Cây xanh trong trường học đến lúc không thể chủ quan
PTĐT - Mới đây, sự việc cây phượng vĩ ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) bật gốc, đè vào nhóm học sinh khiến một học sinh tử vong và nhiều học sinh khác bị thương ...
PTĐT - Mới đây, sự việc cây phượng vĩ ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) bật gốc, đè vào nhóm học sinh khiến một học sinh tử vong và nhiều học sinh khác bị thương hay cây phượng cao to trong khuôn viên một trường tiểu học ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai bật gốc, may mắn vào thứ bảy lúc học sinh nghỉ học nên không có tai nạn xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tăng cường quản lý hạ tầng cây xanh tại các trường học trên địa bàn cả nước, trong đó có tỉnh Phú Thọ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trong khuôn viên các trường học trên địa bàn tỉnh đều có các loại cây xanh tạo bóng mát. Đặc biệt, ở những trường lâu năm thường có cả cây cổ thụ. Việc trồng cây xanh trong khuôn viên trường học có nhiều tác dụng, không chỉ hình thành cảnh quan, tạo bóng mát, phục vụ cho các hoạt động ngoại khóa mà còn góp phần xây dựng cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thời gian năm học này kéo dài hơn so với mọi năm, khoảng giữa tháng 7, vào mùa mưa bão, sự hiện diện của hệ thống cây xanh trong khuôn viên các trường học, nhất là những cây lâu năm cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với giáo viên, học sinh.
Là một trong những trường có nhiều cây xanh, tạo cảnh quan bóng mát trong trường học, nhiều năm học gần đây, Trường THCS Nông Trang, thành phố Việt Trì vừa chú trọng việc chăm sóc, bảo vệ vừa triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh. Thầy giáo Trần Đình Đậu- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2018-2019, trong khuôn viên nhà trường có 2 cây phượng khá to, một cây rễ đâm xiên làm nứt tường rào, cây còn lại già cỗi nên trường đã phải chặt hạ, xây lại tường rào và trồng cây mới. Hiện nay, trong khuôn viên trường có nhiều cây xanh nhưng không có cây cổ thụ, chủ yếu là cây lát và cây bàng. Đây là những cây có rễ cọc, ăn sâu vào lòng đất nên đảm bảo an toàn. Thầy Đậu cho biết thêm, hàng năm, nhà trường đều tổ chức cắt tỉa cây bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Tuy nhiên, ở 2 bên cổng trường hiện có 2 cây xà cừ cổ thụ, đường kính khoảng trên dưới 1m do đô thị quản lý. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là trong mùa mưa bão, nhà trường đã xây bó gốc, tạo mỹ quan trường học, làm công văn đề nghị UBND phường, UBND thành phố cho cắt tỉa và đã được đô thị thành phố chặt tỉa cành. Tuy nhiên, tuyến đường Nguyễn Du trước cổng trường có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông đông đúc sẽ tiềm nguy cơ mất an toàn, do vậy về lâu dài, nhà trường mong muốn cơ quan có thẩm quyền nên thay vào đó cây trồng mới phù hợp hơn.Với đặc điểm là ngôi trường chuyên biệt, học sinh ở ký túc xá đông nên Trường THPT Chuyên Hùng Vương có diện tích rộng gần 3,7ha, cây cối được hình thành trước những năm 1990, trong đó có nhiều cây cổ thụ. Qua nhiều thế hệ giáo viên, học sinh tham gia trồng, chăm sóc nên hệ thống cây xanh của trường thân thiện với tự nhiên và môi trường. Theo chia sẻ của TS Phạm Tuấn Anh- Hiệu trưởng nhà trường, để đảm bảo an toàn trong trường học, nhất là vấn đề liên quan đến cây xanh lâu năm, hằng năm, nhà trường chú trọng chăm sóc, cắt tỉa trước mùa mưa bão. Vừa qua, 2 cây phượng già cỗi, tán rộng, mọc nghiêng gây mất an toàn nên trường đã chặt hạ. Hiện hệ thống cây xanh của nhà trường đã được kiểm tra, chăm sóc kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.Các Phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn trường học ngay từ đầu năm học. Ông Nguyễn Tân Sơn- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê cho biết: Trong mỗi cuộc họp với cán bộ quản lý các nhà trường, Phòng đã yêu cầu các nhà trường đôn đốc kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trong đó có chỉ đạo về công tác quản lý cây xanh, thường xuyên cắt tỉa cành, gia cố phần gốc cây, bảo đảm cây xanh sinh trưởng và phát triển tốt. Với các cây to lâu năm, yêu cầu quan sát, kiểm tra theo dõi phần thân, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý với những dấu hiệu bất thường, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.Được biết, Sở GD&ĐT đã triển khai Kế hoạch 66 về xây dựng “Trường học an toàn - thân thiện - bình đẳng”, trong đó có nội dung yêu cầu khuôn viên được bố trí hợp lý, khoa học, có trồng cây xanh (cây bóng mát, cây cảnh, thảm cỏ, bồn hoa…) phù hợp với quy hoạch và cảnh quan chung nhà trường; không trồng những cây có vỏ, lá, hoa, quả chứa chất độc hại, các cây cao, cổ thụ ở sân trường được chặt tỉa cành trước mùa mưa bão, có rào chắn hoặc nội quy để học sinh không leo trèo. Theo chỉ đạo của ngành, các nhà trường cần có sự kiểm tra, xem xét, đề xuất trồng thay thế các cây lâu năm, cây có đặc tính rễ yếu bằng các cây trồng có cấu tạo rễ mọc sâu; cần có sự quan tâm đặc biệt đối với sự an toàn cho học sinh, đừng để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” như ở địa phương khác đã từng xảy ra.