Cây bút trong tay nhà báo
Cầm bút trong tay, nhà báo phải tuyên chiến với chính mình. Chớ lầm lẫn hai khái niệm 'hạnh phúc' và 'thỏa mãn'. Phải đọc lại, để kiểm tra lại từng trang viết, thậm chí từng dòng, từng chữ trong bài viết.
Các nhà báo chúng ta tác nghiệp bằng nhiều biện pháp nhằm chuyển tin tức về tòa soạn, để trang báo, sóng phát thanh, truyền hình nhanh nhất đến khắp nơi trong nước và ra với thế giới bên ngoài. Trong thời đại số hóa, từng nhà báo càng phải thay đổi cách tác nghiệp sao cho nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác. Câu nói của Bác Hồ răn dạy chúng ta "viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?" luôn luôn làm cho người làm báo phải suy ngẫm, day dứt và quyết tâm làm cho bài báo sống động, đi vào lòng người.
Chúng ta tự hào về truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam. Truyền thống ấy lại mở đầu với sự góp mặt của các nhà cách mạng nổi tiếng và tại những nơi tù ngục của thực dân Pháp. Giữa năm 2022, tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đã trưng bày gian "Đứng lên và cất tiếng" với hai nội dung là "Tiếng nói dân tộc" và "Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng". Đây là nơi xuất bản các tờ báo "Con đường chính", "Đuốc Việt Nam", "Lao tù"… Người chỉ đạo và trực tiếp viết bài là các đồng chí lãnh đạo Đảng ta: Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu. Ở nhà tù Sơn La do các đồng chí Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Đặng Văn Lâm chỉ đạo và viết bài. Báo được viết tay trên giấy thường, mỗi tháng xuất bản 2 kỳ, mỗi kỳ nhiều nhất là hai số cốt để chuyền tay cho anh chị em tù nhân đọc. Nhà tù Côn Đảo xuất bản tờ "Phá ngục". Tờ báo được viết bằng vỏ sò, san hô mang lên làm phấn và viết trên… nền nhà. Theo thống kê của báo Nhân Dân, trong giai đoạn 1930 - 1945, cả nước ta đã có khoảng 20 tờ báo xuất bản trong các nhà tù, nhất là các nhà tù khủng khiếp như Hỏa Lò, Côn Đảo, Buôn Ma Thuột, Sơn La…
Ngày nay, do công nghệ phát triển nhanh chóng, báo chí phát triển, cạnh tranh từng ngày, từng phút. Báo giấy nhiều khi phải nhường bước cho báo điện tử, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội. Bây giờ, báo chí đứng trước câu nói nghiệt ngã: "Chậm là thua, chậm là chết". Sự phát triển của ngành báo chí - truyền thông, nhất là sự thay đổi trong kỷ nguyên số đòi hỏi phải liên tục thay đổi.
Các nhà báo thời hiện đại phải tự trang bị cho mình một tư duy mới, có trang thiết bị làm báo hiện đại, giỏi ngoại ngữ. Đặc biệt, mạng xã hội đang phát triển, thu hút nhiều người theo dõi, tin tức từ đây lan nhanh và không được kiểm chứng. Điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí phải xốc lại đội ngũ, những người làm báo phải đổi mới tư duy và phương pháp làm báo.
Báo chí từ buổi đầu đã sáng lên phẩm chất của người làm báo: trung thực, công tâm, khách quan, không vụ lợi. Nó đòi hỏi người làm báo phải có lương tâm. Vấn đề A có cần lao vào nơi nguy hiểm như cháy rừng, lũ bão, dịch bệnh hay chỉ cần xào xáo trên mạng? Suy cho cùng, người làm báo cần một chữ "Đẹp". Đẹp trong mỗi bài viết. Muốn thế phải đẹp trong tâm hồn, đẹp trong từng dòng từng chữ. Hãy nhớ câu nói của V.Mayakovsky: "Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ/ Mới thu về một chữ mà thôi".
Cầm bút trong tay, nhà báo phải tuyên chiến với chính mình. Chớ lầm lẫn hai khái niệm "hạnh phúc" và "thỏa mãn". Phải đọc lại, để kiểm tra lại từng trang viết, thậm chí từng dòng, từng chữ trong bài viết. Phải làm rõ trách nhiệm của người làm báo đương đại - họ chính là người viết sử đương đại. Phải nói đúng, nói rõ sự thật, vạch trần, phản bác những thông tin sai trái, làm trong sạch bầu khí quyển thông tin. Có tiếp thu cái mới, cái tinh túy nhưng không được quên cái "màng lọc" là truyền thống, bản sắc dân tộc.
Các nhà báo chúng ta đều đã qua trường lớp, lại đang lăn lộn với cuộc sống - trường đời. Đi là môi trường phấn đấu không mệt mỏi của mỗi người cầm bút. Phải làm cho cây bút trong tay nhà báo luôn luôn sắc bén, như câu đúc kết của nền báo chí cách mạng đặt ra "tâm sáng, lòng trong, bút sắc". Hãy noi gương các nhà báo cách mạng đã từng viết trong tù, để lại những bài học "Con đường chính", "Đuốc Việt Nam", để đưa tác phẩm báo chí hôm nay đến gần với bạn đọc và khán, thính giả mỗi ngày!
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/cay-but-trong-tay-nha-bao-237594