Cây màu ven Quốc lộ Nam Sông Hậu vào mùa
Trong vài năm trở lại đây, khi tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu từ Cần Thơ ngang qua địa phận Sóc Trăng được hình thành, đưa vào sử dụng thì nhiều người dân nơi đây có đời sống ngày càng khởi sắc. Đặc biệt bà con sinh sống ven tuyến Quốc lộ này thuộc địa phận thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách) trước kia chủ yếu canh tác lúa, cây ăn trái thì hiện nay đã trồng đa dạng cây màu, đem lại nguồn thu nhập ổn định...
Sau những ngày nắng chói chang, hàng chục hécta màu bên dưới ruộng ven tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu được "tưới mát" bằng các trận mưa đầu mùa, giúp cây màu xanh tốt hơn. Đang nhanh tay cắt dưa hấu dưới ruộng, ông Bùi Văn Tuấn, ấp Lợi Hưng, thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách) tâm tình: “Tôi gắn bó với cây màu hơn 4 năm nay, nhờ cây màu đời sống gia đình tôi có nhiều đổi mới, bởi cây màu thời gian thu hoạch ngắn hơn cây lúa nên 1 năm có thể trồng 4 vụ màu. Thường thì tôi trồng các loại dưa leo, dưa hấu, bí đao xanh, bầu, ớt. Hiện tại, tôi xuống giống dưa hấu và đang giai đoạn phát triển tốt, đâm chồi, phải cắt bỏ bớt để dưa chỉ có một dây thuận tiện cho việc nuôi dưỡng dây, cho trái tốt. Với 3 công dưa hấu, mỗi vụ thu hoạch tầm 12 tấn trái, trừ chi phí lợi nhuận tầm 40 triệu đồng và dưa trồng được 2 vụ/năm. Nếu thuận thời tiết, với 3 công dưa 2 vụ/năm cho thu nhập số tiền cả 100 triệu đồng…”.
“Điều phấn khởi nhất đối với người dân trồng màu dọc tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu đó là phương tiện lưu thông thuận tiện, thương lái đến tận ruộng thu mua rau, củ, quả của hộ dân nên không sợ bị ép giá. Do đã có kinh nghiệm trồng trọt và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên mùa nắng hay mưa, cây màu đều đạt năng suất, chất lượng. Chẳng hạn mùa mưa sẽ dùng màng phủ trồng màu, còn mùa nắng sẽ ủ rơm cho cây màu…” - ông Bùi Văn Tuấn chia sẻ thêm.
Cũng là hộ dân có diện tích trồng màu nhiều năm dọc tuyến đường Nam Sông Hậu, chị Nguyễn Thị Kiều Linh, ấp An Bình, thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách) chia sẻ: “So với cây lúa thì trồng màu cực hơn do tốn nhiều công chăm sóc, tuy nhiên bù lại cây màu cho thu nhập cao hơn trồng lúa gấp vài lần và màu sản xuất được nhiều vụ trong năm. Thường tôi chọn cây bắp để canh tác do bắp có đầu ra tốt, 1 năm trồng 3 vụ bắp và 1 vụ dưa hấu. Với 2 công bắp thu hoạch gần 9.000 trái và bắp được thương lái thu mua theo bao, 1 bao tương đương 140 trái, giá bán từ 190.000 - 280.000 đồng/bao bắp, trừ chi phí 1 công bắp thu lợi nhuận 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngoài thời gian chăm sóc ruộng bắp, tôi còn luộc bắp trái để bán cho khách lưu thông trên tuyến đường Nam Sông Hậu, đem lại số tiền gần 200.000 đồng/ngày. Sau 3 vụ bắp, gần đến tết, tôi sẽ xuống dưa hấu để thu hoạch trái bán vụ tết, với 2 công dưa hấu trừ chi phí lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, có rất nhiều khách phương xa đi ngang qua tuyến đường nơi có diện tích màu trồng tại khu vực này, họ rất thích thú, nhất là vào dịp thu hoạch dưa hấu, nhiều khách xuống ruộng lưu lại hình ảnh đẹp mùa thu hoạch…”.
Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách Trần Văn Toàn thông tin: “Theo thống kê, diện tích trồng màu trên địa bàn huyện Kế Sách hơn 1.700ha, riêng diện tích màu gieo trồng hàng năm tại thị trấn An Lạc Thôn là 290ha, bao gồm màu được trồng chuyên canh và diện tích màu xuống chân ruộng. So với các loại màu được trồng trên địa bàn huyện thì cây màu trồng khu vực ven tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, hộ dân bán buôn khá thuận lợi, bởi thương lái đến tận ruộng thu mua. Hộ dân còn tận dụng tuyến đường có nhiều xe cộ và người lưu thông để bán buôn sản phẩm rau, củ, quả các loại do chính tay họ trồng nên sản phẩm luôn tươi mới, khách hàng rất thích mua trực tiếp các loại màu, bởi giá cả hợp lý không phải qua khâu trung gian. Qua thực tế nhận thấy đây là vùng đất thích hợp trồng các loại màu nên hộ dân sản xuất màu được quanh năm và màu cho năng suất tốt…”.