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam.
Khác với thơ tình của một số tác giả, Nguyễn Hồng Vinh làm thơ, nhưng bao giờ cũng gắn với những vấn đề từ thời cuộc đặt ra, gợi mở cách tháo nút và hướng đi tới bằng cách diễn đạt nhẹ nhàng, nhưng đong đầy cảm xúc. Phải chăng đó là đặc trưng của một cây bút chính luận làm thơ, điều mà nhà phê bình văn học một thời mặc áo lính Vương Trí Nhàn đã nhận xét.
Trang Văn nghệ báo Nhân Dân ngày 13 tháng 8 năm 2023 đăng cảm nhận về bài thơ “Có thể thế chăng” của Nguyễn Hồng Vinh: “Anh sẽ đến tận cùng sông gặp bể/ Tìm em nơi có những cánh buồm/ Và leo lên đỉnh Phanxipăng giữa mùa gió tuyết/ Đón em về sưởi bằng trái tim anh”.
Theo nhà phê bình Đặng Huy Giang, yêu nhau nồng nàn và sự sâu lắng của tình yêu, được tác giả hình tượng hóa ở đỉnh cao là vậy. Tình yêu có thể gặp trắc trở, nhưng Nguyễn Hồng Vinh vẫn gieo vào người đọc sự tin cậy, thủy chung không dễ chia cắt giữa hai trái tim thổn thức. Sự vững tin ở tình yêu là cơ sở để các lứa đôi vượt qua ghềnh thác. Trong thử thách nghiệt ngã của tình yêu, Nguyễn Hồng Vinh vẫn góp sức thắp lửa niềm tin: “Ta vẫn cần sẻ chia/ Anh vững tin tình yêu của chúng mình trở lại”. Tính chính luận của Nguyễn Hồng Vinh thật nhẹ nhàng, tinh tế với cảm xúc dâng trào từ trái tim, không hề lên gân, giáo huấn. Thật tinh tế khi nhà phê bình Đặng Huy Giang đã nhắc đến 2 câu thơ của Nguyễn Công Trứ thay cho lời kết bài viết của mình: “Cái tình là cái chi chi/ Dẫu chi chi cũng chi chi với tình”.
Báo Thời Nay, chuyên san của Báo Nhân Dân số ra ngày 7 tháng 8 năm 2023, bàn về “Tình yêu – nỗi nhớ và hạnh phúc” trong thơ Nguyễn Hồng Vinh, thể hiện qua bài “Hà Nội qua tập an-bum” của PGS. TS Nguyễn Thanh Tú nói về cảm xúc tình yêu của chàng trai ra trận với người yêu ở lại hậu phương: “Chiếc ba lô lên tàu/ Theo đoàn quân ra trận/ Có nắm xôi em nấu/ Gói ấm nồng tình em”. Anh ra trận, em ở lại hậu phương nhưng sự xa cách ấy được Nguyễn Hồng Vinh miêu tả không bi lụy, mà là sự tin yêu của trai tài gái sắc, không quên việc nước, việc nhà: “Xa lắm rồi Hàng Cỏ/ Thoáng dáng em yêu kiều/ Nỗi nhớ trào sóng cuộn/ Tiếp sức anh hành quân”. Vậy là sức mạnh tình yêu lứa đôi dù cho “Ngàn vạn lần thương nhớ” đã thật sự “Tiếp sức anh hành quân” đánh giặc cứu nước. Rõ ràng thơ và chất chính luận đã đan xen nhuần nhuyễn, vừa mang chất trữ tình, vừa mang tính định hướng tư tưởng. Ở khía cạnh này có thể coi đây là sự thành công của thơ Nguyễn Hồng Vinh.
Ngày 2 tháng 8 năm 2023, Báo Nhà báo & Công Luận đăng bài thơ tình yêu “Lục bình trôi” của Nguyễn Hồng Vinh kèm theo lời bình của tác giả Phạm Trường Giang. “Lục bình trôi” là một trong những bài thơ hay của Nguyễn Hồng Vinh, diễn tả tâm trạng hụt hững của chàng trai vùng sông nước đợi chờ người yêu bên bờ Bắc dòng sông miền Tây Nam Bộ có nhiều cây lục bình xuôi dòng: “Bồi hồi nhìn lục bình trôi/ Nao nao hết đứng lại ngồi nhìn sang… Lòng hụt hững thấy đò sang/ Lại không có bóng dáng em trong này/ Hay là lễ hội quá vui/ hay là sức hút của người nào chăng?”. Tuy là vậy, nhưng hai câu kết của bài thơ “Lục bình trôi”, Nguyễn Hồng Vinh không gieo vào trái tim người đọc sự buồn thảm, trái lại vẫn gieo niềm tin yêu vào tình yêu và cuộc sống: “Tin yêu lành lại từ đầu/ Lục bình trôi, lục bình trôi, lục bình”.
Hơn 10 năm, từ năm 2010 đến 2022, 11 tập thơ với cả ngàn bài thơ ra đời đâu phải dễ? Tôi nể trọng ông vì sắp vào tuổi 80, ngọn bút Nguyễn Hồng Vinh vẫn rừng rực cháy, vẫn bám sát thời cuộc mà lắng đọng, thấm đẫm nghĩa tình, đậm chất nhân văn. Ông bàn về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu Tổ quốc đã đành, thơ ông còn đề cập nhiều vấn đề về chính trị - tư tưởng - về tính Đảng nhưng không khô cứng mà vẫn tràn đầy chất lãng mạn qua nhiều bài thơ.
Có thể nói, thơ ông bao quát khá nhiều lĩnh vực cuộc sống về Tổ quốc, về đất nước - quê hương; về Đảng và Nhân dân; bao quát các chủ đề lớn về Tổ quốc - Đất nước - Quê hương; Đảng và Nhân dân; về tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên; về người lính chiến trong chiến tranh vệ quốc và cả trong hòa bình xây dựng; về cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19 v.v…
Điều gần như là sự khác biệt so với một số cây bút - nhà thơ khác, Nguyễn Hồng Vinh bám rất sát những vấn đề thời sự của cuộc sống đặt ra. Thơ của Nguyễn Hồng Vinh phục vụ nhiệm vụ chính trị như là lẽ tự nhiên, không “hô khẩu hiệu”. Chất thơ và tính chính luận hòa hợp đến khéo, quyện chặt, làm nền tảng chắp cánh cho nhau bay bổng diệu kỳ.
Nguyễn Hồng Vinh từng giữ nhiều trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó, quảng giao rộng, nhiều đồng nghiệp tâm giao. Dù ông làm thơ, viết bút ký, ghi chép hoặc phóng sự thì chất chính luận luôn bám đuổi ông, thể hiện sâu sắc sự thủy chung trọn vẹn với lý tưởng cách mạng mà mình đã theo đuổi suốt 55 cầm bút; thủy chung với đời, với nghề, với bè bạn, đồng nghiệp.
Mọi so sánh đều khập khễnh, nhất là so sánh từng bước chân đi, tâm hồn, sự yêu nghề giữa các đồng nghiệp. Nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân, con trai một nhà báo gắn bó với báo Đảng nhiều thập niên, vài ba năm gần đây đã vẽ hàng trăm ký họa chân dung đồng nghiệp được tổ chức triển lãm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Cố nhà văn Xuân Sách, tác giả “Đội du kích Đình Bảng” lừng danh một thời tản mạn chân dung nhà văn bằng những tản mạn thơ ngắn, mặc dù ý kiến khen chê dành cho Xuân Sách còn khác nhau. Cây bút chính luận Nguyễn Hồng Vinh tâm hồn lãng mạn, yêu nghề cũng đã vẽ các chân dung đồng nghiệp bằng thơ – nếu không hiểu bạn, quý đồng nghiệp thì chẳng bao giờ có những bức chân dung bằng thơ có sức thuyết phục như vậy.
Nguyễn Hồng Vinh sinh cùng năm với cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, tròn 78 tuổi đời, hơn 55 tuổi nghề. Sức đi, sức viết, sức sáng tạo vẫn sung mãn, rực cháy lửa nghề. Từ Hà Nội, ông nhắn tin cho bạn: “Mình sắp vào Nam làm tiếp mấy việc còn dang dở, sẽ dành một tuần đi Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, ta sẽ xếp lịch gặp nhau, hàn huyên nhiều chuyện…”.
Đúng là một Nguyễn Hồng Vinh – nhà lý luận cả hai lĩnh vực báo chí và văn chương, không một giây phút ngừng nghỉ cầm bút. Sau tập chính luận “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập”, tập thơ thứ 12 của ông đã hình thành bản thảo và sẽ ra mắt bạn đọc trong nay mai. Hằng tháng, Nguyễn Hồng Vinh vẫn “giữ lửa” cho chuyên mục xã luận nguyệt san Nhân dân hằng tháng. Trong đoạn kết bài “Xã luận kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám”, ông viết: “Bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn nguyên giá trị thời sự: “Khi nhân dân đồng lòng tin Đảng, đi theo Đảng, sẽ tạo nên sức mạnh lấp biển, dời non”.
Xin được chúc mừng nhà chính luận đam mê làm thơ Nguyễn Hồng Vinh, nhân những ngày mùa Thu Cách mạng đang về trên Quảng trường Ba Đình lịch sử và trên khắp mọi miền của đất nước Việt Nam yêu dấu. Tuổi cao chí càng cao, nghị lực - lòng yêu nghề - sự cống hiến của ông luôn bừng cháy và tỏa lan!
Tháng Tám mùa thu Cách mạng
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cay-but-chinh-luan-lam-tho-post262599.html