Cày view cho thần tượng - 'văn hóa' làm lệch lạc giá trị âm nhạc
Với người hâm mộ Kpop, cày view không còn là định nghĩa xa lạ. Fan coi thành tích lượt xem là chiến trường và nhiệm vụ của họ là tìm mọi cách để chiến thắng.
Từng có thời các MV Kpop trên YouTube chỉ có vài chục triệu lượt xem, nhiều nhất cũng chỉ trăm triệu view - con số thua xa các video ca nhạc của nghệ sĩ USUK.
Nhưng ngày nay, thần tượng Kpop có thể ưỡn ngực tự hào khi MV của họ liên tục chạm đến các cột mốc "khủng" như 500 triệu, 700 triệu hay hàng tỷ lượt xem. Người hâm mộ vui mừng tin rằng đây là thành công bước đầu trong công cuộc vươn lên sánh ngang các ngôi sao quốc tế của các nghệ sĩ xứ kim chi.
Nhưng, con số này có thực sự chứng minh được độ phổ biến và danh tiếng của thần tượng Kpop không? Hay như nhiều ý kiến dân mạng cho rằng đó chỉ là "con số vô nghĩa" và "công sức không ăn không ngủ của các cô cậu fan cuồng"?
Vậy, cày view có văn minh không?
"Văn hóa" cày view
"Cày view" là cụm từ quá đỗi quen thuộc với cộng đồng fan Kpop. Khó có thể xác định chính xác thời điểm định nghĩa này bắt đầu xuất hiện, nhưng người hâm mộ âm nhạc Hàn Quốc trong khoảng 5-6 năm trở lại đây hầu như đều ít nhất một lần tham gia cày view sản phẩm cho thần tượng.
Ngày nay, với người hâm mộ Kpop, cày view đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng, chỉ xuất hiện ở ngành giải trí xứ kim chi mà không hề xuất hiện tại các thị trường âm nhạc khác.
Với đối tượng fan quốc tế, fan không sống tại Hàn Quốc, họ không thể ủng hộ thần tượng bằng cách đi concert hay mua đĩa nhạc. Vì vậy, nhóm fan mặc định cách bày tỏ tình cảm tốt nhất còn lại chính là tăng lượt xem cho MV. Mỗi khi một thần tượng chuẩn bị trở lại với đường đua âm nhạc, người hâm mộ cũng sẵn sàng bước vào cuộc đua của riêng họ.
Trận chiến tăng view MV.
Vậy, cày view là gì? Hiểu đơn giản thì đó là hành động một người, hoặc một nhóm người xem đi xem lại để tăng view cho một video nào đó. Tất nhiên, ở thời đại công nghệ, chẳng ai có đủ thời gian để tự mình xem đi xem lại một MV. Cách làm này được đánh giá là lỗi thời lại không hiệu quả.
Thay vào đó, người hâm mộ có vô vàn thủ thuật để tăng view thật nhanh, thật nhiều mà vẫn không phạm luật. Trên mạng xã hội, không khó để tìm được những bài hướng dẫn cách tăng view cho thần tượng với các lưu ý cho fan tham gia "cày" như âm lượng phải luôn mở trên 50%, đảm bảo xem từ 1/3 thời lượng video trở lên, xóa cookies của trình duyệt sau số lần chạy video nhất định...
Thậm chí, các bài hướng dẫn này còn liên tục thay đổi theo từng tuần, từng tháng để đảm bảo lượng view đạt được không bị trừ bớt do sai phạm thuật toán.
Người viết bài từng tự mình trải nghiệm công cuộc cày view vào những năm 2014, 2015, 2019 và 2020. So với thời điểm cách đây 5 năm, "kỹ thuật cày" của fan Kpop có rất nhiều khác biệt, tinh vi hơn, chuẩn xác hơn và điên cuồng hơn - theo đúng nghĩa đen.
Cày view vốn xuất phát từ việc thể hiện tình cảm với thần tượng. Nhưng dần dà, những con số hiển thị phía dưới MV lại được coi như thước đo cho sự nổi tiếng của nghệ sĩ, độ thành công của sản phẩm. Vì vậy, fan bắt đầu ganh đua, tìm đủ mọi cách để nâng cao thành tích cho thần tượng.
Cuộc chiến không khoan nhượng của các fandom
Fandom là từ chỉ cộng đồng fan "cứng" của một nghệ sĩ. Với một số nhóm nhạc, fandom tập trung nguồn lực vào việc mua đĩa nhạc để tăng doanh số album thực cho thần tượng. Số này có thể kể đến fan Super Junior, DBSK, SNSD, Seventeen...
Bên cạnh đó, có những fandom khác không chỉ chi tiền mua đĩa nhạc mà còn tìm cách gia tăng danh tiếng cho thần tượng ở mảng lượt xem. Đại diện tiêu biểu của số này có thể kể tới BlackPink và BTS.
Tất nhiên, BTS vẫn là nghệ sĩ bán đĩa mạnh nhất Kpop hiện nay. Nhưng fan của nhóm không vì thế mà lơ là việc cày view MV. Mỗi lần nhóm nhạc 7 thành viên phát hành ca khúc mới, trên mạng xã hội lại tràn lan những bức ảnh khoe về "trình độ" cày view của fan.
Có nhóm fan thuê trọn quán net, có những người lại huy động hết tất cả máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử có kết nối internet của gia đình, bạn bè để cày view. Tất nhiên, mỗi thiết bị trên vẫn được áp dụng những thủ thuật như chạy tự động bằng phần mềm, mở nhiều tab nhiều trình duyệt, xóa cookies... như đã đề cập bên trên.
Hình ảnh fan Kpop tại Việt Nam bao trọn quán net để cày view cho thần tượng từng xuất hiện trên báo Hàn. Tờ Insight từng đăng tải hình ảnh nhóm fan phủ kín tất màn hình máy tính trong phòng net bằng MV của BTS và viết: "Những người hâm mộ đến từ Việt Nam đang nỗ lực thiết lập kỷ lục mới cho cho thần tượng".
Không chỉ fan BTS, người hâm mộ Black Pink, TWICE, SNSD, EXO hay bất kỳ nhóm nhạc nào khác của Kpop cũng không đứng ngoài guồng quay trên. Điểm khác biệt duy nhất là ở quy mô fandom. Fandom càng lớn, quy mô cùng sự "điên cuồng" khi cày view càng lớn, và ngược lại.
Từng có lời nhận xét rằng đây là thời đại fan "ăn YouTube, ngủ YouTube", ngày đêm gắn liền với thiết bị điện tử để cày view. Thay vì kể rằng mình yêu mến thần tượng thế nào, am hiểu âm nhạc của họ ra sao, người hâm mộ chuyển hướng sang so kè xem fandom nào chịu chi và tìm được cách tăng lượt view nhiều hơn.
"Thật khó để giải thích chỉ trong vài dòng ngắn gọn rằng tại sao người hâm mộ lại căng thẳng với việc cày view đến vậy. Có nhiều lý do khác nhau. Trước hết, việc này nhằm thể hiện độ hot của thần tượng, sức mạnh của fandom. Thêm vào đó, việc xếp hạng nhất trong các platform nhạc số, nhận được con số thành tích cao cho MV... đều giúp thần tượng có thêm cơ hội nhận giải thưởng cuối năm.
Ngoài ra, nhiều fan có tư tưởng rằng ''những đứa nhỏ (cách gọi thân mật với thần tượng - PV) sẽ buồn lắm nếu thứ hạng nhạc số và lượt view MV giảm sút", nhà báo Shin Min Jung viết cho tờ HanGyeoRe (tên miền: hani.co.kr) vào năm 2018.
Thành tích ảo đủ sức làm thước đo cho giá trị thật?
Nếu đặt câu hỏi liệu fan có nghe nhạc, xem hình trong khi cày view MV, thì ước chừng khoảng 80% lượng câu trả lời sẽ là không. Bởi hầu như những người hâm mộ tham gia vào trận chiến cày view này đều lựa chọn cách mở thật nhiều tab, để âm lượng trình duyệt thật lớn và tắt tiếng ở thiết bị để tránh ồn ào.
Ai có thể nghe tiếng, thẩm định chất lượng âm nhạc và hình ảnh khi có hàng chục, thậm chí cả trăm luồng âm thanh chồng chéo lên nhau vì mở nhiều trình duyệt cùng một lúc? Ai có thể tự tin đảm bảo rằng sản phẩm của thần tượng mình thực sự phổ biến với đại chúng khi phần lớn lượt xem MV là do fan tìm đủ mọi cách "cày".
Lượt view "khủng" trên YouTube chưa chắc đã tương đương với giá trị nghệ thuật và độ phổ biến trong công chúng Hàn Quốc. Bởi thực tế, nhìn vào bảng tổng kết giải thưởng cuối năm của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, những ca khúc có lượt xem áp đảo trên mạng hiếm khi được trao giải thưởng về chuyên môn.
Ví dụ, các sản phẩm của BlackPink đều có tốc độ tăng trưởng lượt xem rất nhanh, độ phổ biến ở quốc tế cũng lớn, nhưng 4 cô gái nhà YG chưa từng được vinh danh ở bất kỳ hạng mục nào liên quan đến doanh số album hay thành tích nhạc số ở các lễ trao giải trong nước.
BTS là nhóm nhận được nhiều giải Daesang cho doanh số đĩa cứng triệu bản, được vinh danh là nghệ sĩ của năm nhờ hoạt động năng nổ khắp thế giới. Nhưng khi hỏi khán giả xứ kim chi rằng họ ấn tượng ca khúc nào, thuộc lòng bài nhạc nào, thì câu trả lời vẫn luôn là IU, Tae Yeon, Zico, Bolbbalgan4... - những tên tuổi được tôn vinh là "quái vật nhạc số" và luôn "mất hút" trên mặt trận YouTube.
Gần nhất, nhóm nữ tân binh đa quốc tịch Secret Number khiến nhiều người chú ý khi có số liệu tăng trưởng lượt xem MV rất mạnh. Vừa ra mắt hôm 19/5, sau nửa tháng "chào sân" Kpop, nhóm thu được xấp xỉ 14 triệu lượt xem MV, 3,5 triệu lượt xem tiết mục trên đài Mnet và 1,4 triệu lượt xem video ghi hình cho đài KBS. Đây là những con số mà nhiều nhóm nhạc có thâm niên hoạt động vài năm cũng chỉ dám mơ ước.
Nhưng thực tế, đối với khán giả Hàn Quốc, Secret Number vẫn là một nhóm nhạc "nugu" - từ chỉ những tên tuổi vô cùng mờ nhạt, không ai biết tới.
Điều này một lần chứng tỏ ranh giới rạch ròi giữa thành tích ảo - lượt view trên mạng - với giá trị thật - chất lượng âm nhạc được chuyên môn và đại chúng công nhận. Đây cũng là điểm khác biệt giữa Kpop và nền âm nhạc USUK.
Nhưng, việc này không có nghĩa sản phẩm của BlackPink hay BTS, TWICE... không có đủ chất lượng hay không thực sự giành được sự quan tâm của khán giả. Bản thân MV của các nhóm nhạc trên đều được đầu tư mạnh về âm nhạc, hình ảnh và có sức hút tự nhiên nhất định đối với khán giả Hàn Quốc cũng như quốc tế. Đã có lượng view tự nhiên khá "khủng" so với mặt bằng chung Kpop nhưng fan của các nhóm trên vẫn cố gắng cày view để tăng thành tích cho thần tượng.
Chỉ số tình yêu hay thảm họa làm lệch lạc giá trị âm nhạc?
Công bằng mà nói, fan của các nghệ sĩ USUK không có khái niệm cày view.
Nhìn lại những ca khúc USUK có lượt view "khủng" nhất, phần lớn các MV này đều đến từ những nghệ sĩ không tồn tại khái niệm "fandom" hay "kéo view cho MV".
Ví dụ, siêu hit Despacito - ca khúc "làm mưa làm gió" khắp nơi năm 2017 - đang ở mốc 6,8 tỷ lượt xem. Shape Of You của Ed Sheeran sở hữu 4,9 tỷ lượt view, See You Again (Wiz Khalifa ft Charlie Puth) có 4,6 tỷ view, Uptown Funk (Bruno Mars) cũng có 3,9 tỷ view. Gangnam Style - bài hát gây "bão" toàn cầu vào năm 2012 - cũng đang đứng thứ 7 trong danh sách những ca khúc được xem nhiều nhất mọi thời đại với 3,67 tỷ lượt view.
Từ những ví dụ trên có thể thấy rõ ràng những MV USUK sở hữu hàng vài tỷ lượt xem chắc chắn phải là ca khúc có độ phổ biến ở mức toàn cầu, hoàn toàn không tăng trưởng lượt xem nhờ chiến dịch cày view như những ca khúc Kpop.
Và khán giả nghe nhạc đại chúng, người hâm mộ USUK tỏ ra khá hoang mang, khó hiểu trước văn hóa cày view của fan Kpop. Trên trang Reddit, không thiếu những chủ đề bàn luận về việc này. "Cày view có phải là việc làm đúng đắn", "Cần lo lắng về văn hóa cày view của fan Kpop" hay "Có phải mình tôi cho rằng cố gắng kéo view cực đoan như fan Kpop là việc làm thảm họa?"... là một số tiêu đề có thể tìm thấy dễ dàng trong các diễn đàn mở của khán giả quốc tế.
Đối với nền giải trí đã được quy hoạch thành ngành công nghiệp không khói như ở Hàn Quốc, mọi con số liên quan đến nghệ sĩ như doanh số album, lượt xem, số hợp đồng quảng cáo... đều là nền tảng để đánh giá vị thế của nghệ sĩ.
Gói gọn trong cộng đồng Kpop, cày view có thể là chuyện "thường ngày ở huyện", là điều fandom nào cũng làm và là một chỉ số tình yêu fan dành cho thần tượng. Thì trái lại, đối với khán giả đại chúng - những người chỉ nghe âm nhạc như sở thích đơn thuần, cày view lại xem là một nét "văn hóa" kém đẹp, không văn minh.
Hành động "cày" để lấy con số view khủng này được cho là khiến người hâm mộ cũng như nghệ sĩ lạc lối giữa các thành tích ảo mà quên đi giá trị nghệ thuật thực của một tác phẩm âm nhạc.