Trong một lần tình cờ lên mạng xem, học ghép cây cảnh, anh Trần Văn Ngà (SN 1985, trú Tổ dân phố 2, phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh) nảy sinh ý tưởng ghép cây ngũ sắc, loài cây mọc hoang dại trên đồi núi, thành một vườn hoa nhiều màu sắc rực rỡ.
Trên khu đất có diện tích 1.000m2, anh Ngà cùng vợ phát triển thành một vườn ngũ sắc đẹp lung linh. Với hơn 500 gốc cây, anh Ngà tạo ra nhiều dáng hoa như dáng bay, dáng trực, dáng thác đổ,... Mỗi gốc bán ra với giá từ 700.000 đồng đến 2,5 triệu đồng.
“Ban đầu tôi cũng chỉ ghép một vài cây để chơi, sau đó thấy loài cây này phù hợp với thời tiết nắng nóng ở Hà Tĩnh, dễ phát triển và ra hoa quanh năm, nên tôi nảy sinh ý tưởng xây dựng một khu vườn, tạo ra nhiều dáng cây bắt mắt để bán, kiếm thêm thu nhập. Ban đầu xóm làng, người thân cứ e ngại vì thời điểm đó ở khu này chưa ai dám đưa hoa dại về trồng làm cảnh”, anh Ngà nói.
Khu vườn của anh Ngà có diện tích 1.000m2 đang trồng, tạo dáng cho cây ngũ sắc. Ngoài làm cảnh, ngũ sắc còn được sử dụng như vị thuốc đông y. Hoa ngũ sắc có vị đắng tính mát thường được sử dụng làm thành phần trong thuốc trị tiêu động, tiêu viêm, hạ sốt...
Anh Ngà cho biết, loài cây ngũ sắc mọc ở các khu vực đồi núi, nở hoa quanh năm
Anh Ngà lên rừng tìm gốc hoa ngũ sắc rừng, rồi mua phôi hoa ngũ sắc của Thái Lan về ghép
Bước đầu ghép gốc hoa với phôi hoa Thái Lan
Sau hai năm ghép phôi, kết quả tạo ra những gốc cây ngũ sắc nhiều màu rực rỡ. "Gọi là ngũ sắc nhưng nó có tới 26 màu như màu đỏ nhật, màu vàng chanh, màu trắng... Cây hoa ngũ sắc dễ sống, chỉ cần chăm tưới nước, bón phân chuồng hoặc phân NPK thì cây sẽ khỏe, nhanh cho ra hoa", anh Ngà cho hay.
Loài cây này có bụi thân gỗ, cành non dài, mềm, có lông và có gai mềm, cong xuống. Lá hình trái xoan, nhọn đầu, gốc hình tim, dày, xanh nhạt, mặt trên phủ lông ngắn, mặt dưới có lông mềm, cuống ngắn.
Loài cây ưa nắng, nước, thích hợp với khí hậu ở Hà Tĩnh
Theo anh Ngà, để cây cho ra nhiều hoa, người trồng phải chăm tưới nước và ngắt ngọn thường xuyên
Màu vàng chanh là một trong những màu hoa "cháy hàng" trong vườn anh Ngà
Chị Quyên (vợ anh Ngà) chia sẻ: "Ban đầu thấy chồng mải mê đi tìm gốc hoa dại, tôi cũng ngăn cản vì kinh tế gia đình lúc đó khó khăn. Sau thấy anh phát triển được vườn hoa, nhiều khách đến mua và anh lấy đó làm niềm vui nên tôi ủng hộ, đồng hành cùng chồng. Ngày nào hoa ngũ sắc cũng nở rực rỡ, bất kể nắng hay mưa, chúng tôi thấy vui vẻ và phấn khởi".
Để khách mua hoa về có thể dễ dàng thay đổi bồn, chậu, vợ chồng chị Hoa bọc lưới dưới gốc cây
Nhưng gốc hoa dại mọc ở đồi núi, "vào tay" anh Ngà đã khiến chúng trở nên lung linh
Giới trẻ thích thú vào vườn hoa, chụp cây về để học hỏi kinh nghiệm trồng
"Mỗi gốc cây bây giờ bán ra giá từ 700 nghìn đến 2,5 triệu đồng. Công việc này không tốn nhiều kinh phí nhưng mất thời gian chăm sóc bởi phải hai năm sau ghép mới cho ra được một gốc cây đẹp, hoa nhiều", anh Ngà nói.
Cây ngũ sắc còn có tên cây bông ổi, cây thơm ổi, cây trâm ổi, cây ổi nho, cây trâm anh, cây tứ mã đơn,.. có tên khoa học là Lantana camara, thuộc họ Verbenaceae (Cỏ roi ngựa)
Anh Ngà chăm sóc vườn cây để đưa ra thị trường Tết sắp tới
Thiện Lương