Cây khổng lồ 80.000 tuổi, nặng 6.000 tấn đang sụp đổ: Thủ phạm là loài vật không ngờ tới
Thủ phạm khiến cây khổng lồ nặng 6.000 tấn có nguy cơ sụp đổ hóa ra loài vật quen thuộc và hiền lành.
Theo đó, quần thể cây dương lá rung khổng lồ ở bang Utah (Mỹ) được coi là sinh vật sống lớn nhất thế giới, dường như đang sụp đổ. Nguyên nhân là do bị gặm quá nhiều.
Được gọi là Pando, quần thể cây dương lá rung này chủ yếu bị hươu la và gia súc ăn. Theo các chuyên gia, những nỗ lực của con người để bảo vệ khu vực này có thể làm vấn đề thêm trầm trọng hơn.
Có diện tích bao phủ gần 43 ha với trọng lượng khô khoảng 6.000 tấn, Pando dễ bị nhầm với một khu rừng rộng lớn với hơn 40.000 cây riêng lẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, Pando lại là một nhóm các thân cây giống hệt nhau về mặt di truyền và chúng có một hệ thống rễ chung, từ đó cấu thành một thực thể sống duy nhất.
Mặc dù tuổi chính xác của quần thể cây nhân bản này vẫn chưa được biết, nhưng các nhà khoa học tin rằng Pando có thể tồn tại từ cuối kỷ Băng Hà cuối cùng. Cây dương lá rung này được cho là cung cấp nền tảng cho toàn bộ hệ sinh thái và hỗ trợ cho hàng trăm loài khác.
Thế nhưng, theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2017, hươu và gia súc đang ăn quá nhiều chồi cây dương lá rung non. Điều này khiến chúng không thể phát triển. Hơn nữa, khi cây già chết đi, chúng không còn được thay thế bằng cây mới, dẫn tới đe dọa tới sự tiếp tục của dạng sống khổng lồ này.
Để đối phó với tình trạng này, các nhà quản lý đã tiến hành dựng hàng rào xung quanh Pando, với hy vọng có thể ngăn được động vật ăn cỏ tiến vào khu vực này. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của các chuyên gia tại ĐH Utah đánh giá về mức độ thành công của biện pháp này và phát hiện ra rằng hàng rào có thể mang lại tác động tiêu cực.
Theo nghiên cứu mới của nhà khoa học Paul Rogers và các cộng sự, chỉ 16% Pando được dựng hàng rào đúng cách và hoàn chỉnh. Cụ thể, trong khu vực được bảo vệ đó, các chồi cây dương lá rung non có thể trưởng thành và thay thế những cây đang chết dần. Tuy nhiên, khoảng 50% diện tích của Pando lại không có rào chắn. Điều này có nghĩa là cây phát triển kém tại khu vực này.
Trong khu vực không có hàng rào, cái chết của những cây dương lá rung già cỗi đã tạo ra những khoảng trống ở tán lá, tạo điều kiện cho phép ánh sáng Mặt Trời chiếu tới nền rừng. Kết quả, điều này làm thay đổi thành phần của các quần xã thực vật, và định hình lại toàn bộ hệ sinh thái.
Cho đến trước năm 2019, khoảng 1/3 Pando không có rào chắn đầy đủ, khi hàng rào được gia cố lại. Đến nay, các chồi non của Pando đang dần trường thành, mặc dù tác động của việc chăn thả gia súc gần đây vẫn rõ nét.
Pando về cơ bản đang bị phân tán thành 3 khu vực riêng biệt. Mỗi khu vực hiện đang phát triển theo một con đường sinh thái khác nhau.
Theo nhà khoa học Paul Rogers, các hàng rào dường như gây ra những hệ quả không mong muốn, khi có thể chia Pando thành các vùng sinh thái khác nhau, thay vì khiến cả một khu rừng phát triển.
Nhóm nghiên cứu kết luận, Pando đang sụp đổ. Theo đó, việc tiêu diệt quần thể hươu hoang dã và tạm thời ngừng chăn thả gia súc có thể là điều cần thiết để cứu Pando.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Conservation Science and Practice.
Vì sao Pando lại phát triển khổng lồ?
Rừng quốc gia Fishlake ở bang Utah (Mỹ) là nơi có rừng cây dương lá rung tên là Pando. Đây được coi là một trong những thực thể cổ và lớn nhất trên thế giới. Theo USDA, toàn bộ khu rừng rộng hơn 43 ha đều là cây con mọc ra từ một cây mẹ.
Trên thực tế, tất cả thân cây ở trong rừng Pando đều nối liền với mạng lưới rễ dày đặc ở dưới lòng đất. Thế nhưng mỗi cây dương lá rung đều là bản sao giống hệt nhau. Mỗi thân cây có thể tồn tại trong khoảng từ 100 – 150 năm.
Nếu chỉ tính theo trọng lượng, Pando chính là sinh vật lớn nhất trên Trái Đất khi nặng tới 6.000 tấn.
Vậy, bằng cách nào mà Pando lại trở nên khổng lồ như vậy?
Theo các nhà khoa học, hóa ra kích thước khổng lồ của Pando phụ thuộc vào 3 yếu tố chính, bao gồm tuổi, vị trí và sự thích nghi tiến hóa của quá trình tự nhân bản.
Thứ nhất, sở dĩ Pando lớn như vậy vì nó rất già. Theo các nhà khoa học, rừng cây độc đáo này khoảng từ 80.000 năm đến 1 triệu năm tuổi.
Thế nhưng các nhà khoa học cũng chưa có cách đơn giản nào để đánh giá chính xác về tuổi của Pando. Bởi việc đếm số vòng của một thân cây cho kết quả chỉ khoảng 200 năm. Nguyên nhân là rừng cây này luôn ở trong một chu kỳ phát triển, chết đi và mọc mới lại liên tục. Thực tế mỗi thân cây chỉ sống được 130 năm trước khi nó đổ và được thay thế bằng những thân cây mới.
Thứ hai, đó là vị trí. Theo đó, trong thời kỳ băng hà cuối cùng (kết thúc khoảng 12.000 năm trước), các sông băng bao phủ phần lớn Bắc Mỹ. Do đó, những quần thể dương lá rung lớn tương đương khác (nếu có) có thể đã bị xóa sổ ở trong thời gian này.
Pando mọc ở Utah, nơi không có sông băng. Hơn nữa, đất ở đây cũng rất giàu chất dinh dưỡng, vì Pando liên tục bổ sung dưỡng chất vào đất. Cụ thể, khi lá rung hoặc thân cây đổ thì các chất dinh dưỡng sẽ quay trở lại để nuôi dưỡng thân cây mới.
Thứ ba, tự nhân bản. Theo các chuyên gia, cây dương lá rung là loài cây vừa có khả năng sinh sản hữu tính vừa có thể sinh sản vô tính, tức là tạo ra bản sao. Thực tế loài cây này có xu hướng sinh sản hữu tính khi gặp điều kiện không thuận lợi. Chiến lược tốt nhất của chúng để sinh tồn là chuyển đi nơi khác. Dù cây cối không di động nhưng hạt của chúng thì có bằng cách nhờ gió hoặc sinh vật thụ phấn khác.
Cây Pando đã tồn tại qua nhiều thiên niên kỷ, cùng với biến đổi khí hậu và sự xâm lấn của băng
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào năm 2018 trên tạp chí PLOS One cho thấy, khu rừng này có nguy cơ bị sụp đổ. Nguyên nhân là do động vật như hươu, nai ăn cây non, cùng sự xâm lấn của con người. Nếu rừng dương lá rung khổng lồ này biến mất thì sẽ rất lâu nữa chúng mới có thể xuất hiện trở lại.
Bài viết tham khảo nguồn: Iflscience, Amaze Lab, USDA, TED