Cây bút đời người
Chỉ với cái tên Vương Trí Nhàn cũng đã đủ làm cho người quan tâm tới văn chương chú ý, bởi vậy “Cây bút đời người” - cuốn sách chân dung các nhà văn tiêu biểu một thời dưới góc nhìn, ngòi bút tinh tế, sắc sảo của nhà phê bình văn học này thực sự hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.
Khác với kiểu viết chân dung tác giả - tác phẩm văn học đơn thuần, Vương Trí Nhàn có góc nhìn rất thật thông qua những hình ảnh cận cảnh về các nhà văn trong cuộc sống, làm việc hàng ngày. Để có được điều này cũng nhờ ông công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1968, đây là nơi hội tụ các nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX mà ông vừa là đàn em, vừa là đồng nghiệp, như: Thanh Tịnh, Tô Hoài, Nhị Ca, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Tế Hanh, Xuân Diệu, cho tới Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ... Do đó, những chi tiết, sự kiện và hình ảnh mà Vương Trí Nhàn kể, miêu tả rất sống động. Thêm nữa, là nhà phê bình văn học sắc sảo nên những nhận định của tác giả có giá trị cao.
Cuốn sách mở ra đầu tiên chính là trang sách dành cho thi sĩ Xuân Quỳnh. Là bạn văn nghệ cùng thời với Vương Trí Nhàn, gắn bó trong những năm tháng làm việc nên hình ảnh, xuất phát điểm đến với thơ ca và phong cách thể hiện thi pháp của Xuân Quỳnh được Vương Trí Nhàn miêu tả rất đời, rất thực. Cùng với tác giả, còn nhiều nhà thơ, nhà văn tham gia, như: Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh, nhà thơ Vũ Cao hay nhà thơ Bằng Việt… đã làm cho hình tượng Xuân Quỳnh vừa đáng yêu, vừa rất đời.
Những trang viết sắc sảo, đậm chất văn và tình người mà Vương Trí Nhàn thể hiện chính là các chân dung ở “nhà số 4 Lý Nam Đế”, tức Tạp chí Văn nghệ Quân đội như: Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nhị Ca, Nguyễn Thành Long, Nghiêm Đa Văn… Do gần gũi, thân cận với các nhà văn này nên ông có nhiều câu chuyện, đánh giá nhận xét về họ rất chuẩn xác. Chúng ta sẽ gặp một Nguyễn Minh Châu vô cùng tài năng, hay Nguyễn Khải kín đáo mà bác học; gặp Thanh Tịnh với những khúc quanh cuộc đời cô đơn đầy khắc khoải; nhà phê bình Nhị Ca khiêm tốn, giản dị mà tài hoa ngầm…
Chúng ta cũng sẽ gặp những cây bút lừng lẫy bậc thầy, như: Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu qua nét tả, lời kể sống động và thẳng thắn có nghề của Vương Trí Nhàn. Dưới ngòi bút phê bình rất cá tính, những nét phác họa mang tính phát hiện của Vương Trí Nhàn về tính cách làm việc cần cù của Tô Hoài; cuộc sống thuở đầu nghiệp thơ, sáng tác và tính cách của nhà thơ Xuân Diệu; hay nét lịch lãm có phần cầu kỳ của Nguyễn Tuân thật khác với những gì chúng ta đã biết về họ...
Văn phong của Vương Trí Nhàn rất nhẹ nhàng, bút pháp đặc sắc, chi tiết chừng mực nhưng thẳng thắn, có những nhận định sắc sảo với sự đa dạng về chiều sâu, vì thế dù là sách phê bình văn học - giới thiệu chân dung nhưng cuốn sách “Cây bút đời người” rất hấp dẫn người đọc, là tư liệu quý giá cho văn học sử Việt Nam.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202312/cay-but-doi-nguoi-2354a23/