Cây cầu độc lạ Thủ Thiêm 4 sẽ hoạt động như thế nào?
Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được thiết kế theo dạng cầu nâng, nên khi tàu thuyền đi qua sẽ nâng nhịp thông thuyền lên cao 45 m.
Sở GTVT TP.HCM vừa có Tờ trình Hội đồng Thẩm định TP báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Điểm đặc biệt của dự án này là phương án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 khá "độc lạ" và có thể trở thành điểm nhấn trên sông Sài Gòn trong tương lai.
Cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng hạ khi có tàu thuyền
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 có hai thông số. Trong đó, nhịp giữa của cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng nhịp thông thuyền lên cao tới 45 m, tạo điều kiện cho các tàu thuyền qua lại.
Bên cạnh đó, những nhịp cầu cố định của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ giữ nguyên với tĩnh không cầu là 15 m.
Việc tính toán tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đã được các doanh nghiệp, công ty du lịch và TP.HCM đặc biệt quan tâm. Trước đó, tại TP.HCM đã tổ chức tọa đàm để bàn về việc Thủ Thiêm 4 xây dựng ra sao không biến cảng Sài Gòn - Khánh Hội, quận 4 thành ốc đảo vì tàu thuyển không vào được.
Đối với tĩnh không cầu không đảm bảo như cầu Ba Son, cầu Thủ Thiêm (10m) đã gây tác động không nhỏ đến việc tàu du lịch hoạt động trên sông Sài Gòn. Nhiều công ty du lịch ở TP.HCM phải băn khoăn đóng tàu khi TP.HCM có phương án xây thêm cầu mới.
Với báo cáo mới nhất của cầu Thủ Thiêm 4 - phương án cầu nâng hạ đã phần nào giúp các doanh nghiệp, công ty du lịch thở phào.
Như vậy, cùng với cầu Thủ Thiêm 4, trên sông Sài Gòn đã xuất hiện 3 cây cầu độc đáo: Cầu đi bộ hình lá dừa nước, cầu Ba Son (cầu biểu tượng của TP) và cầu Thủ Thiêm 4 hoạt động theo phương án nâng hạ.
Giao thông thủy - bộ đều thông
Theo Sở GTVT TP việc đầu tư sớm dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 giảm áp lực giao thông cho trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, nút giao thông, Huỳnh Tấn Phát - đường Lưu Trọng Lư - đường Bến Nghé, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, khu công nghiệp Tân Thuận...
Đồng thời, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới phía Nam TP; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP.HCM.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị khai thác buýt sông cho biết bên cạnh xây dựng cầu kết nối giao thông đường bộ là quan trọng, thì việc khơi thông, đảm bảo kết nối giao thông thủy quan trọng hơn bao giờ hết.
Bởi lẽ, giao thông thủy đã tồn tại từ lâu, vì vậy chúng ta cần phải sống chan hòa và tôn trọng tự nhiên. Vì vậy phương án đảm bảo tĩnh không cầu như cầu đi bộ Sài Gòn và cầu Thủ Thiêm 4 đã tạo điều kiện để phát triển giao thông đường thủy, du lịch đường thủy ở TP.HCM. Như vậy, giao thông đường bộ và đường thủy đã thực sự khơi thông.
Dưới đây là phương án hoạt động tĩnh không thông thuyền:
Năm 2028 sẽ có cầu Thủ Thiêm 4
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng (bao gồm lãi vay 320 tỉ đồng). Trong đó, vốn Ngân sách TP khoảng 2.826 tỉ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay); Vốn BOT khoảng 2.883 tỉ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay.
Dự án được đầu tư theo hình thức PPP - Hợp đồng Kinh doanh - Khai thác - Chuyển giao (BOT). Thời gian khởi công dự kiến năm 2025, hoàn thành cầu Thủ Thiêm 4 vào năm 2028. Ước tính thời gian thu phí BOT khoảng 18 năm 8 tháng (từ năm 2028 - 2048).
Nguồn PLO: https://plo.vn/cay-cau-doc-la-thu-thiem-4-se-hoat-dong-nhu-the-nao-post765021.html