'Cây đại thụ' của làng múa xứ Thanh
'Cây cao bóng cả', 'Cây đa, cây đề' hay 'Cây đại thụ'... đều là cách ví von mà công chúng dành cho Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Hải - người nghệ sĩ đã có 80 năm tuổi đời, 60 năm tuổi nghề. Ông cũng chính là hiện thân của tình yêu nghệ thuật bỏng cháy, với niềm đam mê không giới hạn và những cống hiến không tuổi tác.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Hải trong một buổi biên đạo hòa tấu nhạc “Hội làng”.
Xứng danh người nghệ sĩ của Nhân dân
NSND Hoàng Hải sinh ra và lớn lên ở xã Hà Lĩnh (Hà Trung). Ông đến với nghề múa rất tình cờ. Hồi còn học ở trường phủ Hà Trung (nay là huyện Hà Trung), ông phụ trách mảng văn nghệ của trường. Phong trào múa hát lúc bấy giờ bắt đầu nhen nhóm trong lứa tuổi học trò. Những bài múa, bài hát được các em học sinh cùng nhau tập luyện và đam mê yêu thích từ đó.
Mặc dù thi đậu vào Trường Đại học Y (Hà Nội), nhưng ông không theo học mà vào Ty Văn hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa). Lúc ấy, ngành văn hóa thấy ông có năng khiếu nghệ thuật nên cử ông đi học. Lúc đầu ông học 2 năm rưỡi, sau đó học tiếp 4 năm chuyên ngành biên đạo ở Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Trong thời gian đi học, ông được các chuyên gia Liên Xô chỉ dạy cho nhiều điều. Ông nhớ mãi câu nói của thầy giáo người Liên Xô: “Những gì mà các anh học được ở múa ba-lê, hay ngôn ngữ, tính cách của người phương Tây chỉ là những khuôn mẫu, còn học biên đạo là phải sáng tạo. Tốt nghiệp khóa này, mong các anh sẽ trở về nơi mình sinh ra và lớn lên, về cái gốc của dân tộc mình, để nghiên cứu, bảo tồn và phát triển điệu múa của quê hương...”.
Rời ghế nhà trường, chàng thanh niên Hoàng Hải mang trong mình một tình yêu, khát vọng bỏng cháy và hành trang tri thức đã học được để về đóng góp cho quê hương. Sau khi đi học về, ông bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, sưu tầm các điệu múa dân gian. Lúc đó ngành văn hóa thành lập ban nghiên cứu, sưu tầm dân ca, dân vũ. Ông được cử đi cùng với nhà thơ Minh Hiệu, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Anh Nhân... đến khắp các vùng miền của xứ Thanh để tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm, học tập các điệu múa của đồng bào dân tộc. Không thể kể hết bao nhiêu thời gian, công sức, tuổi thanh xuân của ông đã gắn liền với những nghiên cứu các điệu múa truyền thống, những chuyến đi dài ngày để có những đóng góp cho kho tàng múa dân gian xứ Thanh ngày hôm nay. Lên với đồng bào dân tộc miền núi, ông đã dày công nghiên cứu về cồng chiêng, phường bùa, pồn pôông của người Mường; múa bắt rùa của người Dao; múa cá sa, múa xòe, trống chiêng của người Thái; múa khèn, múa ô, đánh cù của người Mông; múa tăng bu, múa hơ mạy của người Khơ Mú; múa bắt nhái, dệt vải của người Thổ... Xuống đồng bằng, bàn chân ông lại tiếp tục rong ruổi khắp các làng quê để nghiên cứu về hệ thống trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, múa hò sông Mã...
Sau một thời gian nghiên cứu, sưu tầm, ông đã sáng tác được nhiều tác phẩm, như: múa tung còn của người Mường, múa bắt rùa của người Dao, đón dâu về bản của người Thái, múa cầu mưa của người Mông, múa đi hội làng Xuân Phả của Thọ Xuân, múa nhịp điệu Xuân Phả, múa vó ngựa Lam Kinh... Cao trào trong cảm xúc sáng tác của ông phải kể đến vũ kịch “Vĩnh biệt hoa anh túc”. Một lần dẫn đoàn văn công lên miền núi phục vụ bộ đội biên phòng, trong một cơn mưa rừng đang ào ạt đổ xuống, ông cùng đoàn đến một bản người Mông trú chân ở đó, chứng kiến cảnh một chàng trai tên là A Páo đang hút thuốc phiện. Sau hôm đó, ông có dịp trở lại đồn biên phòng thì được biết chàng trai ấy đã bị “sa lưới” của bộ đội biên phòng. Rồi ông được các đồng chí bộ đội biên phòng kể lại, chàng trai đó đã được vợ “cứu” khỏi nàng tiên nâu, nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng. Ông đã gặp người vợ để hỏi đầu đuôi câu chuyện, thì chị ấy dở khóc, dở cười. Khóc vì chồng chị đã một thời nghiện ngập, thân tàn ma dại; còn cười vì anh ấy đã trở lại làm người lương thiện. Được nghe câu chuyện kể, ông vội vàng lấy giấy bút ra ghi chép và những tư liệu sống động này chính là nguồn cảm hứng để ông sáng tác thành công vũ kịch “Vĩnh biệt hoa anh túc”. Tác phẩm này đã giành Huy chương Vàng cùng với tác phẩm “Âm vang sông Mã” đoạt Huy chương Vàng và “Múa hoa đăng” đoạt Huy chương Bạc tại Hội diễn ca múa chuyên nghiệp toàn quốc năm 1997.
Quá trình hoạt động nghệ thuật của ông đến nay đã sáng tác được khoảng 100 tác phẩm múa, đạt gần 200 Huy chương Vàng, Bạc tại các kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và nghệ thuật quần chúng. Với những thành tích tự hào như vậy, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2003) và phong tặng danh hiệu NSND (năm 2015). Ông là người đầu tiên và cũng là người duy nhất của ngành múa xứ Thanh cho đến thời điểm này được công nhận NSND. Cũng là người hiếm hoi trong nghề khi ông cùng lúc đảm nhiệm nhiều công việc vừa nghiên cứu, vừa sáng tác, vừa giảng dạy. Không những vậy, ông còn được tín nhiệm tham gia Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Thanh Hóa, với vai trò là chi hội trưởng trải qua 6 nhiệm kỳ từ khi chi hội thành lập đến nay.
Một đời “giữ lửa” và “truyền lửa”
Trong lĩnh vực sáng tác, NSND Hoàng Hải đã có nhiều tác phẩm đóng góp vào thành tích chung của các huyện, ngành, đơn vị lực lượng vũ trang... Các sáng tác của ông đều nhằm ca ngợi cuộc sống mới, con người mới, cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân hăng say lao động sản xuất, học tập, chiến đấu, thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển.
Từ năm 2000, ông nghỉ hưu và tiếp tục tham gia giảng dạy bộ môn biên đạo dàn dựng múa trong tác phẩm âm nhạc tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Trải qua 2 thập kỷ đến nay, ông đã đem nghệ thuật múa vào trong trường học và đào tạo ra biết bao lứa học sinh tài năng. Những lứa học trò xuất sắc ngày ấy đã trở thành những thầy, cô giáo giỏi và đang tiếp nối con đường theo chuyên ngành biên đạo múa của ông. Các học trò của ông thường trân trọng gọi ông là “Thầy của những người thầy” chính là vì thế.
Không những vậy, suốt mấy chục năm liền, ông còn đồng hành cùng Nhà văn hóa thiếu nhi TP Thanh Hóa ngay từ khi mới thành lập. Ông dạy múa từ lứa tuổi mầm non cho đến đại học, từ lớp trẻ đến lớp già, ai đã học với ông thì luôn cảm thấy hứng thú và yêu quý ông như người thân. Ông đã sáng tác, dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trong các dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, liên hoan các nhà văn hóa thiếu nhi toàn quốc. Trong đó phải kể các tác phẩm múa đã để lại ấn tượng do ông sáng tác như: “Búp măng non” (Giải A), “Bông hoa nhỏ” và “Cội nguồn” (Giải Xuất sắc)...
Ngoài công việc chính của một biên đạo múa, Hoàng Hải còn là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc được giải thưởng Huy chương Vàng, Bạc tại các kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, như: “Xe thồ Điện Biên” (Huy chương Bạc), “Âm vang sông Mã” (Huy chương Vàng), “Bản Mường trồng cây nhớ Bác”, “Cô giáo về bản em”, “Em là kỹ sư tâm hồn”, hợp xướng “Hàm Rồng – sông Mã”... Đặc biệt, phải kể đến tác phẩm giao hưởng thơ “Hàm Rồng anh hùng ca” đã giúp ông đạt điểm xuất sắc để hoàn thành chương trình tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam).
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, NSND Hoàng Hải vẫn nồng cháy đam mê, nhiệt huyết với nghề. Gia đình nhỏ ấm áp, yêu thương của ông chính là nơi ông đã “giữ lửa” và “truyền lửa” thành công, khi vợ và các con ông đều thành đạt trên con đường nghệ thuật của mình. Và “cây đại thụ” ấy vẫn ngày đêm âm thầm “tỏa bóng”, tiếp tục cống hiến nhiều tác phẩm xuất sắc hơn nữa cho làng múa xứ Thanh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/cay-dai-thu-cua-lang-mua-xu-thanh/131036.htm