Cây trái miệt vườn hóa rồng bay, phượng múa

Những năm gần đây, phong trào làm cổng cưới bằng lá dừa và trang trí họa tiết long - phụng (rồng, phượng) được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ, tàu lá dừa kết hợp với trái cây, hoa tươi miệt vườn tạo thành tuyệt tác độc, lạ đậm nét văn hóa vùng sông nước Cửu Long. Cổng cưới long - phụng mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện sự mong ước của gia đình hai bên về một cuộc hôn nhân viên mãn, hạnh phúc, hòa hợp và bền vững.

Nghề làm cổng cưới ở miền Tây bận rộn nhất là vào mùa cưới dịp cận Tết. Những ngày cuối năm, anh Trần Văn Ngọt (SN 1990, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cùng với đội làm cổng cưới tất bật với công việc. Trung bình mỗi tháng, đội của Ngọt làm từ 7 đến 10 cổng cưới bằng lá dừa, trang trí họa tiết rồng, phượng kết từ trái cây, hoa tươi.

Vào mùa cưới, đơn hàng của anh Ngọt tăng lên nhiều so với ngày thường. Anh Ngọt không chỉ nhận thiết kế cho khách hàng ở các tỉnh, thành miền Tây mà còn nhận các đơn hàng ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh phía Bắc. Gần đây, anh Ngọt còn nhận được đơn hàng của nhiều người nổi tiếng trong giới giải trí. Dù nhiều việc nhưng anh Ngọt rất cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng chi tiết của cổng cưới với mong muốn mang đến những gì tốt nhất cho cô dâu, chú rể trong ngày trọng đại. Cổng cưới được làm theo nhiều kích thước, kiểu cách khác nhau nhưng nguyên liệu chính vẫn là các loại lá, cây trái ở vùng quê, như: Lá dừa, lá khóm, cau kiểng...

Cổng cưới độc đáo với điểm nhấn đôi rồng, phượng kết bằng trái cây uốn lượn bên nhau.

Cổng cưới độc đáo với điểm nhấn đôi rồng, phượng kết bằng trái cây uốn lượn bên nhau.

Cổng cưới rồng, phượng đều làm hoàn toàn từ vật liệu tự nhiên, dân dã nhưng rất độc đáo bởi điểm nhấn đôi rồng, phượng uốn lượn bên nhau. Cách đây không lâu, đám cưới của đôi bạn trẻ ở xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) được nhiều người biết đến và chia sẻ trên mạng xã hội bởi chiếc cổng cưới khổng lồ với tạo hình rồng, phượng trang trí rất đẹp mắt, lộng lẫy, mang đậm nét đám cưới của vùng sông nước. “Cô dâu và chú rể tham khảo trước một số mẫu rồi lên ý tưởng, truyền đạt lại nhóm của tôi thực hiện. Cổng cưới cao 4m và dài 11m được lấy cảm hứng từ hình ảnh rồng, phượng uốn lượn và làm từ vật liệu chính là trái cau, lá khóm, hoa và lá dừa”, anh Ngọt chia sẻ. Đây là một trong số các cổng cưới lộng lẫy do đội của anh thực hiện. Chính vì sự đặc biệt này và “lâu lâu mới gặp một lần” cổng cưới như thế nên cô dâu, chú rể và gia đình 2 họ rất hãnh diện. Quan khách dự tiệc thì hết người này đến người khác cùng chụp ảnh check-in. Chị Lê Thị Thủy Tiên, một người bạn cô dâu tấm tắc khen: “Trước giờ tôi mới thấy một cổng cưới “độc, lạ” như thế. Từ những trái cau, lá dừa… mà những người thợ tạo nên cổng cưới có một không hai. Điều này cũng góp phần tô điểm cho ngày vui của cô dâu, chú rể”.

Theo anh Ngọt, tùy theo mỗi gia đình sẽ dựng cổng cưới có kích thước, kiểu cách khác nhau. Gia đình có điều kiện thì đầu tư cổng cưới cao, nhiều đường nét, trang trí đẹp mắt. Thời gian làm hoàn chỉnh cổng cưới khoảng 3 ngày và cần từ 5 đến 10 người tạo hình, lắp ráp, trang trí. Cổng cưới rồng, phượng có nhiều kích thước khác nhau. Cổng nhỏ chiều ngang 5m, cao 3m, còn cổng lớn chiều ngang 10m, cao khoảng 4m. Tùy vào kích thước, độ khó và khoảng cách địa lý, mỗi chiếc cổng cưới có giá dao động từ vài triệu đến hơn 100 triệu đồng.

Mâm ngũ quả với tạo hình rồng, phượng đẹp mắt.

Mâm ngũ quả với tạo hình rồng, phượng đẹp mắt.

Chất liệu dùng thiết kế cổng cưới rồng, phượng khá dễ tìm và gần gũi. Phần vảy của tạo hình rồng, phượng có thể làm từ trái cau kiểng, lá khóm, lá cây lưỡi hổ, mo cau. Tép tỏi được tách vỏ tạo hình răng, ớt sử dụng trang trí phần mắt, làm râu rồng... Để có tạo hình rồng, phượng bắt mắt, sống động, người thợ phải tâm huyết, tỉ mỉ. Mỗi công đoạn, người thợ đều làm rất kỳ công từ lúc tạo khung sườn cho đến gắn kết vật liệu phù hợp. Một cổng cưới rồng, phượng hoàn thành phải sử dụng đến 30kg ớt, 20kg đậu bắp và từ 40 đến 50kg cau kiểng. Anh Ngọt chia sẻ khó nhất là công đoạn làm mắt rồng, mắt phượng phải có hồn, thần thái, tạo ấn tượng mạnh.

Theo anh Ngọt, những khách hàng ở xa nên việc vận chuyển và bảo quản chất liệu cần có nhiều kỹ thuật để không bị héo, hư hỏng. Nguyên liệu tự nhiên nên phải đảm bảo độ tươi, người thợ không được làm sớm quá hay chậm mà cần phải đúng thời điểm. Sau khi hoàn tất các khâu, anh Ngọt cùng đội đưa đến nơi tổ chức lễ cưới để lắp ráp, trang trí hoa, lá thêm phần sinh động. “Chiếc cổng được thiết kế khủng nhất có chiều ngang lên đến 12m với hàng trăm kilôgam chất liệu và vận chuyển đến tận Đồng Nai. Quá trình làm cổng cưới này đòi hỏi người thợ phải kỳ công, tâm huyết”, anh Ngọt chia sẻ.

Để có thành quả như hôm nay, anh Ngọt kể đó là cả quá trình phấn đấu và không ngừng học hỏi trong nhiều năm liền. Xuất thân từ nhân viên làm thuê cho shop hoa nên chàng trai này sớm nhận thấy nhu cầu làm mâm ngũ quả, cổng cưới truyền thống được nhiều bạn trẻ ưa chọn. Anh Ngọt vừa làm công cho chủ vừa học hỏi để tích lũy thêm kinh nghiệm. 5 năm trước, anh Ngọt bước ra làm riêng và khởi nghiệp bằng nghề thiết kế cổng cưới truyền thống. Thời gian đầu, anh Ngọt gặp không ít khó khăn nên khi có thành quả anh cùng đội rất trân quý. Anh thường xuyên đăng tải hình ảnh cổng cưới do đội mình làm lên mạng xã hội để giới thiệu. Nhờ tỉ mỉ, khéo tay trong từng thiết kế nên cổng cưới của anh được khách hàng đánh giá cao và dần dần được nhiều người biết đến và đặt hàng.

Thuyền cưới được trang trí bằng lá dừa mang đậm nét văn hóa vùng sông nước miệt vườn.

Thuyền cưới được trang trí bằng lá dừa mang đậm nét văn hóa vùng sông nước miệt vườn.

“Hiện nay, mẫu cổng cưới rồng, phượng được ưa chuộng nhất, đây cũng là sự kết tinh giữa truyền thống và hiện đại. Trước đây, người dân miền Tây đã tự làm rạp cưới, cổng cưới bằng lá dừa. Chúng tôi nắm bắt xu hướng, tiếp thu học hỏi và sáng tạo thêm để làm mới lạ và hoành tráng hơn với mong muốn mang lại niềm vui cho những cặp đôi trong ngày trọng đại. Chúng tôi mong muốn lưu giữ nét đẹp xưa của cổng cưới truyền thống từ những loại cây, lá gắn bó với người dân vùng quê”, anh Ngọt nói.

Cũng như anh Ngọt, anh Võ Văn Tâm (SN 1986, ngụ xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã xây dựng thương hiệu “Cổng cưới lá dừa Tâm Võ”. Cổng cưới truyền thống được nhiều người trẻ ưa chuộng, trở thành tâm điểm để cô dâu chú rể cùng người thân, bạn bè, quan khách lưu lại những khoảnh khắc đẹp trong ngày trọng đại. Hai mẫu cổng được chọn nhiều nhất là cổng cưới lá dừa và cổng cưới rồng, phượng. Năm 2015, anh Tâm tình cờ được người bạn nhờ phụ làm cổng cưới truyền thống và được khen ngợi nên đam mê rồi quyết định khởi nghiệp với nghề này. Anh vừa làm, vừa tìm tòi học hỏi, sáng tạo thêm và hiện đang sở hữu hàng trăm mẫu cổng cưới. Trong lúc làm, anh Tâm tự tích lũy kinh nghiệm và sáng tạo thêm nhiều mẫu cổng cưới mới. Ngoài ra, anh còn làm mâm quả trang trí bàn thờ gia tiên với đủ hình dáng đẹp mắt và hoàn toàn từ nguyên liệu hoa, quả. Đặc biệt, anh còn sử dụng mô-tơ gắn vào để rồng, phượng tạo hiệu ứng cử động theo nhu cầu của khách. Không chỉ nhận làm cổng cưới ở các tỉnh, thành miền Tây, anh Tâm còn nhận làm tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc nên phải vận chuyển vật liệu làm cổng cưới, đi máy bay đến tận nơi lắp ráp cho khách hàng.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/cay-trai-miet-vuon-hoa-rong-bay-phuong-mua-i721154/