Cây kẹo 'ngày xưa ơi'

Phải đến cả mấy tuần nay, tôi không có ngày nghỉ, hôm thì rộn ràng với mùa nước đổ trên non, hôm lại náo mức vào mùa mận Tam hoa, vó ngựa 'cao nguyên trắng'. Vậy nên, nhân ngày 'Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt', tôi tự thưởng mình những giây phút nghỉ ngơi.

Đúng là cả thế giới thu nhỏ trong tầm tay, bao thông tin hữu ích từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây chỉ cần enter “dế yêu” là trải đầy trước mắt. Ngang qua “căn nhà” của cô bạn, dòng status đầy khiêu khích “Thế hệ “8x” ai còn nhớ”. “Ơ, mình là “8x” mà”- tôi kích đúp. Chỉ vẻn vẹn vài dòng kèm theo bức ảnh chụp mấy chiếc kẹo mút màu hồng cam, bên dưới là dòng “comment” đầy tâm trạng của những bạn cùng trang lứa. Sống mũi cay cay, tôi nhớ cây kẹo “ngày xưa ơi”.

Cây kẹo “ngày xưa ơi” của thế hệ “8x”. (Ảnh minh họa)

Cây kẹo “ngày xưa ơi” của thế hệ “8x”. (Ảnh minh họa)

Các bạn trẻ đừng vội nói “lại cái chuyện ngày xưa” nhé. Quả thực đó là cả một trời gian khó. Không phải vài, ba gia đình đâu mà có đến cả làng nghèo. Lo đủ ngày ba bữa cơm đã khó lắm rồi, nên việc mua cho con những món quà vặt quả là xa xỉ đối với những ông bố bà mẹ. Trừ dịp tết, thì họa hoằn lắm chúng tôi mới được bố mẹ mua cho. Một trong số ít những đồ ăn vặt ngày ấy là chiếc kẹo mút.

Kẹo mút bây giờ có hàng tá vị, nào là dâu, dứa, chanh, cam, thậm chí còn có nhân dẻo, béo ngậy, chứ cây kẹo “ngày xưa ơi” chỉ làm từ mạch nha và bột nếp, sau khi tạo hình thì đồ lên cho cứng chắc. Nó có dáng hình quả ớt, dài chừng hai đốt ngón tay, thân màu trắng đục cắm trên que bằng nhựa. Để tạo sự hấp dẫn, bắt mắt, người ta khéo léo phủ lên thân kẹo những phẩm màu hồng, cam, đỏ, rồi rắc trên đó chút đường kính.

Lâu rồi tôi không còn được nhìn thấy, nhưng tất cả hương vị của cây kẹo “8x”, cây kẹo “ngày xưa ơi” tôi vẫn nhớ như in. Đó là vị ngọt lịm của đường kính, mạch nha xen với chút lờ lợ của phẩm màu; là hương thơm dìu dịu của đường mật đã được cô đặc và đặc biệt khi đưa thanh kẹo vào miệng cắn sẽ nghe tiếng giòn rụm, rôm rốp; nhai thật lâu, thật lâu sẽ thấy vị ngọt sắc cuốn sâu vào miệng lưỡi, cuống họng. Chiếc kẹo được tráng qua lớp phẩm màu, nên ăn xong, đứa nào đứa nấy lưỡi đỏ như ớt. Bọn con gái tinh nghịch còn lấy chiếc kẹo ngậm vào miệng để phẩm màu loang ra rồi bôi lên môi vờ là son cho xinh đẹp như cô dâu, ca sĩ…

Ngày ấy, truyền hình trung ương phát bộ phim “Tây du ký”. Ôi, những nhân vật Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, rồi Quan thế âm Bồ tát lũ chúng tôi thích mê đi ấy chứ. Mà nhà sản xuất cũng thật tài tình. Họ khéo léo biến hình những que cầm bằng nhựa thẳng tưng, đơn điệu thành hình những nhân vật “Tây du ký” nổi tiếng, rồi cả hình cái lá, bông hoa, các loài vật, đao, kiếm… khiến lũ trẻ thời thiếu thốn “say như điếu đổ”. Vừa có kẹo ăn, vừa có đồ chơi đúng là “nhất cử lưỡng tiện”, nên chiếc kẹo mút nhỏ xinh là lựa chọn hàng đầu của “8x” ngày ấy mỗi khi có dịp được chọn quà.

Năm tôi lên 9 tuổi, bố mẹ quyết định chuyển nhà đến một vùng đất mới. Rục rịch chia tay, mấy đứa trong xóm chơi cùng nhau không lỡ rời xa. Tôi khóc bắt đền mẹ. Mẹ dỗ lên dỗ xuống và đền bằng mấy thanh kẹo mút. Ngày chia xa, mấy đứa bạn tiễn tôi ra tận đầu xóm. Chúng cứ líu ríu bên cạnh sụt sùi. Chiếc xe khách đỗ xịch trước mặt, mẹ giục tôi lên xe kẻo muộn, mấy đứa chúng tôi òa khóc. Trước khi lên xe, tôi còn kịp lần trong túi áo mấy thanh kẹo mút dúi vào tay bạn, như để làm tin “Mấy nữa tớ sẽ về”.

Dòng stastus của cô bạn nháy sáng liên hồi với những dòng cảm xúc “8x”. Nhiều người rủ nhau tìm mua kẹo “ngày xưa ơi”. Tôi vội “like” vào dòng mua, để lỡ có ai bán còn kịp đi tìm!!!

Tô Dung

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/cay-keo-ngay-xua-oi-z8n20190617103610348.htm