CEO hãng Arm: 'Con người đang mất khả năng kiểm soát máy móc'

Đại diện hãng chip cho biết AI là cơ hội để hãng mở rộng thị phần ra ngoài mảng điện thoại, nhưng cũng đi kèm một số nguy cơ.

 Haas là người giám sát đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 54,5 tỷ USD của Arm. Ảnh: Bloomberg.

Haas là người giám sát đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 54,5 tỷ USD của Arm. Ảnh: Bloomberg.

“Điều tôi lo lắng nhất là con người đang mất khả năng kiểm soát máy móc", Rene Haas, Giám đốc điều hành của Arm Holdings Plc, trả lời khi được Bloomberg hỏi điều gì khiến ông lo ngại nhất về trí tuệ nhân tạo.

Theo ước tính của Arm, 70% dân số thế giới từng sử dụng các sản phẩm do công ty này thiết kế, đây là minh chứng về vị thế hiếm có của Arm, một gã khổng lồ công nghệ toàn cầu. Haas nói rằng trong tương lai, Arm sẽ có vai trò thiết yếu với trí tuệ nhân tạo, giống như vai trò của hãng này với điện thoại thông minh.

“Trí tuệ nhân tạo sẽ xâm nhập vào mọi thứ chúng ta làm và mọi khía cạnh trong công việc, cuộc sống và giải trí trong vòng 5-10 năm tới", Haas nói.

Trong 1,4 tỷ điện thoại thông minh được bán ra mỗi năm, hơn 99% sử dụng thiết kế chip của Arm hoặc công nghệ của Arm. Tuy nhiên, Haas, người đảm nhiệm vị trí CEO từ tháng 2/2022, đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc của Arm vào ngành công nghiệp điện thoại thông minh do ngành này đang dần thu hẹp.

Thay vào đó, Arm đang tìm cách đưa công nghệ chip của họ vào các lĩnh vực như máy tính cá nhân, máy chủ và xe điện. Haas cho rằng các trung tâm dữ liệu là một cơ hội lớn cho hãng. Các mô hình ngôn ngữ lớn như OpenAI và Bard của Google yêu cầu các trung tâm dữ liệu khổng lồ và Arm đang nhắm mục tiêu chiếm 50% thị phần ngành này.

Cho đến thời điểm hiện tại, công ty hưởng lợi chính từ sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo là Nvidia. Cổ phiếu của công ty này đã tăng hơn 200% trong năm 2023.

Ngoài máy chủ, Haas cho biết Arm cũng tìm cách chiếm thị phần điện toán biên - hệ thống tính toán sử dụng hàng loạt các thiết bị trong nhà hoặc văn phòng thay vì một máy chủ tập trung, do các thiết bị này ngày càng mạnh hơn và là nhiều thiết bị sử dụng công nghệ của Arm.

Trung Quốc vừa là cơ hội vừa là rủi ro đối với Arm. Tổng doanh thu của công ty đạt khoảng 2,7 tỷ USD trong năm tài chính 2023, trong đó khoảng 25% doanh thu đến từ Trung Quốc. Vẫn chưa rõ Arm có thể mở rộng thị phần điện toán được không, trong bối cảnh Mỹ đặt ra các lệnh cấm xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc.

"Các CEO công nghệ có tiếp xúc với Trung Quốc hiện đều đang đứng trước một ranh giới rất mong manh", Haas nói. Trong khi công ty điều chỉnh theo những thay đổi với thị trường Trung Quốc, vị CEO cho biết mối quan tâm trước mắt hơn là khả năng thu hút nhân tài trong ngành bán dẫn, và ưu tiên hàng đầu để duy trì vị thế của công ty là "thu hút nhân tài đẳng cấp thế giới và thu hút các kỹ sư đến làm việc cho Arm".

Hoàng Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/ceo-hang-arm-con-nguoi-dang-mat-kha-nang-kiem-soat-may-moc-post1448689.html