'Cây gậy' của Ngân hàng nhà nước đã không còn tác dụng?
Chỉ trong nửa cuối tháng 3, Ngân hàng nhà nước đã cắt giảm các mức lãi suất điều hành 2 lần để kéo giảm lãi suất huy động và cho vay.
Vậy nhưng, cho đến nay, các doanh nghiệp (DN) vẫn liên tục kiến nghị các NHTM hạ lãi vay, bởi các nhà băng hứa sẽ giảm lãi suất nhưng giảm rất ít. Trong khi đó, mới đây Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ cân nhắc các điều kiện giảm thêm lãi suất điều hành.
Thực tế hiện nay lãi suất tại Việt Nam đang ở mức cao so với các nước. Giải thích nguyên nhân, NHNN chỉ ra khá nhiều lý do như DN trong nước phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng NH (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống, trên 52% dư nợ tín dụng của hệ thống là trung, dài hạn, tạo sức ép lên lãi suất huy động.
Tại hội nghị với ngành NH vào giữa tháng 5, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, chia sẻ NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành để giảm lãi suất huy động, nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh 10-11%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn 11-13%/năm.
Khi lãi suất cho vay quanh mức 10%/năm DN khó có thể phục hồi, nếu giảm còn 7-8%/năm mới có thể tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó tạo sức cầu nội địa để bù đắp kim ngạch xuất khẩu sụt giảm.
Như ĐTTC đã có nhiều bài phân tích, lãi suất huy động cao kéo theo lãi suất cho vay cao sẽ làm tê liệt nền kinh tế, đẩy nhiều DN vào tình trạng ngưng hoạt động và phá sản. Khi đó DN sẽ phát sinh nợ xấu, dòng tiền cho vay không trở lại NH, NH lại phải tăng huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản.
Vòng luẩn quẩn nợ xấu - thanh khoản - lãi suất không giải quyết được, sẽ đi đến điểm cuối cùng là khủng hoảng và suy thoái.
Lâu nay, chính sách tiền tệ đảm nhiệm đa mục tiêu, trong đó có kiểm soát lạm phát. Và để đối phó với lạm phát, từ nửa cuối năm 2022 NHNN dùng phương pháp tăng lãi suất. Nhưng do thiếu tuân thủ kỷ luật thị trường, các NHTM “mượn gió đẩy thuyền”, dựa vào tăng lãi suất điều hành của NHNN đẩy lãi suất thị trường lên cao để giải quyết thanh khoản.
Nay NHNN giảm lãi suất điều hành, các NH lại hưởng ứng rất yếu ớt. Thời điểm hiện tại, lãi suất huy động cao nhất vẫn ở mức 8-9,5%/năm. Với mức lạm phát dự kiến 4-5%, lãi suất dương của Việt Nam lên đến 4-5% là quá cao. Điều này có thể triệt tiêu động lực kinh doanh, vì đem tiền gửi NH có lãi hơn sản xuất.
Chính phủ và NHNN cũng hiểu rõ điều đó qua động thái liên tục khuyến khích các NH tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN. Thế nhưng, giới kinh doanh gần như không kỳ vọng nhiều vào sự chủ động của các NHTM.
Bởi từ đầu năm, các nhà băng cam kết giảm lãi suất nhưng vẫn “đi đêm” với khách hàng tiền gửi, và trong quý I biên lãi ròng (NIM) vẫn không suy giảm nhiều, chứng tỏ các NHTM vẫn chưa chấp nhận giảm lãi để đồng hành cùng DN.
Hiện DN rất khó khăn nhưng các NH vẫn đang hướng tới mục tiêu lợi nhuận ngàn tỷ trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 10-30% so với năm 2022 (ĐTTC đã có loạt bài về vấn đề này trong số báo trước). Trong môi trường lãi suất cao, chi phí vay vốn của DN tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng. Lãi suất cao còn làm gia tăng nhu cầu gửi tiết kiệm, đương nhiên sẽ giảm tiêu dùng.
Như vậy xem ra khó mà kích cầu tiêu dùng để vực dậy sản xuất. Do đó, để cứu vãn tình hình hiện nay, các cơ quan liên quan phải bằng mọi giá hạ mặt bằng lãi suất chung.
Không cần ưu đãi riêng cho DN nào, chỉ cần hạ lãi suất ở mức hợp lý, các DN sẽ tự cứu mình, tạo đòn bẩy thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa để nền kinh tế phục hồi.