Cây 'sáng kiến' ở Viện Công nghệ
Ở Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), mọi người thường gọi Trung tá Nguyễn Thiên Hoàng, trợ lý phụ trách Phòng nhiệt điện áp suất, Trung tâm Đo lường bằng cái tên thân mật: Hoàng 'sáng kiến'. Sở dĩ có biệt danh như vậy bởi vì từ khi về công tác tại phòng, Trung tá Nguyễn Thiên Hoàng đã có nhiều sáng kiến, cải tiến thiết thực, được ứng dụng hiệu quả trong hoạt động chuyên môn, làm lợi cho cơ quan hàng trăm triệu đồng.
Tôi đến Trung tâm Đo lường (Viện Công nghệ) tìm gặp Trung tá Nguyễn Thiên Hoàng đúng lúc anh đang say sưa kiểm tra những phương tiện các đơn vị gửi về. Đi cùng tôi, Thượng tá Lê Mạnh Hùng, Giám đốc trung tâm giới thiệu: “Phòng nhiệt điện, áp suất là cơ quan có khối lượng công việc lớn, liên quan đến công tác bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Tổng cục. Đây cũng là phòng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động chuyên môn do thiết bị đo, chuẩn mẫu cũ được trang bị từ những năm 70 của thế kỷ trước nên đã xuống cấp, hay bị hỏng hóc; các tính năng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra. Anh em ở đây thường xuyên phải đi công tác dài ngày, cơ động xuống cơ sở”.
Vừa nói chuyện đến đó thì anh Hoàng xong việc. Lúc này, tôi mới có dịp nhìn kỹ hơn gương mặt thông minh, thanh thoát của anh. Sau cái bắt tay thân tình, Trung tá Nguyễn Thiên Hoàng tâm sự: “Trước những khó khăn về cơ sở vật chất, tôi đã động viên anh em nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, khai thác, tận dụng triệt để phương tiện tại chỗ. Đồng thời, cố gắng học hỏi, tìm tòi, làm chủ và nhanh chóng đưa vào vận hành các thiết bị mới được trang bị, phục vụ công tác đo lường, kiểm tra”. Trong cuộc trò chuyện, anh Hoàng nhắc nhiều về những sáng kiến, cải tiến mà mình và đồng nghiệp đã cùng nghiên cứu, tìm tòi, sáng chế, đang áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Một trong những sáng kiến mà anh tâm đắc là sửa chữa, khắc phục thiết bị hiệu chuẩn nhiệt ẩm Thunder 2500 ST. Đây là thiết bị được đầu tư trang bị cho Trung tâm Đo lường từ tháng 12-2015, dùng để hiệu chuẩn, kiểm định các phương tiện đo nhiệt độ và độ ẩm cho các đơn vị trong tổng cục. Thiết bị này có độ chính xác cao, trong nước chỉ có 3-5 đơn vị được trang bị. Quá trình vận hành sử dụng, thiết bị đã nảy sinh ra các lỗi về phần cứng khiến máy hoạt động không đúng, đủ chức năng.
Việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn do tài liệu hướng dẫn hoàn toàn bằng tiếng Anh, đại diện của hãng Thunder của Mỹ lại không có tại Việt Nam để hỗ trợ. Nếu mời chuyên gia từ Mỹ sang Việt Nam để hỗ trợ, sửa chữa sẽ rất tốn kém. Sau khi nghiên cứu tài liệu kỹ thuật của máy và được sự hỗ trợ của chuyên gia kỹ thuật, anh Hoàng đã quyết tâm tự tay tiến hành thực hiện khắc phục sự cố của máy, với phương châm “vừa làm vừa học hỏi từ tài liệu”. Nhờ tinh thần quyết tâm và sự sáng tạo của anh, máy đã hoạt động ổn định, chính xác. Hiện nay, sáng kiến được áp dụng thường xuyên tại Trung tâm Đo lường góp phần duy trì hoạt động ổn định của thiết bị, giúp tiết kiệm được chi phí hơn 100 triệu đồng.
Một sáng kiến khác cũng chiếm nhiều thời gian và tâm huyết của anh là: “Nghiên cứu, chế tạo bộ đồ gá lắp đầu nối áp kế để kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo lường áp suất” được thực hiện năm 2018. Thiết bị tạo chuẩn áp suất được đầu tư trang bị năm 2010, dùng để hiệu chuẩn, kiểm định các phương tiện đo áp suất cho các đơn vị. Quá trình vận hành sử dụng, thiết bị xảy ra nhiều bất cập như việc kết nối, gá lắp từ thiết bị chuẩn đến các phương tiện đo áp suất còn thiếu nhiều; các đầu nối chuẩn đi kèm theo chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Vì vậy, trong quá trình kiểm định, các cán bộ của phòng đã phải chế tạo bổ sung nhiều đầu cút nối nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần.
Trước thực trạng đó, anh Hoàng đã ra ngoài thị trường tìm hiểu và thấy có rất nhiều hãng trên thế giới chế tạo các đầu cút nối theo tiêu chuẩn, tuy nhiên, giá một bộ khá cao (khoảng 67 triệu đồng). Không chịu “bó tay”, anh lại tranh thủ thời gian tìm tài liệu kỹ thuật, tiến hành đo đạc và thiết kế theo nguyên mẫu các bản vẽ kỹ thuật của từng đầu cút nối, sau đó chế thử nhằm kiểm tra tính năng hoạt động. Kết quả chế thử cho thấy về tính năng kỹ thuật và thẩm mỹ đều đạt được yêu cầu đặt ra. Khi thử nghiệm, việc kết nối thiết bị chuẩn và áp kế thông qua cút nối trơn tru dễ dàng, độ kín khít được đảm bảo, độ bền áp suất được duy trì, không thấy hiện tượng rạn nứt, đảm bảo an toàn về cơ khí. Từ thành công này, anh đã tiến hành chế tạo đầy đủ bộ gồm 50 chiếc đúng theo nguyên mẫu.
Ngoài hai sáng kiến tiêu biểu kể trên, trong nhiệm vụ chuyên môn, từ năm 2015 đến nay, Trung tá Nguyễn Thiên Hoàng đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Trong 5 năm, anh đã tham gia kiểm định các phương tiện đo, chuẩn đo lường cho Trung tâm và các đơn vị tại hơn 20 cơ sở với hơn 4.000 thiết bị trong lĩnh vực nhiệt, điện và áp suất. Ngoài ra, đã kiểm định đột xuất theo các nhiệm vụ, dự án như Dự án TNT của Z113; kiểm định cho hơn 500 phương tiện đo lường cho Dự án súng bộ binh tại Nhà máy Z111 để nghiệm thu và đưa vào sản xuất; kiểm định cho hơn 350 phương tiện đo lường thuộc Dự án I tại các đơn vị đảm bảo cho việc sản xuất của dây chuyền khí Nitơ ổn định.
Những năm gần đây, Viện Công nghệ được tiếp nhận rất nhiều thiết bị đo lường mới, hiện đại. Ngay sau khi được trang bị, anh đã cùng các đồng nghiệp nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật, sử dụng hiệu quả vào thử nghiệm sản phẩm như: Khối điện tử đầu tự dẫn tên lửa TL-01 dưới tác động thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột; kiểm tra và nghiệm thu chất lượng các sản phẩm đề tài cấp Bộ Quốc phòng: “Nghiên cứu chế tạo 5 loại sơn đặc chủng có hạn bảo quản ngắn phục vụ chế tạo, sửa chữa tên lửa phòng không tầm thấp”...
Ghi nhận sự nỗ lực, sáng tạo, hiệu quả trong công việc của anh, từ năm 2014 đến nay, Trung tá Nguyễn Thiên Hoàng đã được cấp trên nhiều lần khen thưởng, trong đó có 3 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các năm 2015, 2016 và 2018 cùng nhiều hình thức khen thưởng khác. Nói về những thành tích của mình, Trung tá Nguyễn Thiên Hoàng khiêm tốn cho biết: “Để có được kết quả đó, là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của thủ trưởng các cấp, sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của đồng nghiệp. Không có sự quan tâm, giúp đỡ ấy, bản thân tôi không thể hoàn thành khối lượng công việc như vậy”.