Cây thoát nghèo ở vùng cao xứ Thanh

Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, thực hiện có hiệu quả công cuộc xóa đói, giảm nghèo, những năm qua nhiều huyện miền núi trong tỉnh đã chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, cây nứa, vầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Người dân xã Sơn Thủy triển khai mô hình cây dược liệu.

Có thể nói, cây vầu như một món quà vô giá mà núi rừng ban tặng cho đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Quan Sơn. Loài cây này được xác định là cây kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Dinh, bản 79, xã Na Mèo là hộ có diện tích rừng vầu lớn nhất nhì xã. Với 6 ha đất rừng nghèo kiệt, năm 2010, ông Dinh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng vầu. Được sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ nông nghiệp về kỹ thuật trồng, chăm sóc nên rừng vầu đã phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ông Dinh. Theo tính toán, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Dinh thu nhập cả trăm triệu đồng.

Huyện Quan Sơn có diện tích rừng hỗn giao có cây nứa, vầu là 15.689,17 ha; rừng nứa, vầu 24.862,29 ha. Diện tích có nứa, vầu chiếm tới gần 49% diện tích rừng của toàn huyện. Để nâng cao giá trị cho cây nứa, vầu, cùng với việc tập trung giải pháp cải thiện năng suất, chất lượng, huyện Quan Sơn còn chú trọng gắn việc phát triển vùng nguyên liệu với chế biến; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp chế biến lâm sản, trong đó có các doanh nghiệp chế biến nguyên liệu nứa, vầu, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản. Bình quân, mỗi cơ sở sản xuất giải quyết việc làm cho 10-15 lao động, với mức thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài cây nứa, vầu, huyện Quan Sơn cũng đang hướng tới xây dựng mô hình trồng dược liệu theo chuỗi liên kết sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 100 ha cây dược liệu các loại, trong đó có khoảng 40 ha cây sa nhân, đinh lăng được trồng tại khu vực Vũng Cộp, xã Sơn Thủy và xã Trung Hạ được doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hàng chục ha cây nghệ vàng ở các xã Trung Hạ, Sơn Điện được doanh nghiệp tìm hiểu để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm...

Tại xã Yên Thắng (Lang Chánh) từ năm 2017 đến nay đang thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh cây vầu với quy mô ban đầu 25 ha, có 28 hộ dân tham gia. Xã Yên Thắng đã hướng dẫn cho các hộ dân thực hiện phát dọn vệ sinh rừng vầu, chặt bỏ cây sâu bệnh, già cỗi, tạo đất tơi xốp, tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng để cây phát triển. Nhờ đó, đến nay cây vầu phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, đến nay diện tích vầu ở xã Yên Thắng được mở rộng lên 60 ha, nhiều hộ thoát nghèo nhờ trồng vầu. Ví như gia đình anh Lò Văn Đáng, bản Ngàm Phốc, năm 2017 được cán bộ nông nghiệp xã hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật, ông đã quyết định chuyển đổi 2 ha cây keo sang trồng vầu. Sau hơn 3 năm chuyển đổi, diện tích vầu trên đã cho khai thác, đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Ông Đáng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 3 ha cây kém hiệu quả sang trồng vầu...

Thực tế cho thấy, việc xác định, phát triển cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện thực tế như huyện Quan Sơn, Lang Chánh là một hướng đi đúng, trúng. Nó không chỉ giúp bà con thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên khá giả.

Bài và ảnh: Xuân Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/cay-thoat-ngheo-o-vung-cao-xu-thanh/119224.htm