Cây xanh cũng cần quy hoạch

Thủ đô Hà Nội vẫn luôn được gọi là thành phố xanh với những hàng cây rợp bóng mát, tuy nhiên cùng với quá trình đô thị hóa, mở rộng diện tích, đến nay tỷ lệ cây xanh đô thị của Thành phố mới đạt khoảng 2m2/người, trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt tối thiểu phải là 6-7m2/người. Bài toán này đòi hỏi Thành phố cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển hệ thống cây xanh, đặc biệt là công tác 'quy hoạch'.

Vẫn còn tồn tại

Đại lộ Thăng Long dài 28 km, rộng 140 m, gồm: hai dải đường cao tốc, mỗi chiều 3 làn xe; hai dải đường đô thị 2 làn xe; dải phân cách giữa; hai dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè. Con đường có vai trò quan trọng trong phát triển Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh.

Điểm nhấn nổi bật của con đường này chính là nhiều loại cây với các tầng khác nhau như: hồng mai, bạch trinh, lài tây, dâm bụt, chuối hoa, tường vy, muồng hoa vàng, cúc tần rủ Ấn Độ... Đây là kết quả từ nỗ lực “xanh hóa” từ năm 2016 của Thủ đô với khoảng 45.000 cây xanh. Giờ đây, dải đất trống 98ha như mỗi mảng xanh nối dài từ Ba Vì về đến trung tâm Vành đai 3 góp phần giảm tiếng ồn, đặc biệt là cải thiện chất lượng không khí.

Hàng cây được trồng mới góp phần tạo nên cảnh quan đô thị xanh mướt.

Hàng cây được trồng mới góp phần tạo nên cảnh quan đô thị xanh mướt.

Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã liên tiếp cho trồng mới hàng vạn cây xanh. Tại các đường phố, hễ chỗ nào có cây lâu niên bị đổ thì lập tức chỗ đó, một cây con khác được trồng thay thế. Không ít đường phố được nâng cấp, mở rộng, ở 2 bên đường được trồng mới nhiều loại cây xanh.

Những con đường mới mở sau này, mang vóc dáng hiện đại như đường Phạm Văn Đồng, đường Phạm Hùng, đường Lê Đức Thọ, đường Hoàng Quốc Việt, đường Võ Chí Công, đường Võ Nguyên Giáp…, dọc 2 bên các đường phố này, những hàng cây dù vẫn chưa đem lại bóng mát “hiệu quả” nhưng cũng đã tạo ra màu xanh tươi dịu mắt…

Theo ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội, trên các tuyến đường phố thuộc địa bàn 12 quận nội thành và 17 huyện, thị xã Sơn Tây, khối lượng quản lý theo phân cấp của đơn vị là 2,4 triệu m2 thảm cỏ, cây mảng, hàng rào, hoa lưu niên, cây cảnh; 1.500m2 hoa thời vụ; khoảng 194.000 cây bóng mát, 510.000 cây keo, tràm, bạch đàn trên 644 tuyến đường phố của 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây.

Qua số liệu thống kê chưa đầy đủ, UBND cấp huyện quản lý khoảng 460.900 cây tại các địa bàn còn lại. Ngoài ra, theo thống kê trên địa bàn 12 quận có hơn 8.000 cây cổ thụ (có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,3 m của cây) gồm các loài chủ yếu như: bàng, bằng lăng, chẹo, đa, lan, lát hoa, lim xẹt (muồng thẫm), long não, muồng đen, hoa sữa, sao đen, sấu, sưa, xà cừ, phượng vĩ...

Tuy nhiên, việc trồng, phát triển cây xanh đô thị trong thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, giai đoạn vừa qua, thành phố đã trồng nhiều cây có đường kính lớn (trên 20 cm) do đó khi đánh từ vườn ươm, bộ rễ chính của cây bị ảnh hưởng, phải sử dụng cọc chống trong thời gian dài.

Việc một số đơn vị chưa xử lý kịp thời trường hợp cọc chống bị bung vòng thép, đai thép siết chặt vào thân cây... cũng đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây. Bên cạnh đó, việc lựa chọn thí điểm một số loài cây trồng chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị, gây dư luận không tốt.

Cần quy hoạch cụ thể

Theo tìm hiểu, việc quản lý hệ thống cây xanh được thành phố thực hiện theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị và Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND ngày 28/2/2023 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn.

Theo quyết định, Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị; trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp thành phố quản lý.

UBND các quận, huyện, thị xã trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp huyện quản lý theo phân cấp. Nhìn chung, việc thay thế, trồng bổ sung triển khai còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa thực hiện tổng thể.

Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam, mặc dù gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển cây xanh đô thị nhưng chỉ số về tiêu chuẩn đất cây xanh của thành phố Hà Nội còn thấp, chưa đạt 50 cây/km. Với chỉ số này, khoảng cách cây xanh trung bình đang là hơn 20 m là khoảng cách quá xa cho tiêu chuẩn trồng cây đường phố. Khoảng cách trồng cây tiểu mộc, trung mộc và đại mộc lần lượt là: 4 - 8m, 8 - 12m và 12 - 15m.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội vẫn chưa có danh sách chính thức quy định về các loại cây bóng mát trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trong khu đô thị. Điều này đã khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động trồng, thiếu cơ sở cho việc xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác trồng cây đô thị.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng để có được mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh, phát huy được tác dụng, cần quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh trên địa bàn Thành phố; Quy hoạch mạng lưới cây xanh cho từng quận, huyện và những khu đô thị mới; Quy hoạch thiết kế trồng cây xanh, dựa trên phân loại các đường phố trong khu đô thị mới… Ngoài ra, Thành phố cần sớm ban hành định mức kỹ thuật và giá dịch vụ công ích cho công tác quản lý, giám sát duy tu, duy trì hệ thống cây xanh đô thị, cơ chế và giá đền bù chặt hạ, di chuyển cây xanh.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cay-xanh-cung-can-quy-hoach-175582.html