Cây trăm tuổi bật gốc, người dân xót xa mong 'hồn Thủ đô' sớm trở lại

Sau cơn bão số 3 (bão Yagi), hàng loạt cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ trăm tuổi ở Hà Nội bật gốc, ngã đổ, khiến người dân không khỏi ngậm ngùi.

Sau khi bão Yagi (bão số 3) - cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua - đổ bộ vào Việt Nam, gây ảnh hưởng tới Hà Nội chiều 7/9, hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến đường trong thành phố bị gió quật ngã, bật gốc, đổ rạp xuống đường. Cây cối, cành lá ngổn ngang, ảnh hưởng đến giao thông. Đặc biệt, trong số nhiều cây xanh bị đổ khắp thành phố, có những cây cổ thụ đã hàng trăm tuổi, gắn liền với ký ức của người dân địa phương.

Ký ức cổ thụ

Trong số những cây cổ thụ đổ gãy, có cây đề rất lớn ở cạnh Nhà máy bia Hà Nội trên đường Hoàng Hoa Thám. Theo anh Nguyễn Sĩ Hiến, 46 tuổi, người dân sống trên đường Hoàng Hoa Thám, cây đề này đã trên 100 năm tuổi, sớm nhất là từ thế kỷ 19. Anh Hiến cho biết, cây đề lớn, gốc chắc, phải 3-4 người vòng tay ôm mới hết, nhưng cũng không thể chịu nổi sức gió rất to.

Cây đề lớn ở ngoài Nhà máy bia Hà Nội bật gốc.

May mắn không có thiệt hại về người...

"Từ khi tôi sinh ra đến giờ, hơn 40 năm, mới thấy cơn bão to đến thế, rất kinh khủng, gió rít rất mạnh. Cơn bão này như thể 'tiêu diệt' cây đa, cây đề. Hầu như đợt này đổ toàn cây cổ thụ", anh Hiến cho biết. Rất may, thời điểm cây đổ là lúc 23h30 đêm 7/9, không có ai đi lại trong khu vực và cây cũng không đổ về phía nhà dân mà chỉ ảnh hưởng đến khu vực cổng Nhà máy bia Hà Nội.

Cũng theo anh Tùng, bảo vệ Nhà máy bia Hà Nội, thời điểm cây đổ đang có 4-5 người trong phòng bảo vệ, nhưng rất may cây không làm sập mái, không có thiệt hại về người. "Có 4-5 anh em làm trong này, nhưng may là nó không sập vào mái. Không có thiệt hại về người là nhẹ nhàng, vui vẻ rồi. Lúc đó hốt hoảng, sợ hãi, chỉ may không có ai chết".

Tại khu vực cây xăng ngã tư Hoàng Quốc Việt - Trần Cung, một cây cổ thụ rất lớn cũng bị bật gốc do ảnh hưởng bão. Theo ông Nguyễn Duy Lượng, 68 tuổi, người lao động đã gắn bó 20 năm trong khu vực, cây cổ thụ lâu năm này đã trở thành một biểu tượng tại đây.

Theo ông Lượng, cây đa lớn ở ngã tư Hoàng Quốc Việt - Trần Cung đã gắn bó, che bóng mát cho nhiều thế hệ cư dân ở đây.

Theo ông Lượng, cây đa lớn ở ngã tư Hoàng Quốc Việt - Trần Cung đã gắn bó, che bóng mát cho nhiều thế hệ cư dân ở đây.

"Là một người dân, tôi thấy cơn bão số 3 này quá khủng khiếp. Người dân ở đây coi cây đa này là biểu tượng. Cây tỏa bóng mát, che chắn cho dân. Ai đến đây cũng có bóng mát của cây vào những lúc nắng trời. Khi cây đa này đổ, cảnh quan môi trường ở đây cũng bị ảnh hưởng nhiều", ông Lượng trầm ngâm.

Cây đa lớn bật gốc, đổ ra đường ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Cây đa lớn bật gốc, đổ ra đường ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Tại công viên Bách Thảo - "lá phổi xanh" của Hà Nội, PV Báo điện tử VTC News cũng ghi nhận một cây lim rất lớn bị gió bão xô đổ. Với ông Sáng, 60 tuổi, thợ cắt tóc đối diện công viên, cây lim này là "vốn quý", không chỉ góp phần làm đẹp cho cảnh quan mà còn giúp môi trường, không khí trong khu vực được trong lành, mát mẻ. Ông Sáng rất bất ngờ khi cây lim to khỏe như vậy cũng không được những cơn gió giật khủng khiếp của bão số 3 "bỏ qua".

Cây lim rễ rất lớn trong công viên Bách Thảo cũng bị gió lớn xô đổ.

Cây lim rễ rất lớn trong công viên Bách Thảo cũng bị gió lớn xô đổ.

"Cây lim này rất to. Hôm trước gió bão, tôi cứ nghĩ nó không thể đổ, thế mà nó lại đổ. Không biết trồng bao nhiêu năm nữa mới được một cây như thế. Cây cũng phải gần trăm tuổi rồi, khi thấy nó đổ phải nói là tôi thấy đau xót. Từ khi tôi lớn lên đến giờ mới thấy trận bão lớn như vậy, giờ đi đâu trong thành phố cũng thấy tan hoang, còn cây cối đổ rạp hết...", ông Sáng xót xa chia sẻ.

Dù không phải người dân Thủ đô, nhưng hai mẹ con bà Thanh (56 tuổi) và chị Thảo (24 tuổi), quê Quảng Trị, cũng không khỏi cảm thấy xót xa trước cảnh tan hoang, cây cối bị tàn phá trong thành phố.

Dịp này, mẹ con chị Thảo đang có chuyến du lịch, thăm thú Hà Nội, không may lại gặp đúng lúc cơn bão số 3 ập đến. Bà Thanh kể, trước khi đến Thủ đô, hai mẹ con đã tranh thủ tìm hiểu những con đường đẹp của Hà Nội và mong muốn có những bức ảnh đẹp, lưu giữ kỷ niệm tại con phố Phan Đình Phùng. Nhưng khi đến nơi, đúng lúc có bão, cây đổ nhiều khiến hai mẹ con cảm thấy đáng tiếc.

Mẹ con chị Thảo gửi gắm lời chúc Thủ đô mau chóng "phục hồi".

Mẹ con chị Thảo gửi gắm lời chúc Thủ đô mau chóng "phục hồi".

"Cây bóng mát ở Hà Nội như là một phần hồn của thủ đô. GIờ thấy cây bóng mát đó bị bật gốc lên hết cả, tôi cảm thấy có chút gì đó xót xa, nhưng tôi tin rằng thủ đô sẽ rất mau chóng phục hồi", vừa giãi bày, bà Thanh vừa không quên gửi gắm đến Hà Nội.

Đồng tình với mẹ, chị Thảo cũng bày tỏ sự tiếc nuối với những con đường hoa biểu tượng của thủ đô và tin rằng những cảnh đẹp thơ mộng của Hà Nội sẽ mau chóng trở lại, trả về vẻ cuốn hút cho thành phố.

Người dân tiếc nuối khi chứng kiến cảnh "tan hoang" trên con đường hoa đẹp nhất Hà Nội.

Chuyên gia khuyến nghị trồng cây phải giữ rễ

Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm, TS thực vật học, Đại học Nông Lâm Huế, nhận định, cây bị gãy đổ do ảnh hưởng của siêu bão Yagi có hai dạng: cây cổ thụ và cây mới trồng.

Cây cổ thụ là cây được trồng từ vài ba chục năm trở lên, có cành nhánh phát triển vượt bậc, tạo tán đồ sộ, thân cây hoặc gốc cây không chịu được lực rung chuyển của tán khiến bị gãy cành, bong tước nhánh hoặc đổ cả cây.

Nhiều trường hợp do cắt tỉa không đúng kỹ thuật, không trám bít vết cắt sau cắt tỉa cũng khiến côn trùng, nấm bệnh và nước mưa xâm nhập lâu ngày gây rỗng ruột khiến cây dể gãy đổ khi có gió lớn, bão to.

Trong khi đó, cây mới trồng là do nôn nóng sớm định hình nên người trồng chọn cây quá lớn, khi bứng cây thì cắt hết rễ cọc, chỉ chừa một phần các rễ bên, nếu không thì phải bó bầu rất to và dài khó bề vận chuyển (cồng kềnh, chi phí gia tăng...). Vì vậy sau khi trồng, cây chỉ lấy nước và dưỡng chất qua hệ rễ ăn ngang, yếu ớt.

Hệ rễ này không đủ sức giúp cây bám chặt vào môi trường đất nên khi gặp gió to bão lớn cây không thể trụ vững, bật gốc ngã đổ là điều tất yếu. Chỉ cây nào có hệ thống chống đỡ chắc chắn mới có thể tồn tại.

Cây rễ thưa bị bật gốc sau bão.

Cây rễ thưa bị bật gốc sau bão.

Vị chuyên gia khuyến cáo, các cơ quan quản lý, đơn vị trồng cây xanh cần xem xét lại quy trình trồng, cắt tỉa và chăm sóc cây xanh đô thị.

"Cần cắt tỉa định kỳ hằng năm cho toàn bộ cây xanh, tốt nhất là cắt tỉa vào đầu mùa Xuân để cây đâm chồi nảy lộc, sinh trưởng khỏe. Không đợi đến khi nghe dự báo có bão mới cắt tỉa.

Cắt tỉa cây cũng phải đúng kỹ thuật. Không tạo mặt cắt nằm ngang và phải trám bít vết cắt để tránh tác hại của côn trùng, nấm bệnh và nước mưa. Cần thăm khám thường xuyên để phát hiện những cây bộng ruột, thối cành, thối gốc để kịp thời xử lý", ông Cẩm nói.

Ông Cẩm cũng nhấn mạnh khi trồng mới không nên trồng cây quá lớn (ngoại trừ có máy đào tạo bầu lớn không làm mất toàn bộ rễ cọc, có xe múc và vận chuyển ko làm vỡ bầu). Chỉ nên trồng cây con cao dưới 3 m, tốt nhất là 2 m, đường kính thân 5 - 7 cm, đồng thời phải bảo tồn bộ rễ bao gồm cả rễ cọc và rễ bên.

"Tuyệt đối không trồng trên đường ống ngầm dẫn nước cấp hoặc nước thoát", vị chuyên gia lưu ý thêm.

Thủ đô trở về nhịp sống trước bão

Cũng theo ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, vào buổi sáng ngày 9/9, chỉ có một xe bán hoa xuất hiện trên phố Phan Đình Phùng. Chính vì thế du khách nhanh chóng tiếp cận và xe hoa trở nên đắt hàng người check-in. Sau bão, nhịp sống thủ đô đã phần nào trở lại bình thường với những nụ cười rạng rỡ và niềm tin mới.

Sáng 9/9, khá đông người dân có mặt tại đường Phan Đình Phùng để chụp ảnh.

Ở phía bên kia đường, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực làm việc.

Ở phía bên kia đường, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực làm việc.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cay-tram-tuoi-bat-goc-nguoi-dan-xot-xa-mong-hon-thu-do-som-tro-lai-ar894758.html