Cây thước kẻ uy quyền

Trong một lần hàn huyên cùng đám bạn thời tiểu học, chúng tôi chợt nhớ đến cô N-giáo viên chủ nhiệm năm lớp 2.

1. Quả thật, muốn ai đó nhớ lâu thì phải là rất được yêu mến hoặc ngược lại. Cô N. thuộc trường hợp thứ 2. Cô có những câu mắng học trò “bất hủ” khiến chúng tôi nhớ mãi, không phải bởi chúng sâu sắc, ý nghĩa mà bởi chúng quá… nặng nề.

Mỗi khi lớp ồn hay có ai đó làm bài không tốt, kèm theo mỗi câu la mắng của cô là một nhịp tay gõ mạnh chiếc thước kẻ gỗ to, dài lên bàn hoặc bảng đen. Tiếng thước vang lên khiến gần 40 thành viên trong lớp ngồi im thin thít. Không ít lần, để răn đe học trò hư, cô N. đã xếp các bạn thành hàng dài quay mặt vào bảng, rồi cầm cây thước kẻ vụt lần lượt vào mông từng đứa.

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Ảnh minh họa (nguồn internet).

2. Gần nhà có xưởng mộc nên tôi thường được giao việc chuẩn bị cây thước kẻ gỗ cho giáo viên chủ nhiệm vào đầu năm học. Cây thước kẻ dài 50-60 cm, bề dày khoảng 0,5 cm. Bác thợ mộc cũng trau chuốt, mài gọt, tỉ mỉ khắc từng milimet lên bề mặt thước, sau cùng là quét một lớp véc ni bóng loáng. Ngày ấy, nhiệm vụ của trực nhật lớp là đem thước kẻ của cô về nhà, hôm sau lại đem đến lớp cùng với khăn trải bàn và bình hoa. Cây thước kẻ ấy là dụng cụ đầy “uy quyền”, không chỉ để giáo viên kẻ bảng, căn hàng mà còn giúp ổn định lớp học, thỉnh thoảng giúp… trút cơn nóng giận. Việc kiểm tra vệ sinh thân thể đầu giờ luôn là nỗi ám ảnh của đám học trò ngày trước. Giáo viên cầm chiếc thước gỗ lướt qua từng đôi tay be bé đang xòe ra phía trước, chỉ cần thấy bị vấy bẩn, chiếc thước sẽ lập tức giáng xuống lòng bàn tay nghe đánh “chát”.

3. Những tưởng, tiếng thước kẻ ấy đã trở thành hoài niệm của rất nhiều thế hệ học trò. Thế nhưng, mới đây, khi tôi nói chuyện cùng con trai mình về điều gì con không thích nhất khi đi học, con liền nói: “Con không thích nhất là mỗi khi cô gõ mạnh thước kẻ xuống bàn. Con nghe vừa sợ vừa đau hết cả tai”. Tôi tin con mình nói thật, vì có một lần đến lớp của con, đứng ở bên ngoài, tôi vẫn cảm thấy 3 tiếng gõ thước uy quyền của cô lên bàn rõ mồn một. Lũ trò nhỏ mặt mũi lấm lét, tay khoanh lên bàn ngay lập tức và đôi mắt căng thẳng dõi theo nhịp của cây thước gỗ trong tay cô.

Vẫn biết “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, song việc ổn định lớp, răn đe bằng dùng cây thước kẻ đánh đòn dễ khiến học trò, đặc biệt là bậc tiểu học bị hoảng sợ, ám ảnh, không còn hứng thú với việc đến trường. Vì thế, ở góc độ của một phụ huynh, tôi mong rằng, các giáo viên sẽ có những cách xử lý một cách hợp lý, thay thế vật dụng ổn định lớp thân thiện, gần gũi hơn như xúc xắc, lục lạc, chiếc chuông nhỏ. Những chiếc thước kẻ gỗ cũng nên thay thế bằng thước kẻ nhựa (dùng để kẻ trên bảng) hay chiếc ăng ten có thể điều chỉnh độ dài ngắn để chỉ bài trên bảng. Dù rất nhỏ, song đó cũng là một yếu tố để góp phần tạo nên môi trường học tập thân thiện, đem lại hứng thú cho học sinh trong học tập, rèn luyện.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12504/202210/cay-thuoc-ke-uy-quyen-5792633/