Cây bút 'nặng tình' với những tấm gương sáng trong cuộc sống
Cây viết Khúc Hà Linh vừa là soạn giả, Nghệ sĩ Ưu tú, vừa là người từng tham gia cộng tác trong Hội đồng cố vấn kênh NetViet (VTC10), người 'gác cổng' mẫn cán cho những tác phẩm trước giờ lên sóng. Nay ông đã nghỉ hưu nhưng niềm đam mê với nghề viết thì lúc nào cũng dồi dào.
Ông từng giành được nhiều giải thưởng báo chí uy tín và phần lớn những tác phẩm ấy ông đều viết thể loại bút ký chân dung, về gương người tốt việc tốt với một mong muốn lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Là nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật có tiếng ở mảnh đất xứ Đông và ông rất mê viết, đặc biệt là mảng chân dung con người. NSƯT Khúc Hà Linh từng bộc bạch: “Khi nhân vật người tốt việc tốt đã xuất hiện trên trang viết, mặc nhiên họ thành người của công chúng. Ảnh hưởng của nhân vật được lan tỏa, có tác dụng giáo dục và định hướng đạo đức, nhân cách đối với con người trong xã hội”. Có lẽ vì thế mà trong những tác phẩm được giải cao của ông, người ta đều thấy ông sử dụng thể loại bút ký chân dung viết về tấm gương những người tâm huyết với công cuộc phát triển Đảng, người tốt việc tốt trên quê hương Hải Dương của mình.
Soạn giả, Nghệ sĩ ưu tú Khúc Hà Linh (người đứng) là người hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, báo chí.
Những nhân vật trong các tác phẩm của Khúc Hà Linh là những người có đam mê, khát vọng, có ý chí, nghị lực, và họ đang ngày ngày cố gắng, nỗ lực để góp một “bông hoa nhỏ” trong “vườn hoa lớn” của xã hội. Đọc những bài viết, xem những bộ phim của ông khiến mỗi người sẽ thấy yêu thêm cuộc đời này, sống nhân văn, ý nghĩa hơn khi mà người ta biết rằng ở đâu đó có những con người, những số phận đang gom góp xây dựng lên xã hội tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ông cũng từng thổ lộ, viết về người tốt việc tốt không hẳn dễ như có người vẫn nghĩ. Nó vẫn cần có niềm say mê, cảm hứng và kỹ năng thực hiện. Viết càng chân thực bao nhiêu, càng lay động người đọc bấy nhiêu.
Có lẽ tác phẩm thành công nhất của ông ở thể loại này là “Chuyện người ngoài Đảng xin thành lập chi bộ” từng giành giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia. Nhân vật là cựu chiến binh Nguyễn Đình Giang mở nghề sản xuất bánh đậu xanh, muốn lưu giữ nghề cổ truyền của ông cha để lại trên mảnh đất Hải Dương. Từ những đồng vốn cò con, vợ chồng anh đã tìm hiểu công nghệ, tìm kiếm thị trường, trải qua biết bao khó khăn, gian khổ trong quy luật cạnh tranh của thương trường, để sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển và thành lập Công ty TNHH Gia Bảo. Cơ sở sản xuất tuy nhỏ bé nhưng đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động.
NSƯT Khúc Hà Linh kể: “Tôi đã tiếp cận nhân vật, nắm bắt thông tin, tìm hiểu quá trình phấn đấu lập nghiệp của một người lính cụ Hồ, một thương binh tàn nhưng không phế. Tôi đã về tận quê anh, làng Nghĩa để lấy cảm hứng sáng tác. Những buổi nghe anh kể chuyện về cuộc sống tuổi thơ, những lần chứng kiến anh tiếp xúc khách hàng, qua ngôn ngữ giao tiếp, cả những động tác khi anh hút thuốc lào, suy ngẫm trước một vấn đề khó… Những ấn tượng về nhân vật cứ hình thành dần, rõ lên. Đây chính là cảm hứng để tôi viết tác phẩm “Ấm lạnh đường đời”.
Vậy nhưng, một thời gian sau, khi về thăm công ty theo lời mời của Giám đốc, ông bất ngờ khi đó là buổi lễ thành lập chi bộ của Công ty TNHH Gia Bảo. Thành lập chi bộ có bốn đảng viên, cả bốn người đều là nhân viên hợp đồng, còn anh là Giám đốc lại là người ngoài Đảng. Quả thực, mấy năm nay Giám đốc thấy 4 nhân viên hằng tháng đều xin phép về nơi cư trú để sinh hoạt Đảng, anh thấy có gì đó chưa thích hợp. Anh nảy ra ý nghĩ: Đề nghị các cấp có thẩm quyền cho thành lập chi bộ ở cơ sở mình, cho thuận tiện và nguyện vọng ấy được chuẩn y…
“Câu chuyện nghe tưởng như đơn giản, nhưng với tôi thật là một điều rất lạ. Vốn là người đã viết nhiều bài báo về thể loại phản ánh, tôi biết ngay ở đây có nhiều nét mới, độc đáo, thú vị. Câu chuyện mang tính chất báo chí, phát hiện nhân tố mới. Thế là bài báo “Chuyện người ngoài đảng xin thành lập chi bộ” được ra đời, từng được in trên báo Hải Dương, báo Quân khu Ba. Bài báo có sức lan tỏa, nhiều cơ quan thông tấn báo chí cũng tìm đến đưa tin. Thật là mừng, sau ngày thành lập chi bộ, Công ty của anh có thêm sức mạnh, sản xuất càng tốt lên, phong trào thi đua khởi sắc. Chỉ năm sau, đã bồi dưỡng và kết nạp thêm đảng viên mới. Và chính anh cũng gia nhập Đảng. Chi bộ từ 4 người, sau cứ tăng dần, có lúc lên tới 15 người. Sức sống của bài báo không chỉ dừng ở đó. Đây là một vấn đề mới- vấn đề xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp sản xuất tư nhân giữa thời kỳ mở cửa. Rồi sau đó, lại thêm một bất ngờ nữa: Tỉnh Hải Dương thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp, thì Giám đốc Công ty Gia Bảo được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng ban Vận động Phát triển Đảng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương”- ông xúc động cho biết.
NSUT Khúc Hà Linh.
Còn tác phẩm “Người trốn việc nhà, thiết tha việc làng” của ông kể về kĩ sư Lương Văn Tháp, từng là Thường vụ huyện ủy, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chí Linh đã được giải báo chí của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Là một cán bộ khoa học tận tụy với ruộng đồng, với nông nghiệp, nông thôn và nông dân… ông Tháp đã làm việc với một tư duy mới. Khi về làng ông lại lao vào xây dựng cuộc sống làng quê. Hết tham gia làm đình, xây dựng làng văn hóa, xây dựng đội bóng, đội văn nghệ, chăm lo công tác khuyến học. Ông quên công việc gia đình mà thiết tha công việc làng xã. Giữa lúc con người ào ạt, đua chen lao vào cuộc sống thương trường bỏ hết việc giữ gìn phong hóa, thì ông lại lấy cái niềm vui của tuổi già là xây dựng một cái gì đó để mà quý mà yêu.
Bên cạnh đó phải nhắc đến bài báo “Hát sáng chế” với câu chuyện kể về anh Phạm Văn Hát quyết tâm mày mò sửa máy nông cụ, cải tiến máy trồng trọt, thành nhà sáng chế sản phẩm cơ khí, cung cấp cho nông dân các tỉnh thành, và bán sang một số nước ngoài. Vẫn là thể loại bút ký, ghi chép chân dung, xen kẽ tả thân phận của anh, hành văn, chữ nghĩa bình dân không màu mè bay bướm, nhưng chạm được vào trái tim người đọc. Họ thương anh Hát, cám cảnh khi anh là con nợ 3 tỷ đồng, trắng tay cay đắng. Nhưng người đọc khâm phục khi anh chế tác ra hàng loạt máy rải phân, máy trồng cà rốt.
Gần đây nhất, ông lại viết về một con người khác, là một sĩ quan công an hưu trí tên là Nguyễn Đăng Vượng mang tên “Người phán xử khu dân cư”. Ông Vượng được bầu làm Trưởng khu 10 năm liền và cái tên “ông thổi tù và hàng tổng” đã lăn lộn với phong trào, giữ gìn khu phố bình yên, văn minh, đẹp đẽ. Bọn tội phạm, trộm cắp nghe tên ông kinh sợ. Dân làng khu phố thì gần gũi sẻ chia. Ông hòa giải rất khéo, đến nỗi chuyện gia đình ngỡ tan đàn xẻ nghé vẫn “cơm lành canh ngọt”. Khi ngoài 60 tuổi, ông xin nghỉ, dân phố và chi bộ vẫn tiếc. NSƯT Khúc Hà Linh đã khai thác được phần thời gian còn ở công an, ông có nhiều kinh nghiệm giữ gìn an ninh công cộng, phòng chống tệ nạn xã hội, bây giờ về khu dân cư, ông trưởng khu hành sự rất có lý có tình, và tâm phục khẩu phục. Thế là ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và khu phố được bình yên.
Có thể nói, bằng bút pháp tài hoa, bằng khả năng quan sát tỉ mỉ, NSƯT Khúc Hà Linh đã làm hiển hiện lên những nhân vật có thật trong cuộc sống với lối kể giản dị, trung thực, có sức lay động và tình người. Với ông, ông luôn tâm niệm: “Làm báo, cái quý nhất là gần gũi với đời sống. Hãy nâng niu giá trị cuộc đời từ những thứ nhỏ bé nhất từ đời sống”…