Cây xanh gãy đè chết người, ai chịu trách nhiệm?

Trường hợp đơn vị quản lý cây xanh không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây gãy đổ gây ra thiệt hại thì đơn vị này phải bồi thường.

Tối 13/6, một cây xanh trước địa chỉ 202 Tô Hiến Thành thuộc quận 10, TP.HCM bị tét nhánh. Cành cây ở độ cao gần 10 m đổ xuống đường đè trúng một người đàn ông chạy xe máy khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Việc cây xanh trên phố gẫy đổ khi giông bão làm chết người và hư hỏng tài sản không còn là chuyện hy hữu. Nó trở thành mối lo ngại với người dân mỗi khi lưu thông trên đường mùa mưa bão. Vậy trách nhiệm trong những vụ việc này thuộc về ai?

Đơn vị quản lý cây xanh không vô can

Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Ngọc Việt (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị cũng quy định cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.

 Cây xanh bị tét nhánh trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM đổ xuống đường. Ảnh: An Huy.

Cây xanh bị tét nhánh trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM đổ xuống đường. Ảnh: An Huy.

"Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM là đơn vị dịch vụ công ích được UBND TP giao nhiệm vụ trồng cây, quản lý và chăm sóc cây xanh, họ phải là người có trách nhiệm biết trước mùa thiên tai, mưa bão đến gần và tiến hành chặt, tỉa cành những cây có nguy cơ gãy đổ cao, không thể để những tai nạn như thế này gây thương vong, thiệt hại cho người dân thành phố", luật sư Việt nêu quan điểm.

Theo luật sư, trong trường hợp đơn vị quản lý cây xanh không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây gãy, đổ gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo Điều 590, Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Trong những trường hợp này, người bị thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường, căn cứ vào mức độ thiệt hại gồm tài sản, tính mạng, sức khỏe... Nếu không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Không phải bồi thường nếu là sự kiện bất khả kháng

Tuy nhiên trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

 Cây gãy đổ gây thiệt hại cả về người và tài sản. Ảnh: Lê Hiếu.

Cây gãy đổ gây thiệt hại cả về người và tài sản. Ảnh: Lê Hiếu.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ… hay không).

Trường hợp họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể xem đó là sự kiện bất khả kháng. Lúc này, đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh không phải bồi thường thiệt hại.

Ngược lại, nếu cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh chưa áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn thì không được xem là do bất khả kháng. Trách nhiệm bồi thường vẫn sẽ phát sinh như đã phân tích ở trên.

Tuy nhiên, theo các luật sư, trong các vụ việc cây xanh gãy gây thiệt hại cho người đi đường, phía công ty cây xanh nên phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ phần nào đó cho gia đình nạn nhân.

Hoài Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cay-xanh-gay-de-chet-nguoi-ai-chiu-trach-nhiem-post1095802.html