Cây lộc của thôn Ngải Dương

Chuyện gia đình cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Xuân ở thôn Ngải Dương (Đình Dù, Văn Lâm, Hưng Yên) tự nguyện xây dựng trường học, tu sửa đền chùa, ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng nông thôn mới; giúp đỡ hộ nghèo và gia đình người có công khiến nhiều người trầm trồ thán phục. Có người bảo 'nhà ông ấy là cây lộc của thôn Ngải Dương ta đấy'.

Phải nhờ các đồng chí trong Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Lâm giới thiệu chúng tôi mới gặp được ông Nguyễn Văn Xuân tại cơ ngơi riêng của gia đình. Không phải vì ông quá bận rộn; cũng không phải vì ông xa lánh, mà bởi như ông nói: “Tôi không thích khoa trương. Mình làm bằng cái tâm, sống bằng cái tâm. Như cái cây âm thầm che bóng mát cho đời vậy thôi”.

Trong căn nhà cổ kính, mái ngói thâm nâu, chúng tôi được CCB Nguyễn Văn Xuân, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 138, Binh chủng Thông tin liên lạc kể về hành trình thiện nguyện của mình và gia đình. Năm 1980, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông chỉ có hai bàn tay trắng. Bởi tính nhanh nhẹn, lại mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nên ông Xuân được dân làng tín nhiệm bầu làm đội trưởng đội sản xuất của thôn Ngải Dương. Tuy nhiên, những năm 80 của thế kỷ trước, hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn nên đội sản xuất của ông cũng không tồn tại được. Cuộc sống lại càng thêm khó khăn. Ông Xuân và vợ (bà Trần Thị Tiến) lăn lộn đủ nghề để kiếm sống.

 Trường Tiểu học Đình Dù tặng quà ông Nguyễn Văn Xuân nhân ngày khánh thành trường.

Trường Tiểu học Đình Dù tặng quà ông Nguyễn Văn Xuân nhân ngày khánh thành trường.

Ông bà có 4 người con (một người con trai mất sớm khi mới hai tuổi vì bệnh tật). Có đêm trằn trọc không ngủ được, ông Xuân thủ thỉ với vợ: “Đời mình đã khổ lắm rồi, tôi không muốn con mình sau này phải khổ”. Trồng được vườn cây ăn quả ngắn ngày, nuôi được con gà, con lợn, ông bà đều dành hết tiền đầu tư cho con cái ăn học. Hiểu sự vất vả của cha mẹ nên những người con của ông bà rất chăm ngoan, học giỏi. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, người con trai cả của ông bà là Nguyễn Văn Sang tiếp tục học lấy bằng thạc sĩ tài chính. Tốt nghiệp, Sang bước vào đời bằng nhiều nghề để kiếm sống. Có kinh nghiệm và chút vốn, Sang tham gia sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư F.I.T (nay là Tập đoàn F.I.T). Tuy đã trở thành lãnh đạo của một tập đoàn lớn nhưng anh Sang vẫn nhớ về những ngày thơ ấu nghèo khó của mình, nhớ về những điều ân nghĩa thuở nhỏ được cha mẹ răn dạy.

Năm 2016, trong một lần về thăm quê, ông Xuân tâm sự với những người con của mình: “Gia đình ta chưa phải giàu có gì, các con đều xuất thân từ gian khó, được dân làng bao bọc, che chở nên uống nước phải nhớ nguồn các con ạ”. Nghe bố nói vậy, anh Sang rất trăn trở. Bà Tiến góp lời: “Ở thôn Ngải Dương ta, có một số phòng học của Trường Tiểu học Đình Dù, do xây dựng đã lâu nên xuống cấp. Các phòng học lại nằm sát sân chùa. Vào những ngày nhà chùa hành lễ, ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học”. Anh Sang nghe vậy liền nảy ra ý tưởng giúp nhà trường chuyển các lớp học này tới một địa điểm thích hợp hơn. Tính toán sơ bộ, số tiền cho công việc này cũng đến 5 tỷ đồng. Ông Xuân bảo: “Tiền tiêu mấy cũng hết, làm một việc công đức giúp dân thì tiếng thơm cho làng ai cũng được hưởng”. Thế là cả nhà “biểu quyết” đồng ý.

Sau khi xin ý kiến nhân dân và chính quyền xã Đình Dù triển khai xây dựng trường học trên tinh thần tự nguyện và không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì. Trên cơ sở mặt bằng đã được quy hoạch, gia đình ông Nguyễn Văn Xuân nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để xây dựng ngôi trường mới. Chỉ trong vòng nửa năm, từ tháng 8-2017 đến tháng 2-2018, ngôi trường mới với 8 phòng học khang trang, đầy đủ bàn ghế, trang thiết bị mới tinh với tổng chi phí hơn 6 tỷ đồng được hoàn thành. Nhận món quà lớn gia đình ông Xuân trao tặng, thầy và trò Trường Tiểu học Đình Dù vô cùng cảm kích.

Nhận thấy hậu cung chùa Pháp Lôi của làng xuống cấp, gia đình ông Xuân xin ý kiến nhà chùa và chính quyền xã bỏ tiền trùng tu toàn bộ hậu cung ngôi chùa. Để đồng bộ, gia đình công đức một quả chuông đồng và xây gác chuông cho chùa với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Qua câu chuyện với các đồng chí trong Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Lâm, chúng tôi còn biết thêm rằng: Trước đây, gia đình ông Xuân đã ủng hộ thôn Ngải Dương bê tông hóa đoạn đường ra nghĩa trang dài gần 2km. Trong thời gian xã Đình Dù phát động Phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, gia đình ông bà đã ủng hộ phần lớn kinh phí để bê tông hóa trục đường làng. Hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình ông bà và các con đều có quà tặng các cụ cao niên trong xã 200.000-300.000 đồng/người.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Sỹ Toán, Phó bí thư Đảng ủy xã Đình Dù khẳng định: “Ông Nguyễn Văn Xuân là CCB mẫu mực, sống hòa đồng với bà con. Đặc biệt, gia đình ông Xuân đã làm nhiều việc thiện nguyện giúp đỡ dân làng. Những công trình, hiện vật mà gia đình ông Xuân trao tặng thể hiện tinh thần chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, đúng như lời Bác Hồ dạy nhân dân Đình Dù khi Người về thăm: Toàn dân đoàn kết một lòng/ Đập đá đá vỡ, đào sông nước về”.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/cay-loc-cua-thon-ngai-duong-592086