Cây dại gai tua tủa, đào rễ lên mới biết là 'báu vật' đắt tiền
Rốt cuộc, bí mật ẩn chứa đằng sau lớp gai nguy hiểm này là gì?
Nếu bắt gặp một bụi cây đầy gai, phản ứng đầu tiên của bạn sẽ là gì? Thông thường, chúng ta sẽ tránh xa bụi cây đó ngay lập tức để không bị gai nhọn làm rách quần áo, hay tệ hơn là bị trầy xước da. Tuy nhiên nếu tinh ý, bạn có thể phát hiện ra “mỏ vàng” giá trị ẩn chứa đằng sau những bụi gai đáng sợ này.
Đây là cây kế (đại kế) - giống cây mọc hoang ở khắp miền Bắc và miền Trung nước ta. Chúng cũng là giống cây quen thuộc có mặt ở Trung Quốc, Nhật Bản và vùng Viễn Đông Nga.
Thân cây kế thẳng đứng, có thể cao tới 1,5 mét, là loại cây cao nhất và nhiều gai nhất trong số các dòng kế. Ngoại trừ phần bông hoa, toàn bộ thân cây từ trên xuống dưới đều được bao phủ bởi lớp gai lớn, sắc nhọn, dài và cứng. Cũng chính vì vậy mà chúng bị coi là “cái gai” trong mắt người làm nông. Hễ thấy nó mọc gần khu đất trồng, nông dân thường sẽ nhổ bỏ chúng để tránh gây nguy hiểm khi làm đồng. Thế nhưng ẩn sau vẻ ngoài gai góc này là những giá trị bất ngờ ít ai biết được.
Cây kế có thể dùng làm thực phẩm như rau rừng, lá non mới mọc vào mùa xuân không có gai, người ta có thể chần qua nước sôi rồi ăn hoặc chế biến thành nước chấm.
Không chỉ ăn được, cây kế còn được coi là một cây thuốc đa công dụng. Toàn bộ thân và rễ đều có thể dùng làm thuốc, có công dụng hỗ trợ làm mát máu, cầm máu, tiêu ứ máu, giảm sưng tấy, lợi tiểu, đặc biệt là rất hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị các chứng viêm khác nhau. Bên cạnh đó, rễ cây kế còn có thể dùng để nấu món canh thơm ngon và có tác dụng thực dưỡng.
Ở Trung Quốc hiện tại, giá rễ cây kế đã lên tới 40 NDT (130.000đ)/kg. Giống cây này thường chỉ có thể thu hoạch sau 2-3 năm sinh trưởng, hiện nay cũng có rất ít người trồng mà chủ yếu chỉ khai thác ngoài tự nhiên. Vì vậy, sản lượng thu được thường không cao. Ở Việt Nam, người tiêu dùng có thể tìm mua đại kế tại các cửa hàng thảo dược với giá khoảng 150.000đ/cây.