CDC Mỹ nói về đào tạo 'thám tử' bệnh tật ở Đông Nam Á
Theo giám đốc CDC Mỹ tại Đông Nam Á, chương trình đào tạo 'thám tử' phát hiện bệnh tật đã được triển khai ở 10 nước ASEAN và sẽ tiếp tục được thúc đẩy.
Tại lễ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) ở Hà Nội ngày 25/8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết nước này đang đào tạo các "thám tử" phát hiện bệnh tật, và chương trình này đã được triển khai ở châu Á từ những năm 1980.
Trả lời câu hỏi của Zing về chương trình này, Giám đốc Văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á, tiến sĩ John MacArthur, cho biết đây là chủ đề mà ông rất quan tâm.
"Đây thực sự là một chương trình cực kỳ quan trọng đối với lực lượng y tế... vì đây là chương trình đào tạo những nhà dịch tễ học phản ứng lại với các đợt bùng phát dịch bệnh", giám đốc CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á nói trong buổi họp báo qua điện thoại sáng 27/8.
Ông cho biết những chuyên gia này được gọi là "thám tử" phát hiện bệnh tật vì công việc của họ có thể được mô tả kiểu như: Họ nhận được cuộc gọi từ ai đó cho biết có hiện tượng bất thường xảy ra ở làng này hay huyện kia, rồi họ đi đến đó dù không biết sẽ phải đối mặt với chuyện gì.
"Nhưng họ có kỹ năng và kiến thức được đào tạo để bắt đầu quy trình xác định nguyên nhân tiềm ẩn làm bùng phát dịch bệnh", ông MacArthur nói.
Sau đó, họ sẽ làm việc với các cố vấn, phòng thí nghiệm, với CDC và Bộ Y tế để phân tích tình hình và đưa ra chiến lược giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ông nói thêm.
Giám đốc CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á cho biết ông vui mừng và tự hào khi một trong những nhân sự cấp cao của văn phòng này là cố vấn kỹ thuật của chương trình nói trên.
"Với sự thành lập của Văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á... chúng tôi sẽ tích cực làm việc với các đối tác để tăng cường hơn nữa, và đảm bảo tính bền vững của chương trình này", ông MacArthur khẳng định.
Cũng theo giám đốc CDC Mỹ tại Đông Nam Á, chương trình này đã bắt đầu từ những năm 1980 tại Thái Lan, và là chương trình đào tạo dịch tễ học đầu tiên bên ngoài Bắc Mỹ.
Hiện nay, chương trình đã phát triển khắp khu vực, bao gồm cả 10 quốc gia thành viên ASEAN, giúp "mở rộng" và tăng cường lực lượng nhân viên y tế công tại các nước.
Chương trình có nhiều loại học hổng với thời lượng khác nhau, ở các cấp khác nhau, kéo dài từ 6 tháng cho tới hai năm. Ngoài ra, các nhân viên y tế tuyến đầu cũng có thể được đào tạo trong khoảng 2-4 tuần.
"Ví dụ như ở Thái Lan, hàng nghìn nhân viên tuyến đầu đó đã trở thành 'thám tử' tìm kiếm các hiện tượng y tế bất thường, cho dù đó là ca mắc Covid-19, hay cúm gia cầm, hoặc Zika và các loại bệnh khác", ông MacArthur nói.
Văn phòng CDC Mỹ tại Đông Nam Á mới được thành lập ngày 25/8 tại Hà Nội. Đây là 1 trong 4 văn phòng khu vực trên toàn thế giới.
Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, văn phòng này sẽ ưu tiên bảo đảm công tác phối hợp đồng bộ ứng phó trước các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng thông qua mạng lưới các Trung tâm Điều hành ứng phó Khẩn cấp, và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi và có nguồn gốc từ động vật.