Cây cầu kết nối đôi bờ sông Mã
UBND tỉnh vừa có Quyết định số 3152/QĐ-UBND, ngày 7/9/2023 về việc phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng cầu Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Dự án triển khai không chỉ góp phần giải quyết những khó, bất cập về giao thông đi lại của bà con Nhân dân trong vùng, mà còn góp phần thúc đẩy kết nối giao thương của 7 xã thuộc phía Nam huyện Cẩm Thủy.
Cầu phao Cẩm Vân bắc qua sông Mã sắp được đầu tư, thay thế.
Từ những bất cập...
Đầu giờ sáng, có mặt ở thôn Tiên Lăng, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy), chúng tôi chứng kiến cảnh người xe chen lấn xuống cầu phao. Bao năm qua, cây cầu phao già cỗi này lại là con đường duy nhất phục vụ bà con Nhân dân sang sông canh tác nông nghiệp, học sinh đến trường. Ông Phạm Văn Lượng, Trưởng thôn Tiên Lăng, cho biết: Trung bình mỗi năm, người dân chỉ có thể sử dụng cầu phao được 7 tháng, còn 5 tháng nước sông Mã dâng cao phải đi bằng đò qua sông. Cá biệt có những thời điểm bão lũ, toàn thôn gần như bị cô lập. Bởi, theo ông Lượng, ngoài việc qua sông bằng cầu phao hay đò, thì bà con vẫn còn một con đường khác để đi, là theo Đường tỉnh 518b về cầu Cửu (xã Yên Trường, Yên Định) mất hơn... 20 km, rồi theo Quốc lộ 217 khoảng... 40 km để lên đến trung tâm huyện Cẩm Thủy.
Hiện, thôn Tiên Lăng có tới 90% số hộ có diện tích đất lúa, đất bãi nằm ở phía bên kia sông Mã. Có 40 cháu học sinh hàng ngày phải di chuyển qua cầu phao, hoặc lên đò qua sông đến trường. Bất cập về giao thông là rõ, nhất là mùa sản xuất, thu hoạch nông sản. Qua sông đã là bất cập, vận chuyển nông sản từ ruộng về nhà còn là cả một thách thức với bà con. Cũng bởi những bất cập đó, đã có không ít hộ dân đã phải bỏ ruộng, cho ruộng hoặc bán ruộng cho hộ khác làm.
Cây cầu phao ở thời điểm hiện tại, lòng cầu có bề rộng khoảng hơn 3m, dài hơn 200m được kết nối bởi các nhịp phao. Theo thời gian, các nhịp phao này đã hoen rỉ, mặt sàn của cầu là các then gỗ, các tấm tôn kim loại được xếp đặt chắp vá... Đầu giờ sáng, cảnh người dân, học sinh qua cầu với lưu lượng lớn, cây cầu “già cỗi” chùng chiềng, chao đảo như chiếc “bẫy” trên sông. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi ngày có trên 1.000 lượt người, phương tiện đi lại qua cầu phao sông Mã. Trong đó, có 300 học sinh Trường THPT Cẩm Thủy 2, hơn 500 lao động làm việc tại các nhà máy may khu vực huyện Vĩnh Lộc và nhiều hộ dân ở các thôn Tiên Lăng, Đồi Trông, Quan Phát phải qua sông để canh tác nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp phía bên kia sông là hơn 100 ha.
Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân khẳng định, cây cầu được đầu tư sẽ giải quyết những bất cập về giao thông lâu nay trên địa bàn; giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra “cú huých” về giao thông, giao thương, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Kỳ vọng tạo “cú hích” phát triển kinh tế địa phương
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, ngày 7/9/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3152/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Tổng mức đầu tư dự án là 330 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư công của tỉnh 90 tỷ đồng; vốn sự nghiệp kinh tế và tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh 240 tỷ đồng). Thời gian thực hiện từ 2023-2026, do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa làm chủ đầu tư.
Theo đó, mục tiêu của dự án là từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của vùng và hình thành tuyến đường Minh Sơn - Thành Minh theo quy hoạch, tạo sự kết nối giữa hai bên bờ sông Mã thuộc địa bàn các xã Cẩm Vân, Câm Tân (Cẩm Thủy). Kết nối Quốc lộ 217 với các tuyến đường tỉnh trong vùng, nhằm nâng cao năng lực vận tải, lưu thông hàng hóa và giao lưu kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quy mô xây dựng cầu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực theo tiêu chuẩn TCVN 11823-2017, chiều rộng toàn cầu là 12m. Về phần đường, đầu tư xây dựng mới đảm bảo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h. Diện tích sử dụng đất khoảng 7,48 ha.Trong đó, phần cầu sẽ được thiết kế gồm 19 nhịp. Chiều dài cầu đến đuôi mố là 612,43m. Dự án có chiều dài tuyến 1,018 km. Điểm đầu giao với Đường tỉnh 518B (Cẩm Sơn - Quý Lộc - Kiểu) tại Km14+621 (tại vị trí Chợ Bãi) thuộc xã Cẩm Vân. Điểm cuối Km1+018 giao với Quốc lộ 217 tại Km41+191 thuộc xã Cẩm Tân. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, hiện đơn vị đang hoàn tất hồ sơ thủ tục, duyệt thiết kế để đưa ra mời thầu xây lắp. Dự kiến sẽ khởi công trước Tết Nguyên đán.
“Cầu Cẩm Vân được đầu tư xây dựng sẽ góp phần tăng cường kết nối giao thương giữa 7 xã phía Nam với các vùng khác trên địa bàn huyện Cẩm Thủy. Cầu Cẩm Vân được đầu tư sẽ góp phần giúp cho bà con xã Cẩm Vân qua sông sản xuất, canh tác được thuận lợi; người lao động sang các công ty, nhà máy bên huyện Vĩnh Lộc, học sinh đến trường sẽ thuận tiện, không còn nỗi lo vào mùa mưa bão” - ông Nguyễn Tiến Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy kỳ vọng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/cay-cau-ket-noi-doi-bo-song-ma/200419.htm