Cây đại thụ trên đỉnh Ta Lo A Hố

Không khó để chúng tôi tìm được nhà ông Quỳnh Xăng, bà Căn Thiết (thôn Ta Lo- A Hố, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) bởi nhiều năm qua, đôi vợ chồng người Pa Cô này luôn được biết đến là tấm gương mẫu mực trong lối sống cũng như trong lao động, sản xuất. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông bà vẫn ngày ngày cần mẫn chăm chút cho vườn cây, cũng là nguồn thu nhập chính để gia đình thoát nghèo.

Trung úy Phạm Thái Sơn giúp ông Quỳnh Xăng, bà Căn Thiết bán chổi Ảnh: Trúc Hà

Trung úy Phạm Thái Sơn giúp ông Quỳnh Xăng, bà Căn Thiết bán chổi Ảnh: Trúc Hà

Tuổi trẻ sôi nổi

Trong những năm chiến tranh, cả vùng A Lưới có nhiều đồn, bốt của giặc chiếm đóng. Bởi vậy, cũng như nhiều đồng bào Pa Cô, Vân Kiều khác trên dãy Trường Sơn này, chàng thanh niên Hồ Xiêm (sau này gọi là Quỳnh Xăng) sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 19 tuổi, ông Quỳnh Xăng tham gia dẫn đường cho bộ đội qua các đồn bốt của địch bằng những con đường bí mật. Năm 1961, ông được giao nhiệm vụ vận động và đưa dân công đi chuyển hàng giúp bộ đội trên đường Trường Sơn. Với những nỗ lực, đóng góp của mình, ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng- niềm tự hào có thể nói là lớn nhất của người con đại ngàn. Ông cũng vinh dự được nhận Huân chươnng kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều giấy khen, bằng khen. Từ năm 1968 đến năm 1976, ông Quỳnh Xăng được điều động làm cán bộ phụ trách kinh tế của huyện A Lưới.

Bà Căn Thiết khi còn trẻ có nhiều năm tham gia làm dân công hỏa tuyến trên đường Trường Sơn và tại đây đã quen ông Quỳnh Xăng. Thấy ông Quỳnh Xăng vì chiến tranh mà mất vợ, mất con nên bà rất thương. Năm 1975, được sự ủng hộ của người thân, hai người nên duyên vợ chồng, bắt đầu cuộc sống mới. Hai vợ chồng sinh được 8 người con nhưng không may đều bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Khỏi phải nói cuộc sống của họ khó khăn thế nào khi chỉ trông vào nương nuôi 8 người con xuyên ốm đau. Thế nhưng, suốt những năm qua, vợ chồng ông Quỳnh Xăng, bà Căn Thiết vẫn luôn nỗ lực, cố gắng và làm tất cả những gì có thể để không chỉ nuôi con khôn lớn mà còn vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Chính những điều ấy khiến hai ông bà luôn nhận được sự yêu mến, tôn trọng của những người xung quanh.

Chăm lo phát triển kinh tế

Khi còn trẻ, có sức khỏe nên việc kiếm sống của vợ chồng ông Quỳnh Xăng, bà Căn Thiết dễ dàng hơn rất nhiều, dù phải nuôi đàn con nhỏ dại, thi thoảng lại ốm đau những lúc trở trời. Đến nay, tuổi đã cao, không thể đi làm nương xa và cần có thời gian chăm sóc người con thứ 2 tên Hồ Xuân Lập bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam nên vợ chồng ông bà tập trung phát triển kinh tế ngay trên chính diện tích đất vườn gần nhà.

Ông bà phát triển vườn chuối trồng xen canh với bầu bí. Mấy năm trở lại đây, ông bà trồng thêm thanh long, rồi nghệ. Đất vườn rộng, ông bà cũng thả thêm đàn gà, cho ăn cám ngô trộn thân chuối, nuôi đến đâu bán hết đến đấy. Những nguồn thu nhập này tuy không giúp ông bà trở nên giàu có, nhưng cũng đủ ăn và chăm sóc cho con trai Hồ Xuân Lập. Đặc biệt, ông Quỳnh Xăng sẵn sàng chia sẻ cây giống, hướng dẫn kĩ thuật trồng cho các hộ xung quanh.

Ông Quỳnh Xăng chia sẻ: “Ngày trước, tôi làm cán bộ huyện A Lưới, phụ trách về mảng kinh tế nên cũng có chút ít kinh nghiệm. Từ ngày nghỉ công tác, vợ chồng tôi cùng cố gắng lao động để nuôi các con. Nay tuổi đã cao, chúng tôi chỉ làm một vài mô hình nho nhỏ để có thu nhập, cũng là tấm gương cho con cháu trong nhà noi theo. Cứ chăm chỉ làm ăn thì sẽ không bao giờ đói cả”.

Vốn khéo tay, lại chịu khó, nên ông Quỳnh Xăng làm các đồ thủ công như đan gùi, giỏ đựng cá kiếm hay làm chổi đót. Những lúc rảnh rỗi, ông lên rừng tìm mây về cần mẫn đan gùi, giỏ và bán lại cho những người trong xã. Tháng 4, 5, bà Căn Thiết lên núi hái chít về cho chồng làm chổi. Vốn tính cẩn thận, nên mỗi chiếc chổi, ông Quỳnh Xăng đan rất chặt tay, chau chuốt cả sợi dây mây dùng bó chổi.

Ông Quỳnh Xăng, bà Căn Thiết chăm sóc vườn nghệ của gia đình. Ảnh: Trúc Hà

Ông Quỳnh Xăng, bà Căn Thiết chăm sóc vườn nghệ của gia đình. Ảnh: Trúc Hà

Biết được hoàn cảnh gia đình ông Quỳnh Xăng, chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế đã giao nhiệm vụ cho các đội thường xuyên đến hỗ trợ gia đình sản xuất, chăm sóc sức khỏe… Trung úy Phạm Thái Sơn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Thượng úy Nguyễn Minh Khánh Vũ, Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm và Thượng úy Hồ Văn Thảo, Đội trưởng Đội Trinh sát, là những cán bộ gần gũi nhất với hai vợ chồng cán bộ lão thành cách mạng. Các anh đã chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội và ngỏ ý sẵn sàng làm “cầu nối” cho những ai muốn mua chổi của bố Xăng, mẹ Thiết. Nhiều bạn bè ở các xã lân cận, thị trấn, thậm chí ở thành phố Huế cũng mua ủng hộ. Mấy ngày nay, ba chàng sĩ quan trẻ lúc rảnh rỗi lại đi “ship” chổi cho bố Xăng, mẹ Thiết. Số tiền thu được, các anh nhanh chóng chuyển về cho ông bà.

Có lần, bà Căn Thiết tâm sự với Trung úy Phạm Thái Sơn rằng: “Bố mẹ nhiều tuổi rồi, chỉ thương anh Lập thiệt thòi. Chiến tranh khiến anh không được may mắn lành lặn như những người khác”. Bởi vậy, chàng sĩ quan trẻ đã nghĩ đến việc sẽ sớm triển khai chương trình “Ngày về thôn bản”. Đây là mô hình vốn được Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế phát động, theo đó, cán bộ, chiến sĩ mà nòng cốt là lực lượng đoàn viên, thanh niên tổ chức giúp đỡ các gia đình khó khăn, có công với cách mạng.

Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã xây dựng kế hoạch, đề xuất chỉ huy đơn vị dành sự quan tâm, giúp đỡ đặc biệt đối với gia đình ông Quỳnh Xăng, bà Căn Thiết. Gia đình ông bà không chỉ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, mà còn là tấm gương về lối sống tích cực, luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh. Trung úy Phạm Thái Sơn chia sẻ: Đây không chỉ là hoạt động thường xuyên của đoàn viên, thanh niên đơn vị, mà còn là việc làm ý nghĩa, thể hiện tấm lòng tri ân, biết sơn sâu sắc của thế hệ sau đối với gia đình có công với cách mạng, để đất nước có được ngày hành phúc, bình yên như hôm nay.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cay-dai-thu-tren-dinh-ta-lo-a-ho-post441634.html