Cây lồ ô trong đời sống của người Xê Đăng

Chúng tôi trở lại huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) và trong hành trình ấy đã chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, nhất là ở những khu tái định cư, ở những ngôi làng của người Xê Đăng. Chuyến đi này, chúng tôi được biết, dưới chân núi Ngọc Linh quanh năm bao phủ bởi sương mù, giá lạnh, nơi người Xê Đăng định cư lâu đời này có một gia sản rừng lồ ô mà theo họ rất quý, đã trở thành loài cây thân thuộc, gắn với văn hóa của người Xê Đăng.

Ngoài làm nhà sàn ra thì người Xê Đăng còn dùng cây lồ ô làm ống dẫn nước về dùng. Ảnh: Sơn Gia Phúc

Ngoài làm nhà sàn ra thì người Xê Đăng còn dùng cây lồ ô làm ống dẫn nước về dùng. Ảnh: Sơn Gia Phúc

Chúng tôi được anh Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch UBND xã Trà Nam (huyện Nam Trà My) đưa về thăm ngôi làng của người Xê Đăng. Ngôi nhà sàn của già làng Hồ Văn Chính thuộc thôn 5, xã Trà Nam có sàn nhà lót toàn những ống lồ ô đập dập, nhẵn nhụi, đen bóng. Mái nhà cũng được lợp bằng những ống lồ ô đập dập chống lại những cơn mưa rừng dai dẳng.

Hít xong hơi thuốc và mời khách ly trà nóng, già làng Hồ Văn Chính cho biết: “Từ lâu, dưới chân núi Ngok Cung có cả một khu rừng rộng lớn mọc toàn là cây lồ ô. Khi tôi lớn lên đã nghe cha mẹ tôi nói, ông bà của họ từ đời xưa đã vun vén, gìn giữ khu rừng lồ ô đến tận ngày nay. Người dân nơi đây tin rằng, đó là báu vật do thần linh ban tặng. Nhờ khu rừng lồ ô này, mà nó đã giúp người Xê Đăng làm nhà kho dự trữ lúa, giúp họ làm nhà sàn để ở, sinh hoạt chống lại giá lạnh của mùa Đông. Tới mùa măng mọc (từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch), bà con rủ nhau lên rừng chặt măng lồ ô mang về để dành chế biến nhiều món ăn của gia đình trong mùa giáp hạt.

Anh Nguyễn Thanh Phương cho biết thêm: Từ bao đời nay, không riêng gì khu rừng lồ ô này của người Xê Đăng ở thôn 5, xã Trà Nam mà ở thôn 2, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng có từ khi nào và không thống kê được diện tích, số lượng bao nhiêu. Qua khảo sát, cây lồ ô cao từ 15 đến 20m. Có cây gần cả trăm đốt chọc thẳng trời xanh rắn chắc. Chúng tôi luôn nhắc nhở dân làng, không được chặt phá bừa bãi mà phải gìn giữ khu rừng lồ ô xanh tốt để chúng mãi là di sản của người Xê Đăng để lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây lồ ô ở đây được đồng bào dân tộc Xê Đăng dùng làm nhà là phổ biến. Tùy thuộc vào ngôi nhà lớn, nhỏ mà những cây lồ ô có kích thước lớn, được dân làng dùng làm trụ nhà, những cây nhỏ thì dùng vào làm kèo, đòn tay của nhà. Mái nhà, sàn nhà đến vách ngăn của nhà sàn... cũng được người dân vào rừng lồ ô lựa chọn những cây lồ ô già chặt thành những đoạn phù hợp, rồi dùng rựa đập dập, đem phơi khô. Sau đó, những tấm lồ ô này được đem lát sàn nhà, làm vách và lợp cho mái nhà, nhằm tránh mưa nắng. Sàn nhà được lót những tấm lồ ô này thì nấm mốc không bám được, côn trùng cũng chẳng bén mảng tới. Đi đến nhiều ngôi nhà sàn ở thôn 5, xã Trà Nam, chúng tôi khá ấn tượng vì sàn nhà của người dân làm bằng lồ ô lúc nào cũng sạch, đẹp, bóng.

Ngoài làm nhà sàn ra thì những cây lồ ô ở khu rừng Ngok Cung cũng được người Xê Đăng ở thôn 5, xã Trà Nam và thôn 2, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My dùng làm kho chứa thóc, làm chuồng cho trâu, bò. Ở hai nơi này, cũng có hàng trăm kho thóc và chuồng trâu, bò được làm từ cây lồ ô như thế. Cây lồ ô còn được bà con nơi đây dùng để đan gùi và nhiều vật dụng khác trong nhà như: Làm ống đựng lúa, bắp giống; làm ống đựng nước để uống, nấu nướng, làm gối ngủ, làm ống dẫn nước về làng để nấu ăn, tắm giặt, làm bẫy thú rừng thì không một thứ cây rừng nào bì kịp vì độ sắc bén của thanh chông làm từ lồ ô... Đặc biệt, vào dịp đầu Xuân, người Xê Đăng thường tổ chức lễ cúng máng nước đầu năm nên những cây lồ ô được dân làng chặt về chẻ ra làm hai, thông đốt để bắt máng dẫn nước từ đầu nguồn về cho dân làng dùng.

Già làng Hồ Văn Chính chia sẻ: Cuộc sống của người Xê Đăng nơi đây từ xưa đến nay đều dựa vào cây lồ ô. Người Xê Đăng chúng tôi ai ai cũng yêu quý thứ cây ấy. Người dân luôn ý thức rằng, đó là tài sản, là món quà vô giá mà cha ông để lại cho con cháu đời sau. Mỗi khi, người làng cần đến cây lồ ô thì họ phải xin phép với già làng và được già làng chấp thuận thì mới vào rừng Ngok Cung chặt cây lồ ô. Mọi người trong làng phải tuân thủ quy định của làng.

Sáng sớm, trước khi chuẩn bị về lại dưới xuôi, chúng tôi được gia đình già làng Hồ Văn Chính cho thưởng thức đặc sản cơm nấu từ những ống lồ ô non to ăn với thịt nướng trong ống lồ ô và rau rừng, thể hiện ân tình của người Xê Đăng.

Già làng Hồ Văn Chính cầm cây đàn proóc cùng đi với chúng tôi ra tận con dốc đầu làng vừa đàn, ông vừa cất lên những câu hát đối đáp tiển khách. Phỏng theo tình yêu của đôi trai gái Xê Đăng: “Ơ, cô gái đánh đàn môi ơi/ Nửa đêm ta mơ thấy măng lồ ô mọc/ Ta chỉ ngắm mỗi bụi lồ ô nhiều măng tua tủa/ Không biết cha em ở nhà có ưng không... Măng đó chạm vào ngứa/ Có ai dám rờ/ Bụi lồ ô có nhiều gai/ Có ai dám đến...Ơ, ơ, ơ...”

Sơn Gia Phúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cay-lo-o-trong-doi-song-cua-nguoi-xe-dang-post433223.html