'Cây cầu' Caucasus và tính toán của Tổng thống Putin trong quan hệ với Trung Đông
Trang mạng Geopoliticalfutures vừa đăng tải bài viết 'Vai trò của khu vực Caucasus trong chiến lược Trung Đông của Nga', với nội dung xoay quanh việc giữa lúc căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh Persian và cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng hết sức để không đốt cháy bất kỳ cây cầu nối nào tại Trung Đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin với Quốc vương Saudi Arabia Salman tại Riyadh. (Nguồn: Reuter)
Tuần trước, ông Putin đã đến thăm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và tuần này ông đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Sochi.
Đến nay, Điện Kremlin đã nỗ lực để duy trì mối quan hệ tốt với tất cả các bên liên quan đến bất ổn, nhưng để tiếp tục thực hiện chính sách đó, Nga cần sự giúp đỡ của các đồng minh thân cận nhất tại Bắc Caucasus.
Tuy nhiên, chính sách này sẽ đặt nước Nga vào một tình thế thận trọng. Nga đang cố gắng chơi với tất cả các bên, muốn khẳng định là đối tác với nhiều nước, kể cả những nước có lợi ích xung đột với nhau. Nga có nhiều lợi ích tại Trung Đông, nhưng quan trọng nhất là duy trì ổn định tại khu vực này, chủ yếu vì không muốn bất ổn tại Trung Đông lây lan đến Trung Á và Caucasus - khu vực mà Nga hết sức quan ngại đối với an ninh quốc gia.
Sự nhạy cảm của Caucasus
Bắc Caucasus là một trong những khu vực bất ổn nhất tại Nga. Dân số tại khu vực này đa dạng, nhiều tộc người và phụ thuộc lớn vào hỗ trợ tài chính từ Moscow. Không có sự hỗ trợ đó, Điện Kremlin sẽ khó khăn hơn trong việc kiểm soát khu vực này của đất nước.
Việc khoảng cách địa lý và tôn giáo tương đối gần của Caucasus với Trung Đông làm gia tăng nguy cơ chủ nghĩa bạo lực cực đoan sẽ lan tới lãnh thổ Nga. Nhiều tay súng tham gia tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có nguồn gốc từ Bắc Caucasus và các nước Trung Á, những nước có biên giới với Nga.
Nga muốn có tiếng nói trong tình hình tại Bắc Syria và Vịnh Persian sẽ diễn biến như thế nào. Nga không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự khác, cuộc xung đột vừa đắt đỏ, vừa không được dân chúng ủng hộ và còn có thể phá hủy mối quan hệ với một số đối tác của Nga tại khu vực.
Thay vào đó, Nga muốn đóng vai trò trung gian - vấn đề đòi hỏi hành động cân bằng thận trọng. Tại vùng Vịnh Persian, Nga tăng cường quan hệ với Saudi Arabia và Iran, mặc dù hai nước này đối địch nhau trong nhiều năm và Saudi cáo buộc Iran đứng sau cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của nước này trong tháng trước.
Điện Kremlin đã thành công trong việc quản lý mối quan hệ với tất cả các bên bằng việc sử dụng các lãnh đạo từ Bắc Caucasus, bao gồm lãnh đạo người Chechnya Ramzan Kadyrov để xây dựng quan hệ trên khắp Trung Đông.
Ông Kadyrov, người tháp tùng Tổng thống Putin đến Saudi Arabia và UAE vào tuần trước, là một đồng minh quan trọng của Tổng thống Nga. Ông duy trì kiểm soát Chechnya và giữ cho nước cộng hòa này ổn định. Đổi lại, ông Kadyrov bảo đảm sự trợ cấp quan trọng cho Chechnya từ Điện Kremlin (Chechnya nằm trong 5 khu vực được Nga trợ cấp nhiều nhất).
Những năm gần đây, Chechnya đã thu hút đầu tư từ các nhà tài phiệt Arab. UAE đã đầu tư 350 triệu USD vào khu vực này, các quỹ hỗ trợ các dự án như khách sạn 5 sao tại Grozny được gọi là The Local - một trung tâm mua sắm lớn và tổ hợp cao tầng Akhmat Tower.
Saudi Arabia cũng đã đầu tư vào các dự án tại đây, trong đó có chương trình nuôi cừu tại các dãy núi Chechnya. Trên thực tế, Chechnya là khu vực duy nhất tại Bắc Caucasus đã thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, chủ yếu bởi vì mối quan hệ của ông Kadyrov đối với các nhà đầu tư tại Trung Đông.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: Getty Images)
Ông này còn đến thăm UAE, Saudi Arabia và Bahrain nhiều lần trong suốt khoảng thời gian đứng đầu Chechnya, thậm chí gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới vương quốc này vào tuần trước.
Những mối quan hệ cá nhân này là một phần trong chiến lược của Điện Kremlin nhằm giành lấy các đồng minh tại Trung Đông. Vì vậy, trong khi Moscow tiếp tục ủng hộ Iran công khai, ông Kadyrov vẫn hợp tác thuận lợi với Saudi, cho phép Điện Kremlin có nhiều không gian để hành động tại khu vực.
Nga là quốc gia đáng tin cậy
Nga đã nỗ lực để can dự vào nhiều cuộc xung đột tại khu vực mà không phá hủy quan hệ với các đối tác chủ chốt. Moscow làm việc này bằng cách dựa vào sự hợp tác của các nước cộng hòa tại Bắc Caucasus và định hình Nga như một quốc gia trung gian hòa giải trong cuộc chiến tranh Syria và cuộc khủng hoảng tại Vịnh Persian và sẽ tiếp tục hành động nhiều như có thể giữa các bên đối nghịch trong các cuộc xung đột này.
Theo Wu Yihong, thành viên của Trung tâm phân tích Taihe ngày 24/10 chia sẻ với đài Sputnik, chính vì những chiến lược trên, vai trò của Nga trong vấn đề đảm bảo an ninh và ổn định ở Trung Đông đang không ngừng tăng lên.
Nằm trong nỗ lực giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong giải quyết tình hình ở Syria, ngày 15/10, hai Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một bản ghi nhớ quy định về việc đưa quân cảnh Nga và lực lượng biên phòng Syria tới vùng biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, bên ngoài khu vực chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi đầu tháng 10, Tổng thống Putin đã đến thăm Saudi Arabia, mang về hơn 20 thỏa thuận hợp tác song phương và bản ghi nhớ trong các lĩnh vực như năng lượng, truyền thông, đầu tư, hàng không dân dụng, truyền thông và nghiên cứu không gian. Sau đó, nhà lãnh đạo Nga đã thăm UAE, thảo luận về hợp tác trong ngành vũ trụ, năng lượng và du lịch, đồng thời ký kết các thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD.
Theo ông Wu Yihong, Tổng thống Putin đã tận dụng sự nghi ngại ngày càng tăng giữa Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông để chứng minh rằng, Nga là một quốc gia đáng tin cậy, có khả năng thực hiện những hành động cụ thể để hỗ trợ các đồng minh của mình.
“Tổng thống Trump tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi Syria, trong khi đó, ngược lại, Nga đang tích cực vào Trung Đông, điều này sẽ thúc đẩy Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Qatar và các nước Arab khác giữ vị thế độc lập và cân bằng hơn đối với các cường quốc”, ông Wu nói.