Cây mãng cầu gai phát triển mạnh ở vùng đất trũng phèn Ngã Năm
Cây mãng cầu gai gốc ghép bình bát là một trong những loại cây trồng chính trên địa bàn thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), bởi mãng cầu thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất trũng phèn. Nhờ hiệu quả kinh tế do cây mãng cầu gai đem lại mà đời sống của hầu hết hộ dân đã vươn lên khá, giàu bền vững.
Sóc Trăng có hơn 340ha mãng cầu gai, được trồng nhiều tại các huyện như: Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành và thị xã Ngã Năm, trong đó thị xã Ngã Năm là địa phương có diện tích trồng mãng cầu gai lớn nhất, với 248ha. So với các loại cây trồng khác thì mãng cầu gai dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, đặc biệt là cây mãng cầu gai gốc ghép bình bát thích ứng tốt với vùng đất trũng phèn, năng suất cao.
Mãng cầu gai được trồng tập trung phần lớn tại xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm. Ghé nhà ông Lê Bảo Xiêng, ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, chúng tôi được ông Xiêng dẫn ra tham quan khu vườn mãng cầu đang cho trái, từng trái đều được bao lưới. Ông Bảo Xiêng tâm sự: "Trước đây, tôi trồng tre, trúc, tràm... Mấy cây đó trồng 4 năm mới bán được mà giá trị kinh tế không đáng kể, với diện tích trồng gần 1ha nhưng chỉ có thu nhập 15 - 20 triệu đồng/4 năm nên đời sống kinh tế gia đình lúc đó rất khó khăn, phải xoay xở tiền mua gạo hằng tháng. Tuy nhiên, đời sống gia đình tôi sung túc hơn kể từ khi trồng và thu nhập từ mãng cầu gai".
Ông Bảo Xiêng nhớ lại: "Năm 2012, tôi bắt đầu dọn bỏ khu vườn cây tạp để trồng cây mãng cầu gai, phải mất thời gian gần 2 năm thì việc xuống giống mãng cầu trên diện tích đất gần 1ha mới hoàn thành. Do là mãng cầu gốc ghép bình bát nên tôi chỉ việc đi tìm cây bình bát dại ngoài tự nhiên về trồng, đợi cây cao khoảng 1 mét thì tiến hành ghép chồi mãng cầu gai vào cây bình bát và chăm sóc cây như bình thường. Sau 3 năm trồng kể luôn thời gian ghép cây thì mãng cầu bắt đầu cho trái. Giai đoạn đầu, cây còn nhỏ, năng suất chưa cao, đến năm thứ 5 thì năng suất trái ổn định. Hiện tại, với diện tích vườn gần 1ha, sản lượng trái thu về hơn 40 tấn/năm, giá bán dao động từ 22.000 - 58.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến hơn 100.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 900 triệu đồng/năm".
Ngoài ra, ông Xiêng còn dùng trái chế biến trà mãng cầu và mứt mãng cầu. Trà mãng cầu cung ứng ra thị trường từ 100kg/tháng; mứt xuất bán tầm 10 - 30kg/tháng, trà và mứt mãng cầu bán cho khách hàng trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sản phẩm trà mãng cầu do ông Bảo Xiêng sản xuất đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng năm 2023.
Là hộ có đời sống rất khó khăn, nhưng khi trồng cây mãng cầu gia đình ông Phạm Hữu Huynh, ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới vươn lên khá giàu. Ông Hữu Huynh bộc bạch: "Tôi là một trong số các hộ dân trồng cây mãng cầu gai gốc ghép bình bát đầu tiên tại ấp. Tính đến nay, tôi đã trồng mãng cầu 30 năm. Thời điểm trước, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Mặc dù có đất nhưng canh tác không hiệu quả do đất trũng phèn nên tôi cứ bỏ đất trống, cây dại mọc đầy. Khi thấy có người hàng xóm trồng mãng cầu ghép bình bát cây lớn nhanh, cho trái quanh năm và thị trường tiêu thụ tốt, tôi đã học theo cách trồng này. Cây mãng cầu gai mặc dù đã 30 năm tuổi vẫn phát triển và cho trái tốt. Do ghép trên gốc bình bát nên mãng cầu cho trái quanh năm, thu hoạch từ 10 - 20 lần/tháng. Tổng sản lượng hơn 25 tấn trái/ha/năm, trừ hết chi phí lợi nhuận hơn 400 triệu đồng".
Theo lời ông Hữu Huynh, giống như nhiều loại cây ăn trái khác, mãng cầu gai thường xuyên bị ruồi vàng đục trái, gây hư hại cho trái. Do đó, khi trái mãng cầu to bằng trái cam sành sẽ bắt đầu bao trái. Việc bao trái ngoài tránh sâu hại tấn công, còn góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Huynh dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng mãng cầu gai để nâng cao thu nhập cho gia đình.
“Hợp tác xã Mãng cầu gai được thành lập vào năm 2016, diện tích 14ha, có 29 thành viên tham gia, sản lượng trái thu về hơn 50 tấn/năm. Toàn bộ diện tích hợp tác xã đã đạt chứng nhận VietGAP và sản xuất theo quy trình VietGAP kể từ khi thành lập hợp tác xã cho đến nay. Thành quả lớn nhất của hợp tác xã trồng mãng cầu gai là đời sống thành viên thay đổi theo từng năm. Nếu như trước đây hầu hết thành viên đều khó khăn thì nay đã vươn lên khá, giàu, bởi có nguồn thu nhập ổn định từ mãng cầu. Hướng tới, hợp tác xã sẽ kết nạp thêm thành viên mới để nâng diện tích mãng cầu trong hợp tác xã, cùng với đó, sẽ tìm các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, để hợp tác xã tiêu thụ trái mãng cầu thuận lợi hơn nữa, giá bán ổn định hơn”, ông Lê Văn Vui - Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu gia, xã Vĩnh Quới thông tin.
Đồng chí Lưu Tấn Hòa - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Năm cho biết: “Cây mãng cầu gai gốc ghép bình bát dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều, chủ yếu là hộ dân tự tạo giống cây để trồng trong vườn nhà. Diện tích mãng cầu gai toàn thị xã là 248ha/130 hộ trồng. Mãng cầu gai được trồng tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Quới, với diện tích khoảng 240ha, tại đây có 2 hợp tác xã trồng mãng cầu gai. Nhiều hộ trong hợp tác xã đã sản xuất trà mãng cầu, mứt mãng cầu, sản phẩm rất được thị trường ưa chuộng. Để hỗ trợ cho hộ dân và các hợp tác xã trồng mãng cầu gai phát triển bền vững, đơn vị sẽ tăng cường chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mãng cầu; hướng dẫn hộ dân canh tác mãng cầu theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ; tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học, kéo giảm chi phí đầu tư mùa vụ, đảm bảo sản phẩm cung ứng trên thị trường an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp địa phương tuyên truyền, vận động hộ dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu gai gốc ghép bình bát để nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện đời sống tốt hơn…”.
THÚY LIỄU