Cây bút trẻ Du Phong: 'Thơ sầu thảm khiến người đọc tổn hại tâm hồn'
Cây bút trẻ Du Phong cho biết những bài thơ thất tình, sầu thảm là chất gây nghiện, khiến tâm hồn người đọc bị tổn hại từ từ.
Tác giả Du Phong (tên thật là Nguyễn Tuấn Trung, sinh năm 1991) được biết đến với nhiều cuốn sách về chủ đề tình yêu, tình bạn, gia đình có thể kể đến như: Tự yêu, Những gì đã qua đừng nghĩ lại quá nhiều, Bình thản đối diện, nhẹ nhàng bước qua,... Những trang thơ của nhà văn trẻ thu hút gần 300.000 lượt theo dõi. Anh được độc giả ưu ái nhắc đến với cái tên "Hoàng tử thơ tình 9x".
Không áp lực với danh xưng "Hoàng tử thơ tình"
- Cơ duyên nào đưa Du Phong đến với văn chương?
Tôi đến với văn chương một cách tình cờ. Viết lách là niềm đam mê của tôi từ nhỏ và thời điểm bùng nổ của mạng xã hội facebook cũng là lúc tôi thường xuyên chia sẻ các bài thơ văn, truyện ngắn lên trang cá nhân. Thật may mắn khi các tác phẩm của tôi được đông đảo bạn đọc đón nhận, và bút danh Du Phong cũng ra đời từ đó. Khi ấy chỉ đơn giản nghĩ ra một cái tên sao cho lãng mạn bay bổng, với ý nghĩa là một cơn gió du ngoạn vào thế giới văn chương, không ngờ cuộc dạo chơi này lại kéo dài lâu đến thế.
- Một kỷ niệm khó quên của anh đối với sự nghiệp viết lách?
Một ngày tôi nhận được một món quà gửi về từ nước ngoài. Người thân của một độc giả gửi cho tôi bức thư kèm với món quà nhỏ. Bức thư là lời nhắn nhủ của bạn ấy rằng rất thích đọc tác phẩm của Du Phong, những bài thơ của tôi đã tiếp thêm cho bạn ấy nhiều động lực khi một mình học tập, lao động ở xứ người. Bạn còn mua quà lưu niệm ở đất nước bạn đang sống, viết rằng khi về nước nhất định sẽ đến tận nơi tặng tôi.
Tuy nhiên, cuối thư là dòng chữ của người nhà bạn, nói rằng bạn không may bị tai nạn qua đời, khi còn chưa kịp về nước thực hiện ước nguyện. Nhận món quà cùng lời tâm sự ấy, tôi không kìm được nước mắt. Tình cảm yêu thương ấy là món quà đáng quý nhất văn chương mang lại cho tôi. Đó là lý do tôi muốn gắn bó với văn chương lâu dài hơn, để được sẻ chia, đồng cảm nhiều hơn với độc giả.
- Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương, nên khó để viết hay và độc đáo. Đâu là sự khác biệt của ngòi bút Du Phong khi viết về đề tài này?
Tôi là một tác giả nam nhưng lại thích viết thơ văn bằng lời tâm sự của nữ. Tôi thích đứng từ phía góc nhìn của người phụ nữ trong chuyện tình yêu để tìm hiểu sự khác biệt giữa nam và nữ khi yêu, từ đó chia sẻ với cảm xúc của phái yếu, khuyên nhủ và giải thích với phái mạnh.
Tôi muốn tìm kiếm sự cân bằng, truyền tải những thông điệp khó nhận ra trong tình yêu, ví dụ như sự khác biệt, sự hiểu lầm, mong muốn, kỳ vọng... Các bạn trẻ nếu đã bỏ thời gian ra đọc những điều tôi viết, hãy suy ngẫm về chúng để thay đổi bản thân. Sau cùng, vẫn mong các bạn trẻ có thể yêu nhau một cách văn minh, trưởng thành và cùng nhau hướng đến một cái kết hạnh phúc.
-- Nhiều người cho rằng yêu và đau khổ nhiều người ta viết thơ tình mới hay, điều ấy có đúng với Du Phong?
Với cá nhân tôi, điều ấy không đúng. Tôi cũng từng yêu và cũng từng đau khổ, nhưng không lấy chính tình yêu và sự đau khổ trong câu chuyện cá nhân để viết thơ. Tôi lắng nghe câu chuyện của người khác, đặt mình vào vị trí của họ để nghĩ và viết thay lời họ. Tôi quan sát những thứ xung quanh và viết ra góc nhìn của tôi về chúng.
Thơ tình "hay" khi chúng chạm được vào trái tim người đọc, khơi gợi sự đồng cảm nơi họ, khiến họ tin rằng có ai đó hiểu những gì họ đã phải trải qua, cảm nhận được những gì họ đang giữ trong lòng, và chia sẻ được với nỗi niềm của họ. Đó là lý do tôi trò chuyện với rất nhiều bạn trẻ mỗi ngày, tôi muốn hiểu họ, để viết thơ tình cho riêng họ, nhưng cũng là cho tất cả mọi người.
- Là tác giả trẻ có thể sáng tác được cả ba thể loại: thơ, truyện ngắn và tản văn, tuy vậy lý do nào khiến Du Phong không đầu tư phát triển sự nghiệp viết lách mà chỉ coi đây là nghề tay trái?
Viết lách là một trong những đam mê của tôi, ngoài viết ra mình còn nhiều đam mê lắm! Và tôi quan niệm, chỉ cần được sống với đam mê, mỗi ngày thức dậy đều được làm những gì bản thân thích, mang lại thu nhập để nuôi sống gia đình và mang lại nhiều điều ý nghĩa cho xã hội là tốt rồi. Hiện tại, tôi vừa theo đuổi công việc kinh doanh, vừa viết những khi rảnh rỗi, và cả hai việc đều mang lại niềm vui về vật chất và tinh thần, nên không có nghề nào là tay trái cả.
Thơ sầu thảm, bi thương khiến người đọc tổn hại tâm hồn
- Anh tâm đắc nhất với cuốn sách nào nhất?
Tôi thích những cuốn sách tản văn ngắn, những mẩu truyện ngắn truyền tải thông điệp ý nghĩa, khiến người đọc cảm nhận được những chiêm nghiệm riêng. Tôi dễ bị thu hút bởi những nội dung liên quan tới tình cảm gia đình, bạn bè, tình yêu như "Chicken soup for the soul" hay "Hạt giống tâm hồn". Chúng hướng người đọc tới việc quan sát kỹ hơn, lắng nghe nhiều hơn và chia sẻ với thế giới xung quanh nhiều hơn, từ đó sống tích cực và lạc quan hơn.
- Nhắc đến giải trí, gen Z thường nghĩ đến xem phim, chơi game, đọc sách thường không phải lựa chọn phổ biến. Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ ở thời đại này có nhiều thứ thu hút giới trẻ hơn là ngồi một chỗ và nghiền ngẫm một cuốn sách. Tuy nhiên, đọc sách vẫn luôn là thói quen và sự lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ, vì có những niềm vui, sự trải nghiệm chỉ có trên câu chữ. Nếu như chất lượng và sự đa dạng của sách luôn được nâng tầm và đổi mới, kèm với đó là sự giáo dục định hướng phía gia đình, nhà trường và xã hội, thói quen đọc sách sẽ luôn được duy trì và nhân rộng hơn.
- Văn học "mì ăn liền" đang lên ngôi nhanh chóng, trong khi nhiều tác phẩm kinh điển bày bán hạ giá không ai mua. Theo anh, những cuốn sách thực sự giá trị đang ở đâu?
Những cuốn sách thực sự giá trị sẽ sống mãi cùng thời gian, ở trên kệ sách và cả ở trong tim những người yêu văn học chân chính. Tôi tin có một bộ phận không nhỏ độc giả trung thành vẫn hào hứng đón nhận và nâng niu những tác phẩm văn học kinh điển, rồi truyền lại cho những thế hệ sau.
Mặt khác, tiểu thuyết ngôn tình cũng có sứ mệnh của riêng chúng. Thế giới văn chương cũng như thế giới ngoài đời thực, bất cứ cuốn sách nào cũng có số phận và cuộc đời của nó, có những độc giả riêng.
- Theo anh, đọc nhiều tản văn tình yêu, thơ tình có khiến con người ta bi lụy và yếu đuối hơn? Sau những câu chuyện, bài thơ tình ấy, độc giả học được những điều gì?
Cái đó còn phụ thuộc vào nội dung của những cuốn sách. Nếu bạn chỉ đọc những bài thơ sầu thảm, thất tình, nghiền ngẫm những câu chuyện bi thương thiếu thực tế, những điều ấy sẽ như một thứ thuốc gây nghiện và làm tổn hại tâm hồn bạn từ từ.
Nếu bạn chọn lọc và tiếp cận với những tác phẩm chứa đựng ý nghĩa lạc quan, dạy bạn cách chăm sóc và yêu thương bản thân, thơ văn khi ấy sẽ trở thành người bạn tâm giao giúp bạn có thêm sự tự tin và niềm tin vào những điều tốt đẹp trên đời.
- Nhiều nhà văn đang sử dụng sex như chiếc "cần câu" để lôi kéo độc giả. Theo anh sử dụng các yếu tố sex trong văn chương như thế nào là hợp lý và chừng mực?
Khó để nói sử dụng sex như thế nào trong văn chương là hợp lý và chừng mực, vì nó phụ thuộc vào phong cách của từng tác giả, thể loại của tác phẩm. Với tôi, cái gì "vừa đủ" cũng hay, cái gì không cần thiết nên loại bỏ.
Tôi nghĩ văn chương có giá trị là không cần sử dụng bất cứ chiêu trò gì để lôi kéo độc giả. Văn chương càng giản đơn càng dễ tìm được sự đồng cảm và yêu thương từ người đọc. Những độc giả dễ bị "lôi kéo" bởi chiêu trò cũng sẽ mau chóng bị lôi kéo bởi những chiêu trò khác tinh vi hơn. Những tác phẩm như vậy sẽ không có một cuộc đời dài.
- Thời trước, nhà thơ Nguyễn Bính từng viết: "Ai bảo mắc vào duyên bút mực/ Sòng đời mang lấy số long đong". Điều đó có còn đúng với các nhà thơ ngày nay không, theo anh?
Người nghệ sĩ thường sống hướng nội, thiên về tình cảm, nhiều lúc bỏ quên cuộc sống bên ngoài. Vì lẽ đó cuộc đời thường "mang lấy số long đong". Để vừa thành công với đam mê vừa đảm bảo một cuộc sống đầy đủ phụ thuộc rất nhiều vào may mắn của mỗi người, nhưng đôi khi người nghệ sĩ tự chọn cái "số long đong" đó, chỉ cần cháy hết đam mê là đủ.
Tôi may mắn khi được độc giả thương yêu đón nhận, nên có thể sống bằng nghề viết lách. Còn với những ai khao khát muốn "mắc vào duyên bút mực", cứ tự tin và không ngừng cố gắng, thành công sẽ mỉm cười với bạn.