''Cây trồng hiệu năng'' - những trăn trở mới
Ngành nông nghiệp cả nước nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng đang tiếp cận hướng phát triển mới nâng niu giá trị nông sản Việt, tối đa hóa doanh thu và tối thiểu hóa chi phí đầu tư, nhằm xây dựng và nhân rộng những vùng canh tác 'cây trồng hiệu năng' được ưu đãi bởi tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái. Đây không chỉ là những trăn trở mới từ người nông dân trực tiếp sản xuất mà còn đặt trách nhiệm đến các nhà hoạch định và điều hành chiến lược chuyển đổi bền vững từ chuỗi liên kết sang chuỗi giá trị, kết nối chặt chẽ cung - cầu.
Bài 1: Trái tim xanh giữa bao quanh nhà kính
Sau 3 năm trở lại Trang trại Cà phê Pacamara tọa lạc ngoài bìa rừng thông với 4 ha xanh ngát quanh năm giữa bao quanh nhà kính hoa hồng Vạn Thành, Phường 5, Đà Lạt, phóng viên ghi nhận bước chuyển đổi từ tư duy đến thực hành phương thức, kỹ thuật canh tác và vận hành dây chuyền chế biến, tiêu thụ hạt cà phê đặc sản ngon nhất thế giới đến với người tiêu dùng.
Rút ngắn khoảng cách giữa trang trại, nhà xưởng và quán cà phê
Gặp chủ nhân Trang trại Cà phê Pacamara Nguyễn Văn Sơn đang bước vào tuổi lục tuần vẫn cháy bỏng khát vọng nâng tầm cà phê đặc sản Đà Lạt trên bản đồ cà phê đặc sản thế giới, chuyển tải thông điệp tôn tạo bền vững môi trường thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa độ cao hơn 1.500 m của cao nguyên Lâm Viên. Thông qua hương vị thật và giá trị thật của hạt cà phê tinh túy thu hoạch trên từng hàng cây thuộc nguồn giống các chi, nhánh, họ của giống gốc cà phê chè Arabica quý hiếm, chủ nhân Sơn thổ lộ rằng, đời sống của cây cà phê không thể tồn tại giá trị đích thực khi chỉ “quần cư” chung với các chi, nhánh, họ thuộc giống loài đồng chủng của nó mà điều cần thiết tối ưu phải tương tác “cộng cư” hàng giờ, hàng ngày với các loài thực vật khác theo thế giới vận hành và phát triển của hệ sinh thái tự nhiên.
Nếu như 3 năm trước, những đoàn thực khách, lữ khách trong nước, ngoài nước trải nghiệm cà phê Pacamara hội tụ ở một không gian nhỏ hẹp vài chục mét vuông ở hẻm đường Lê Hồng Phong, Đà Lạt thì đến nay đã mở rộng phạm vi gần 200 mét vuông tại đầu làng hoa Vạn Thành, thuộc đường Hoàng Văn Thụ của thành phố này. Với khoản đầu tư một vài tỷ đồng đối với Trang trại Cà phê Pacamara được đánh giá là đáng kể, bởi nguồn vốn được tích tụ từ giải pháp tối ưu hóa giá trị sản phẩm của “cây trồng hiệu năng” hàng năm. Thưởng thức, đàm đạo và cảm nhận từng giọt cà phê ở đây - ở giữa bốn bề dây chuyền nhà xưởng mới theo từng chức năng bảo quản, sơ chế, chế biến cà phê hạt nhân và cà phê rang xay đặc sản chiết xuất, đã tiếp tục lôi cuốn phóng viên ngay từ giọt rơi tí tách, sóng sánh màu rượu vang đầu tiên nhỏ xuống đáy ly qua chiếc phễu giấy sinh học, mang sứ mệnh “giá trị thật, không bí quyết, chỉ đam mê” với hàng trăm hương vị trái cây, mật ong thiên nhiên dịu ngọt kết tinh kỳ diệu từ đất trời Đà Lạt. Ở bên trên khu vực pha cà phê là những bức tranh sắp đặt khắc ghi nguồn gốc các giống cà phê đặc sản thế giới đang đơm hoa kết trái quanh năm trên thổ nhưỡng tiềm năng Đà Lạt. Đó là “Cà phê Bourbon, một biến thể của cà phê Typia trồng tại đảo Réunion,...”, một hòn đảo nhỏ nằm trong Ấn Độ Dương thuộc lãnh thổ của nước Pháp; “Heirloom là giống cà phê Arabica không xác định được ADN”, “Typica được xem là nguồn gốc của giống cà phê Arabica hiện nay...”.
Chặt bỏ 5.000 cây cà phê quý hiếm để trồng cây che bóng
Không chỉ cảm nhận nghệ thuật trình diễn các hạt nhân cà phê đặc sản Arabica quý hiếm từ hệ thống nung rang khơi dậy hương thơm đến rang xay thành bột mịn và hòa quyện vào nước thành một thức uống đọng lại nhiều hậu vị ngon bậc nhất thế giới, Quán cà phê “giá trị thật, hương vị thật” đã nối liền Trang trại Cà phê Pacamara bằng đường ô tô chỉ hơn mười phút di chuyển từ khu vực đầu đến khu vực cuối làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt. Đặt chân theo tuyến đường kết nối sau 3 năm, phóng viên nhâm nhi đến hết lượt ly cà phê với nhiều chất liệu khám phá mới rồi thong dong đến trang trại ghi nhận hơn 5.000 cây cà phê quý hiếm giống gốc Arabica đã... chặt bỏ, bứng hết gốc rễ để tiêu hủy. Thay vào các vị trí đó được chủ nhân Nguyễn Văn Sơn bình tuyển trồng mới hơn 800 cây lâm nghiệp các loại như muồng hoa vàng, mắc ca; các loại cây ăn trái như hồng, chuối, mít; các loại thực vật có bộ rễ cạn như cỏ đậu phộng, sả java, hương thảo, viễn chí... để tạo thành một quần thể xanh đa dạng các loài, họ thực vật điều hòa ánh sáng, không khí, hỗ trợ dinh dưỡng cho cây cà phê đặc sản cho ra những mùa thu hái đạt giá trị cao nhất về kinh tế và bảo vệ các nguồn gien có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.
Cùng với đó, chủ nhân Nguyễn Văn Sơn đã chọn những mầm chồi các loại cây cà phê đạt hiệu quả sinh trưởng tối ưu nhất trong Trang trại Cà phê Pacamara thuộc giống gốc cà phê chè Arabica như: Typica, Pacamara, Caturra, Catuai, Bourbon... để ghép lên gốc cà phê cùng giống Arabica đang khỏe mạnh ở các khu vực khác trong vườn, đạt tỷ lệ ghép thành công từ 95% trở lên. Từ đây chủ nhân Nguyễn Văn Sơn thống kê số liệu “công dân cà phê đặc sản” trong Trang trại Cà phê Pacamara đến nay định canh khá khả quan gồm “3.000 cây Pacamara thực sinh hơn 16 năm tuổi, 5.000 cây cà phê Typica, Bourbon ghép mới; 2.000 cây caturra và caturai; 300 cây cà phê Mundo Novo; 32 cây cà phê Geisha của các nước Panama, Ethiopia, Colombia đều sinh trưởng tốt từ gieo hạt trồng mới...”. Trong đó, giá thị trường cà phê nhân thế giới vào thời điểm giữa tháng 6/2021 đạt 50 - 60 USD/kg giống cà phê Geisha của Ethiopia và Colombia, đặc biệt lên đến 2.000 USD/kg cà phê Geisha của nước Panama. Phần lớn số cây cà phê giá trị cao mới “du nhập” về ở đây đã thu trái bói trong niên vụ 2020 - 2021 vừa qua, mỗi cây trên dưới 1 kg hạt nhân...
Còn nếu hạch toán chung 4 ha diện tích cà phê đặc sản của cả Trang trại Cà phê Pacamara Đà Lạt từ 15.000 cây chặt bỏ 5.000 cây để trồng các loại cây che nắng, chắn gió, thu hút và xua đuổi côn trùng... đã thu về tổng sản lượng 2 tấn hạt nhân (niên vụ 2019 - 2020) và 2,8 tấn (niên vụ 2020 - 2021), tương ứng với tỷ lệ giảm 20 - 28% sản lượng canh tác theo giải pháp thông thường. Tuy nhiên, nhờ canh tác bồi đắp “trái tim xanh”, làm giàu dinh dưỡng hữu cơ trong đất, nên đã giảm hầu hết chi phí thuốc phòng trừ bệnh và phân bón hóa học; đồng thời, nâng cao các thành phần tinh chất cà phê đặc sản quý hiếm, gắn liền với quy trình chế biến tinh tại vườn và chiết xuất phục vụ trực tiếp khách hàng, kết quả mô hình “cây trồng hiệu năng” này đã thu về lợi nhuận cho Trang trại Cà phê Pacamara trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm. Nếu so sánh cao hơn khoảng gấp 5 lần trở lên đối với cây trồng cùng loại canh tác chú trọng quá nhiều mục tiêu về năng suất...
Bài 2: Lan tỏa danh phận nhà nông
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202106/cay-trong-hieu-nang-nhung-tran-tro-moi-3062640/