CEO HACOOCHA: Đừng nghĩ đến thương hiệu riêng lẻ mà cùng nghĩ đến việc vươn tầm cho trà Việt
Những người yêu mến trà Việt không còn quá xa lạ với thương hiệu Hacoocha. Đi liền với nhãn trà này là hình ảnh Shark Hưng (doanh nhân nổi tiếng trong show truyền hình Shark Tank Việt Nam) nhưng ít người biết rằng người 'thổi hồn' vào những phẩm trà quý của Hacoocha là CEO Nguyễn Thu Trang.
Dù quen biết với Shark Hưng khá lâu và biết doanh nhân này đã làm trà được gần chục năm nhưng đây là lần đầu tôi ghé qua “trà thất” (phòng nhỏ được thiết kế với các phong cách khác nhau để uống trà) của anh. Vì đã có hẹn trước nên tôi được tiếp đón bởi một “trà nương” (người phụ nữ am hiểu về trà và biết cách pha trà) đặc biệt là CEO Hacoocha – Nguyễn Thu Trang và cũng là vợ của Shark Phạm Thanh Hưng.
Đây là lần đầu tiên tôi đi uống trà tại phòng mà có trà nương hỗ trợ nên khá bỡ ngỡ. Tôi cũng thú nhận với vị ‘trà nương” đặc biệt này rằng mình cũng chỉ mới tập uống trà và chưa nhiều kinh nghiệm trong việc chọn lựa cũng như pha trà.
Trang chia sẻ, thông thường các phẩm trà cổ thụ sẽ chia làm 2 phẩm chính là trà "đãi khách" và trà "đãi chủ". Trà đãi khách thường 2, 3 nước đầu là đã phải thơm ngon rồi vì người khách sẽ không có thể ngồi với mình quá lâu để thưởng thức hết nước được. Còn trà đãi chủ thường phải đến 4, 5 lần nước trà mới ngon. Ví dụ như phẩm bạch trà Kim Quang Đính của bên em phải đến bước thứ 8 nó mới ngon. Nếu mang ra đãi khách thì sẽ hơi thất lễ vì có thể khách không đủ thời gian để thưởng thức hết phần tinh hoa của trà được.
Ngay sau phần giới thiệu ngắn, trà nương lựa chọn cho tôi phầm hồng trà với cái tên rất hay là Lôi Thiên Mã (Thunder Horse) đây là phẩm trà đãi chủ vì tôi nói rằng mình sẽ ở đây khá lâu để nghe và học về trà.
Trong thời gian vị trà nương đặc biệt kia chuẩn bị trà, nước tôi có tham khảo nhanh một số thông tin thì thấy nói nhiều đến việc Nguyễn Thu Trang là 1 Á hậu cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài và vợ Shark Hưng nhiều hơn là đến những gì cô đang làm.
Khi trở lại và nhận được câu hỏi trực diện của tôi về những kiến thức cũng như sự am hiểu của mình về trà thì Trang cũng thẳng thắn chia sẻ: “Mặc dù ở châu Âu từ bé nhưng em thích nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Em được biết văn hóa uống trà có ở nước mình từ rất lâu nhưng sau nhiều năm đã bị mai một đi rất nhiều. Trước đây, khi đất nước còn khó khăn gánh nặng cơm áo gạo tiền được đặt lên cao thú ‘thẩm trà’ thường chỉ dành cho giới tinh hoa và không được truyền thụ lại cách đầy đủ và bài bản. Ngoài ra, em cũng là một người tu tập thế nên dùng trà đối với em như là một cách thiền hay là một thứ để giao lưu kết nối một cách đúng nghĩa. Anh có thể để ý rất ít khi uống trà mà chúng ta cầm điện thoại liên tục. Điều này rất khác khi uống cà phê hay bia, rượu”.
Chúng ta bây giờ thường quá bận rộn với công việc mà thường ít chú ý đến những sự kết nối đúng nghĩa. Trà là phương tiện tạo ra sự kết nối giữa người với người, giữa mình với ta.
Nếu anh uống trà độc ẩm (uống 1 mình) là để quay về với bản thân, với nội tâm, ngồi nhâm nhi chén trà với thân - tâm - ý, quán chiếu chén trà với đầy đủ sự tập trung, hiểu được chính mình, để cảm nhận hạnh phúc bình yên, nhẹ nhàng đến từ bên trong.
Trà đối ẩm (uống 2 người) là lúc mình cùng người đối diện gắn kết với nhau thông qua chén trà. Khi tâm trí và thời gian của chúng ta đang bị chi phối bởi thế giới mạng, bởi công nghệ, bởi các tiêu chuẩn của xã hội thì con người lại dường như bỏ quên cách giao tiếp với nhau. Hãy cùng ngồi xuống, đặt điện thoại sang 1 bên, pha 1 ấm trà, mời nhau từng tuần nước, cũng là lúc mình có mặt cho nhau 1 cách trọn vẹn nhất.
Còn nếu anh uống trà từ 3 người trở lên (quần ẩm) lại khiến câu chuyện trên bàn trà trở nên phong phú, với những màu sắc trải nghiệm mới mẻ, nhâm nhi chén trà cùng nhau, trải lòng với nhau, lắng nghe và hiểu cho nhau, Trang chia sẻ.
Sau những kiến thức được chia sẻ của vị trà nương này tôi thấy những kiến thức của mình như hạt cát trong cái biển mênh mông của văn hóa uống trà. Khi được hỏi về lợi thế cạnh tranh của Hacoocha với các đối thủ làm trà cổ thụ khác thì vị CEO này cho biết: “Thông thường mọi người sẽ nghĩ rằng chúng em cạnh tranh nhưng không hoàn toàn đúng đâu. Ví dụ như bên em và chỗ anh Hiếu (Đào Đức Hiếu – PV) cùng làm trà cổ thụ nhưng vùng nguyên liệu khác nhau, phẩm trà khác nhau và đặc biệt là đối tượng khách hàng cũng khác nhau. Cá nhân em coi nhưng người làm trà trong nước là những bạn đồng hành để lan tỏa văn hóa và thương hiệu trà Việt hơn là đối thủ”.
Nhiều doanh nghiệp trà khác xây dựng cơ sở vững chắc sau đó dần lan tỏa ra các thị trường nước ngoài thì chúng em có phần hơi trái ngược. Từ 2020, sau khi mới thành lập được hơn 1 năm thì Hacoocha đã có những chuyến du ký đầu tiên tại các nước châu Âu như Czech, Hà Lan, Pháp… và nhận được nhiều sự đón nhận tích cực. Đấy cũng là lý do vì sao các sản phẩm trà bên em đều có tên tiếng Anh. Sau khi có những dấu ấn nhất định giờ chúng em mới đẩy mạnh việc lan tỏa sản phẩm tới các “trà hữu” trong nước.
Trà Việt trong nhiều chục năm trở lại đây đều bị đánh giá là trà loại 2 so với nhiều phẩm trà của Trung Quốc nhưng ít người biết rằng những phẩm trà đầu bảng của Trung Quốc đều có xuất xứ từ chúng ta. Thương lái Trung Quốc thường thu mua trà thô và mang về chế biến sau đó bán lại bằng thương hiệu của họ với giá cao, đây là điểm rất thiệt thòi của trà Việt. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi trong vài năm trở lại đây, CEO – Hacoocha chia sẻ.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng giá trị sản phẩm chè năm 2022 ước tính 12.600 tỷ đồng, tương đương với 552 triệu USD. Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD.
Giờ đây, những cây trè Shan Tuyết cổ thụ nghìn năm tuổi đã và đang được khai thác rất nhân văn và được bảo vệ bởi những người làm trà có tâm. Từ mờ sáng, tận dụng khoảng thời gian này những “trà nhân” thu hái những búp chè Shan Tuyết cổ thụ non xanh. Trà ngon nhất là những búp trà trên cây mọc ở sườn núi hướng đông nơi ít chịu ánh năng gắt. Búp trà được hái bởi những nghệ nhân để tránh trà bị dập nát và phải được chế biến sớm nhất để lưu giữ nguyên vẹn hương vị.
Không thể phủ nhận việc kinh doanh thương mại nhưng một mục tiêu lớn lao hơn không chỉ của em mà của những người làm trà trong nước là bảo tồn và lưu giữ những vùng nguyên liệu quý có thể được ví như “Quốc bảo” này cho những thế hệ sau của chúng ta. Chỉ mong có thêm nhiều người có tâm, có tầm hơn nữa chung tay để gìn giữ cũng như giúp vươn tầm cho trà Việt, vị trà nương này nhận định.