Cây bút nhí với vũ trụ giả tưởng
Được xem là tiểu thuyết gia nhí nhỏ tuổi nhất Việt Nam, mới 13 tuổi, Cao Việt Quỳnh đã có một gia tài đáng gờm khi là tác giả của loạt truyện phiêu lưu giả tưởng 'Người Sao Chổi'. Không dừng lại ở đó, cậu bé còn ôm tham vọng xây dựng một vũ trụ giả tưởng của riêng mình với loạt tiểu thuyết tiếp theo.
Cao Việt Quỳnh bắt đầu viết sách khi em mới học lớp hai. Bắt đầu từ những đoạn văn ngắn trên cuốn tập vở ô ly, sau đó em ghép lại để thành cả bộ truyện khoa học viễn tưởng (sci-fi) "Người Sao Chổi" gồm ba phần. Cuốn đầu tiên của "Người Sao Chổi" ra đời khi Quỳnh mới 9 tuổi. Phần một mang tên "Cuộc chiến vòng quanh thế giới", phần hai "Cuộc nổi dậy của robot", phần ba "Cuộc tấn công của đội quân Sao Hỏa".
Nhân vật chính của bộ truyện là Thành, cậu bé 12 tuổi sống ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Truyện lấy bối cảnh năm 2081, với sự phát triển vũ bão của công nghệ, Việt Nam trở thành một cường quốc với nhiều phát minh tiên tiến. Do bị nhiễm một chất lạ vào lần sinh nhật thứ mười một, Thành bỗng trở thành người có siêu năng lực, bay với tốc độ rất nhanh nên được bạn bè trong thế giới siêu anh hùng gọi là Người Sao Chổi.
Trước sự tấn công của các thế lực hắc ám với hành tinh xanh, Thành cùng bạn bè lẫn các siêu anh hùng ở các quốc gia khác nhau đi giải cứu thế giới. Quỳnh cho hay nhân vật Thành khá giống con người thật của em vì tính nhút nhát, ngại ngùng. Thông qua nhân vật này, Quỳnh muốn gửi gắm thông điệp: "Dù bạn là ai, bạn có tính cách thế nào thì bạn vẫn có thể giúp đỡ bạn bè, bảo vệ mọi người theo khả năng của mình".
Phải thừa nhận rằng mô típ anh hùng giải cứu thế giới quá quen thuộc. Nhưng với thế giới tuổi thơ, đó là niềm ao ước và mong muốn hồn nhiên, hoang sơ nhất. Với Cao Việt Quỳnh cũng vậy. Nhưng cậu bé có lối khai thác lẫn cách viết khiến người cầm bút lớn tuổi phải nể phục. Đó là trí tưởng tượng vô biên, kỳ thú mà vô cùng logic, khoa học. Nó không phải là kiểu tưởng tượng ngô nghê của trẻ con. Những tình tiết, bối cảnh, lối thoại trong truyện đều cho thấy Quỳnh là cậu bé có óc quan sát, am hiểu địa lý, giỏi các bộ môn tự nhiên lẫn thiết bị máy móc điện tử... Cậu có cách dẫn dắt câu chuyện lôi cuốn, muốn biết chuyện gì xảy ra, người đọc buộc phải đọc chương tiếp theo, cứ thế.
Trên hết, chất thuần Việt là điều khiến Quỳnh trở nên khác biệt với những cây bút cùng lứa. Trên văn đàn hiện nay, tác giả nhí viết văn không hiếm. Có thể kể đến vài cái tên nổi bật như Quỳnh Trần (15 tuổi) với cuốn "Ngài Kẹo", Minh Anh (15 tuổi) với "Bức tranh huyền bí", Nguyễn Khang Thịnh (15 tuổi) với "Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy"... Nhưng như nhận xét của nhà văn Hồ Huy Sơn, trẻ em Việt viết văn y như... Tây, không hề có chút dấu ấn Việt. Nếu che cái tên tác giả đi, nhiều người sẽ lầm tưởng tác phẩm này là của một cây bút nước ngoài. Bởi bối cảnh, nhân vật đều mang tên nước ngoài lẫn lối hành văn "rặt" văn chương Âu Mỹ.
Riêng Cao Việt Quỳnh, chất thuần Việt được cậu đưa lên trên hết. Khi nhận bản thảo, có một biên tập viên của nhà xuất bản khuyên Quỳnh nên thay đổi bối cảnh Việt Nam vì có những chi tiết giả tưởng về robot, khoa học... không giống Việt Nam. Quỳnh kiên quyết từ chối và sẵn lòng để ra sách phát hành muộn hơn dự kiến.
Trong "Người Sao Chổi", không chỉ Thành mà rất nhiều siêu anh hùng khác đều mang dòng máu Việt như Người Tóc Lửa, Người Mắt Tinh, Bà Ngoại Lực... Mỗi khi Trái Đất có biến, biệt đội siêu anh hùng "made in Việt Nam" sẽ là những người đầu tàu, dẫn dắt siêu anh hùng của nước khác chinh chiến với kẻ thù, bảo vệ nhân loại khỏi thảm họa diệt vong. Bối cảnh chính của bộ truyện cũng là ở Việt Nam với những cái tên thân thương như hòn đảo Bông Lúa, thị trấn Rừng Sác... Đó là tình yêu quê hương, yêu Tổ Quốc của Quỳnh.
"Em rất tự hào về tinh thần đoàn kết, dũng cảm của người Việt Nam trong chiến tranh, dịch họa. Thông qua những nhân vật trong "Người Sao Chổi", em gửi gắm ước mơ một mai này đất nước chúng ta sẽ sánh vai cường quốc năm châu. Thậm chí, khi gặp thảm họa, người Việt Nam chính là cánh chim đầu đàn, sát cánh cùng các quốc gia khác bảo vệ hòa bình thế giới" - cậu bé chia sẻ.
Có mẹ là nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang, từ nhỏ Cao Việt Quỳnh được mẹ truyền cho tình yêu văn chương, hội họa. Quỳnh mê các thể loại khoa học giả tưởng (sci-fi), phiêu lưu kỳ ảo (fantasy) như bộ truyện đình đám "Harry Potter", "Chúa Nhẫn", "Kẻ cắp tia chớp"... Và cậu muốn kể một câu chuyện của riêng mình. Thế là Quỳnh viết, chẳng đắn đo. Nghĩ sao cậu viết vậy. Riêng về sự "tinh quái" để dẫn dắt người đọc, Quỳnh học từ các cuốn sách giả tưởng nổi tiếng em đọc.
Điều đáng quý nhất ở Quỳnh chính là sự không bằng lòng với chính mình và luôn cầu tiến. Chỉ mới tập tành viết lách nên cậu thừa nhận, mình xây dựng nhân vật còn quá đơn giản, tính cách và tâm lý một chiều. Người tốt thì quá tốt còn kẻ xấu thì xấu toàn diện. Quỳnh không hài lòng với cách xây dựng nhân vật như thế. Con người vốn là một sinh vật có tâm lý phức tạp, do đó cậu không cho phép ngòi bút của mình dễ dãi, đơn điệu.
Khó khăn nhất của cậu chính là bị đứt mạch ý tưởng. Việc nối lại và tìm cảm hứng đôi lúc khá khó khăn. Quỳnh biết mình còn nhỏ, vốn từ chưa nhiều nên cách diễn đạt nhiều chỗ không khỏi lúng túng. Quỳnh chia sẻ: "Khi em không biết viết như thế nào, khó diễn đạt cảnh mà mình mong muốn thì em sẽ lấy giấy ra vẽ cảnh đó. Hình ảnh bối cảnh và các nhân vật hiện ra mà còn khá đơn điệu thì em vẽ thêm vào. Rồi từ cách quan sát bức tranh đấy, em có thể viết tiếp đoạn bị vướng".
Bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty sách Chibooks cho biết, văn học kỳ ảo giả tưởng (fantasy), trong đó dòng khoa học viễn tưởng (sci-fi) hiện vẫn là mảnh đất ít nhà văn Việt khai phá. Những tác phẩm nổi bật của các cây bút trưởng thành và chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Là nhà văn chuyên theo đuổi thể loại fantasy, Phan Hồn Nhiên chỉ có "Máu hiếm" là thuộc dòng sci-fi. Phạm Bá Diệp cũng là cái tên hiếm hoi gắn với với fantasy với với hai tác phẩm "Urem - Người đang mơ" và "Yagon - Những kẻ vô cảm" nhưng anh cũng chưa hề có tác phẩm thuộc thể loại sci-fi nào.
"Đó là mới nói đến thể loại. Còn xét đến đối tượng độc giả, sách viết cho thiếu nhi rất ít. Hầu hết tác giả viết cho thiếu nhi theo lối truyền thống thông thường, tức kiểu tâm lý xã hội. Còn sách thiếu nhi ở dòng phiêu lưu giả tưởng thì cực hiếm. Cây bút trưởng thành viết cho thiếu nhi đã hiếm, huống hồ là cây bút nhỏ tuổi viết cho thiếu nhi, lại theo dòng sci-fi nữa." - bà Lệ Chi phân tích.
Biên tập viên Trần Thị Hương Lan, người đồng hành với Cao Việt Quỳnh qua ba cuốn tiểu thuyết "Người Sao Chổi" chia sẻ: "Thể loại Quỳnh lựa chọn là fantasy/sci-fi, có chất khoa học viễn tưởng chứ không chỉ đậm chất kỳ ảo, nên rất khó viết, vì dễ bị khô cứng và sa đà vào "khoe" kiến thức khoa học. Đó là lý do đa số tác giả fantasy chỉ đi vào khai thác màu sắc kỳ ảo, còn lại "né" sci-fi. Điều bất ngờ là một em nhỏ lại dám bước vào thể loại có rất ít tác giả dám viết và thành công này. Đọc "Người Sao Chổi", nghĩ đến Jules Verne. Vì qua những tiểu thuyết của Cao Việt Quỳnh viết có thể cho thấy niềm hy vọng, rằng Việt Nam cũng sẽ có những tác giả viết thể loại fantasy/ sci-fi hay như Jules Verne".
Có lẽ, không ít tác giả trưởng thành sẽ giật mình trước giấc mơ không hề nhỏ bé của cây bút nhí Cao Việt Quỳnh: Tạo nên một vũ trụ fantasy của riêng mình. Nhìn vào cách Quỳnh say mê, kiên trì xây dựng thế giới đó với các vũ trụ song hành qua mười cuốn tiểu thuyết đã có đề cương, có thể thấy, cậu bé không hề "nói suông".
Hiện tại, em đã hoàn thiện tập hai bộ truyện "Thế giới Rồng", đây được coi là thế hệ tiếp theo của "Người Sao Chổi". Những nhân vật trong "Thế giới Rồng" mang đậm đặc trưng riêng với các bản sắc văn hóa khác nhau, đó là thế giới của người cá, người lùn, người kiến... ở một miền đất tưởng tượng, siêu năng lực. Ở bộ truyện mới này, Quỳnh muốn thử thách mình khi đi sâu vào tâm lý, xây dựng tính cách đặc thù của từng nhân vật.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/cay-but-nhi-voi-vu-tru-gia-tuong-i665950/